Tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 4/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.
Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, một số Đại biểu Quốc hội, chuyên gia đến từ các bộ, ban ngành, doanh nghiệp và hiệp hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật đất đai (sửa đổi) là dự án Luật rất quan trọng, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo từ kỳ họp thứ 5, nhằm hoàn thiện hơn nữa chất lượng dự án Luật. Đến nay dự thảo còn 12 nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, các đại biểu thảo luận tập trung các nội dung còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, nội dung của Nghị quyết 18–NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Báo cáo tại phiên họp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, 12 nhóm vấn đề là những nội dung lớn của dự thảo luật đưa ra lấy ý kiến gồm: về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; Về điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa; Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Về các quy định liên quan đến thu hồi đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh; Về hoạt động lấn biển; Về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; Về giá đất; Về các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trả tiền hằng năm; Về đất sử dụng có thời hạn; Về đất sử dụng cho khu kinh tế.
Trong đó, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), ông Hiếu cho biết, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đối với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án về xác định tiêu chí thu hồi và thực hiện đấu giá, đấu thầu: Phương án 1 giao Hội đồng nhân dân quyết định dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu dựa trên các nguyên tắc: bảo đảm hiệu quả sử dụng đất; khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quỹ đất hiện có tại địa phương; nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện. Ngoài các trường hợp này mà Nhà nước thu hồi thì giao Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Phương án 2: quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, trên 10 hécta là trường hợp đấu thầu, không phân biệt loại đất thực hiện dự án; dưới 10 hécta và không sử dụng đất ở là trường hợp đấu giá; dưới 10 hécta và có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có...
Tại phiên họp, các đại biểu tiếp tục tập trung góp ý vào một số nội dung về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giá đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư, hoạt động lấn biển…
Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã làm rõ thêm các nội dung được đại biểu góp ý và cũng chia sẻ về một số nội dung vì sao cơ quan soạn thảo phải đưa ra những quy định như thế để tạo sự đồng thuận, lựa chọn phương án để hoàn thiện Dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc, Bộ và Ủy ban Kinh tế thống nhất thiết kế các quy định trong dự thảo: về các hành vi nghiêm cấm chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, tạo cơ chế có quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số (quy hoạch, kế hoạch, thu hồi đất), kinh phí để thực hiện…
Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, hiện chúng ta có gần 200.000 ha đất dành cho đơn vị sự nghiệp công lập mà chỉ quy định thứ nhất giao đất là không thu tiền sử dụng đất đối với đơn vị chưa tự chủ, thứ hai là được quyền lựa chọn thuê đất hay không đối với đơn vị tự chủ và được miễn tiền sửa dụng đất. Qua quá trình tổng kết Luật đất đai 2013 cho thấy, việc sử dụng quỹ đất rất lãng phí, nhiều đơn vị sử dụng muốn sử dụng kết hợp kinh doanh, dịch vụ để giảm bớt gánh nặng của Ngân sách, tạo nguồn thu. Do đó, Dự thảo lần này đã có quy định cho phép đơn vị có thể chuyển một phần diện tích, hoặc toàn bộ sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, tuy nhiên có ràng buộc là phải thực hiện theo Luật Quản lý tài sản công và được quyền thế chấp…
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh ghi nhận các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Đồng thời khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại phiên họp tháng 8.