Môi trường

Giải bài toán tài chính trong thỏa thuận nhựa toàn cầu

Minh Hạnh 19/12/2024 - 10:34

(TN&MT) - Tài chính là chủ đề nóng tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ (INC-5) tại Busan (Hàn Quốc) về một giải pháp toàn cầu xử lý vấn đề ô nhiễm nhựa. Đối với Việt Nam, để giải bài toán tài chính, Việt Nam đang tích cực tìm kiếm những công cụ bền vững hướng tới giải quyết ô nhiễm nhựa.

Quan điểm của Việt Nam

Sau phiên họp INC-5, ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết, quá trình đàm phán hiện nay đối với Thỏa thuận toàn cầu về Ô nhiễm nhựa đã gặp rất nhiều khó khăn do có sự mâu thuẫn trong lợi ích của các bên liên quan.

Trong đó, vấn đề tài chính là một trở ngại không có sự đồng thuận giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển.

Tại các buổi thảo luận, các quốc gia đang phát triển đề nghị các quốc gia phát triển, với trách nhiệm lịch sử là những người tạo ra các sản phẩm nhựa, đồng thời cũng là những người xuất khẩu phế liệu nhựa sang các quốc gia đang phát triển, phải có trách nhiệm huy động tài chính, hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Trách nhiệm này, không chỉ đối với vấn đề ô nhiễm nhựa hiện tại, mà còn cả ô nhiễm nhựa trong quá khứ.

screenshot-2024-12-16-at-15.35.09.png
Để triển khai hiệu quả thỏa thuận toàn cầu về nhựa, cần có các công cụ tài chính bền vững

Tuy nhiên, với các quốc gia phát triển, họ cho rằng không có sự phân biệt về trách nhiệm giữa các bên trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa. Đây chính là một trong những điểm khác biệt còn tồn tại, khiến thỏa thuận nhựa chưa thể đi tới một sự đồng thuận cuối cùng.

Về phía Việt Nam, Việt Nam kỳ vọng thỏa thuận nhựa là công cụ giải quyết ô nhiễm nhựa và quy định trách nhiệm chung của các bên tham gia. Ngành nhựa vẫn là một sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, do đó, Việt Nam mong muốn tìm kiếm những công cụ tài chính phù hợp để đảm bảo cân bằng lợi ích các bên và thúc đẩy triển khai thỏa thuận một cách bền vững.

“Vấn đề tài chính là một chủ đề nóng tại Hội nghị Busan vừa qua. Với bối cảnh như vậy, việc huy động nguồn lực và tài chính, đặc biệt là tài chính cho vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa ở Việt Nam, cần phải có sự đổi mới và sáng tạo”, ông Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Trong đó, một mặt, Việt Nam có thể sử dụng nguồn chi từ ngân sách cho việc xử lý ô nhiễm nhựa, đồng thời cần huy động sự tham gia của xã hội, doanh nghiệp vào vấn đề và giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

Hiện, Việt Nam đã có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đây là một công cụ mới khi các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu các sản phẩm nhựa có trách nhiệm đóng góp tài chính để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Việc thực hiện quy định EPR sẽ cung cấp một nguồn tài chính quan trọng, góp phần giúp Việt Nam giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Điểm đặc biệt mà EPR mang lại, đó là cơ chế này sẽ yêu cầu các công ty phải thật sự có trách nhiệm và thực hiện các nỗ lực quản lý rác thải nhựa bền vững.

“Bên cạnh EPR, chúng ta còn có các nguồn hỗ trợ khác từ khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế. Chúng ta cũng có thể thảo luận về nghiên cứu thêm một vài công cụ như tín chỉ nhựa, hoặc các vấn đề về thuế và phí. Như vậy, từ việc đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, bức tranh tài chính trong tương lai, trong vấn đề về ô nhiễm nhựa chắc chắn sẽ thay đổi”, ông Lê Ngọc Tuấn cho biết.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Theo Báo cáo Kịch bản chính sách nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đến năm 2040 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc chấm dứt ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự huy động nguồn tài chính lớn, nhu cầu đầu tư toàn cầu để quản lý chất thải nhựa được dự báo sẽ đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ 2020 đến 2040.

Để kích thích tài trợ bền vững cho các sáng kiến liên quan đến nhựa, điều cần thiết là phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện bằng cách thiết lập các hướng dẫn rõ ràng, tăng cường khuôn khổ pháp lý, đưa ra các ưu đãi hỗ trợ và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế để mở ra các cơ hội tài trợ đa dạng và thúc đẩy đổi mới trong các giải pháp tuần hoàn.

Nói thêm về vấn đề này, TS. Muthukumara S. Mani - Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu vùng Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết: Một số công cụ nổi bật hiện nay bao gồm trái phiếu xanh, tín chỉ nhựa, ưu đãi thuế và trợ cấp. Đây là những công cụ có thể khuyến khích hoạt động tái chế và tái sử dụng nhựa.

Trong đó, đối với các quốc gia thu nhập thấp, họ có thể thu hút nguồn đầu tư từ các quốc gia phát triển thông qua những dự án quản lý rác thải nhựa giá rẻ.

“Ví dụ, các dự án các-bon ở các nước đang phát triển, họ có thể quản lý các-bon với mức rẻ hơn, hoặc có thể thực hiện các dự án hiệu quả năng lượng rẻ hơn so với các nước phát triển. Đó chính là những dự án tốt có thể thu hút tài trợ từ các nước phát triển.

Chúng ta có thể áp dụng cách làm tương tự với nhựa. Nếu có cách quản lý và xử lý nhựa rẻ hơn ở các nước đang phát triển, các nước thu nhập thấp, những dự án đó thực sự có thể thúc đẩy nhu cầu về một thị trường tín chỉ nhựa toàn cầu. Do đó, nếu một quốc gia đang phát triển có khả năng tiếp thị những dự án đó một cách bền vững, họ hoàn toàn có thể thu hút được nguồn tài trợ từ các quốc gia giàu có hơn. Đó có thể là nguồn tại trợ tốt cho các nước thu nhập thấp hơn đang cố gắng quản lý rác thải nhựa”, TS. Muthukumara S. Mani giải thích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán tài chính trong thỏa thuận nhựa toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO