Tài nguyên

Thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản: Cơ sở pháp lý “đầu vào” trước khi cấp phép khai thác

Mai Đan 05/08/2024 - 11:23

(TN&MT) - Công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong Báo cáo thăm dò khoáng sản có vai trò quyết định, là cơ sở pháp lý “đầu vào” trước khi cấp phép khai thác khoáng sản.

Theo quy định tại Điều 49 Luật Khoáng sản năm 2010, thẩm quyền phê duyệt trữ lượng trong Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đối với các Giấy phép thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT là Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia (Hội đồng); UBND cấp tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đối với các Giấy phép thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền.

ceefccdb-0a29-4c79-8362-464e8071d091.jpg
Công tác phê duyệt trữ lượng khoáng sản có vai trò, ý nghĩa quan trọng

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, kể từ ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực (1/7/2011) đến hết năm 2023, Bộ TN&MT đã cấp 369 Giấy phép thăm dò khoáng sản trên địa bàn 63 địa phương đối với trên 50 loại khoáng sản khác nhau; UBND cấp tỉnh đã cấp trên 2.400 Giấy phép thăm dò khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền đối với trên 20 loại khoáng sản khác nhau. Như vậy theo thẩm quyền, Hội đồng cũng như UBND cấp tỉnh đã phê duyệt trữ lượng của gần 3.000 Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản.

Hầu hết các mỏ khoáng sản sau khi được phê duyệt trữ lượng đến nay đã được cấp phép khai thác, đã và đang hoạt động có hiệu quả, hàng năm cung cấp trên một trăm triệu tấn đá vôi để sản xuất xi măng, hàng trăm triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường, trên 100 triệu m3 cát, sỏi phục vụ nhu cầu xây dựng; trên 40 triệu tấn than sạch, trên 3 triệu tấn quặng sắt,... đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng khoáng sản trong nước và một phần xuất khẩu.

Đánh giá vai trò, ý nghĩa của công tác phê duyệt trữ lượng khoáng sản, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, trữ lượng khoáng sản sau khi phê duyệt/công nhận là căn cứ pháp lý quan trọng để lập Dự án đầu tư khai thác khoáng sản trước khi cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và lập Thiết kế khai thác mỏ sau khi cấp phép.

Mặt khác, trữ lượng khoáng sản được phê duyệt còn là thông tin, số liệu, dữ liệu quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả trong từng thời kỳ, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

Trên thế giới và ở Việt Nam cũng như vậy, để khoanh nối thân khoáng sản làm cơ sở xác định trữ lượng mỏ khoáng sản bắt buộc phải xác định được “chỉ tiêu tính trữ lượng”. Đây là chỉ tiêu quan trọng để khoanh định phạm vi không gian của thân khoáng sản, là chỉ tiêu mang tính kỹ thuật - kinh tế tổng hợp liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành như: địa chất, khai thác mỏ; công nghệ tuyển khoáng; công nghệ chế biến, luyện kim; kinh tế địa chất - mỏ và thị trường nguyên liệu khoáng. Đó là chỉ số về địa chất, kinh tế và tính khả thi.

Do đó, công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong Báo cáo thăm dò khoáng sản có vai trò quyết định, là cơ sở pháp lý “đầu vào” trước khi cấp phép khai thác khoáng sản; là cơ sở để quản lý “tài sản công” là trữ lượng khoáng sản đã phê duyệt trong khu vực được phép khai thác trong suốt quá trình hoạt động khai thác cho đến khi đóng cửa mỏ khoáng sản.

Đặc biệt là đối với mỏ khoáng sản có giá trị cao, mỏ đa kim, có cấu trúc địa chất phức tạp khi xác định “chỉ tiêu tính trữ lượng” và tổ chức thẩm định Báo cáo kết quả thăm dò cần phải tuân thủ quy trình, các quy định về phân cấp trữ lượng, tài nguyên; căn cứ trên cơ sở tài liệu nguyên thuỷ được giám sát chặt chẽ, đồng thời phải có sự tham gia của đầy đủ các Bộ/ngành liên quan nhằm đảm bảo kết quả phê duyệt trữ lượng có tính khoa học, tổng hợp, liên ngành và khách quan.

Theo Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, căn cứ quan trọng trong quá trình thẩm định, phê duyệt trữ lượng trong Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản là các quy định về phân cấp trữ lượng, tài nguyên khoáng sản và kỹ thuật thăm dò khoáng sản.

Theo đó, quy định về phân cấp trữ lượng, tài nguyên khoáng sản được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 60/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn. Đối với từng loại/nhóm khoáng sản, Bộ TN&MT đã ban hành các Thông tư có liên quan quy định về phân cấp trữ lượng, tài nguyên và kỹ thuật thăm dò.

Ngoài ra, trong thăm dò và phê duyệt trữ lượng khoáng sản còn áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định, quy phạm kỹ thuật chuyên ngành khác như: đo vẽ bản đồ địa hình, bản đồ địa chất, địa chất thuỷ văn - địa chất công trình; công tác thi công công trình và lấy mẫu địa chất; công tác kiểm soát chất lượng phân tích mẫu; công tác địa vật lý; công tác khí mỏ, hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam… Đây là hệ thống các văn bản làm cơ sở để Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản: Cơ sở pháp lý “đầu vào” trước khi cấp phép khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO