Sở TN&MT Thái Nguyên: "Khai thác khoáng sản trong phạm vi cho phép"
Trước những thông tin trái chiều, PV Báo TN&MT đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên. Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên, phụ trách lĩnh vực khoáng sản, môi trường cho biết: Cánh đồng Bản Ná xã Thần Xa, huyện Võ Nhai là khu vực có khoáng sản vàng sa khoáng đã được Bộ Công nghiệp ra quyết định số 1129/QĐ-ĐCKS ngày 12/6/1998 phê duyệt khu vực khai thác tận thu và bàn giao cho UBND tỉnh Thái Nguyên quản lý, tổ chức cấp giấy phép khai thác tận thu vàng sa khoáng. Khu vực này, trong nhiều năm trước đây là điểm nóng về khai thác vàng trái phép, các ngành, các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương đã tốn rất nhiều công sức, tiền của để giải toả, truy quét, chốt giữ.
Ngày 05/12/2008, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3068/GP-UBND cho phép Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long được khai thác khoáng sản vàng sa khoáng Bản Ná, xã Thần Xa, huyện Võ Nhai. Diện tích đất là 37,25 ha, trong đó: diện tích khu vực khai thác là 32,6 ha, diện tích mặt bằng công nghiệp và phụ trợ là 4,65 ha; trữ lượng được phép khai thác là 1.021.679 m3 cát quặng, công suất khai thác là 320.000 m3cát quặng/năm, thời gian khai thác là 07 năm.
Thực hiện quyền của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 55 Luật khoáng sản năm 2010 và khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khoáng sản, Công ty đã phối hợp với Liên đoàn Địa chất Đông Bắc lập đề án và tiến hành thi công thăm dò, nâng cấp trữ lượng khoáng sản quặng vàng sa khoáng tại mỏ trong phạm vi diện tích, độ sâu được phép khai thác theo Giấy phép số 799/QĐ-UBND nêu trên. Sau khi hoàn thành công tác thăm dò, Công ty đã nộp báo cáo và hồ sơ về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo ý kiến thẩm định của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, công tác thăm dò đã triển khai phương pháp, khối lượng, mạng lưới thăm dò phù hợp với quy định, đáp ứng yêu cầu đánh giá trữ lượng, chất lượng quặng vàng ở cấp 122 trên diện tích mỏ đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác. Kết quả tính trữ lượng, tài nguyên còn lại của mỏ là có cơ sở, đảm bảo tin cậy.
Thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 5418/BTNMT-ĐCKS ngày 05/12/2014 về việc phê duyệt trữ lượng trong báo cáo thăm dò nâng cấp trữ lượng tại mỏ vàng Bản Ná. Ngày 16/01/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt trữ lượng cát quặng và vàng kim loại kèm theo “Báo cáo kết quả thăm dò bổ sung và nâng cấp trữ lượng mỏ vàng sa khoáng Bản Ná, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên” tại Quyết định số 141/QĐ-UBND. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về khoáng sản, Công ty đã lập và hoàn chỉnh Dự án đầu tư (điều chỉnh) theo ý kiến thẩm định của Sở Công Thương. Theo đó, diện tích, chiều sâu khu vực khai thác được giữ nguyên theo đúng Giấy phép khai thác đã cấp là 32,60 ha; trữ lượng cát quặng huy động vào khai thác là 170.254 m3 cát quặng (là trữ lượng đã thăm dò bổ sung, nâng cấp và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 141/QĐ-UBND nêu trên); công suất khai thác là 25.000 m3 cát quặng/năm (được điều chỉnh phù hợp với điều kiện, khả năng khai thác hiện tại); thời hạn khai thác là 08 năm.
Ngày 06/12/2013, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án cải tạo phục hồi môi trường Dự án đầu tư (điều chỉnh) mỏ vàng sa khoáng Bản Ná tại Quyết định số 2662/QĐ-UBND với tổng số tiền cho công tác cải tạo phục hồi môi trường là 2.320.423.735 đồng; số lần ký quỹ 8 lần, tính từ năm 2014. Bên cạnh đó, hiện nay Công ty đã hoàn thành việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là 1.636.396.000 đồng.
Năm 2011, doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, Sở TN&MT thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát về hoạt động khai thác và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên tới thời điểm này, Công ty vẫn đang hoạt động khai thác trong phạm vi cho phép, không phát hiện hành vi vi phạm lấn chiếm hay tự ý mở rộng phạm vi khai thác. Đặc biệt về môi trường, do khai thác vàng sa khoáng nên chỉ dùng nước rửa trôi đất đá, không sử dụng hóa chất nên đảm bảo yếu tố môi trường, hiện lúa của bà con trồng khu vực quanh mỏ và phái dưới vẫn xanh tốt bình thường.
Riêng về khu vực bãi đổ thải có diện tích là 10 ha đã được UBND tỉnh có văn bản số 640/UBND-TNMT ngày 28/4/2011 về việc chấp thuận chủ trương cho thực hiện dự án đổ thải của Công ty. Hiện nay, Công ty chưa hoàn thiện thuê đất đối với khu vực đổ thải là do Công ty đã có thỏa thuận thuê đất với nhân dân là gửi thải, sau khi công ty khai thác xong chở phần gửi thải để san lấp lại moong khai thác và trả lại đất cho nhân dân để canh tác. Thời gian hoàn thành việc di chuyển khối lượng đất đá gửi thải vào cuối tháng 3 năm 2019.
Chủ tịch huyện Võ Nhai: "Làm đường, xây chùa trên nền cũ"
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về việc có thông tin cho rằng con đường và ngôi chùa mở rộng lấn chiếm rừng đặc dụng, ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: "Tuyến đường Nông thôn mới từ ngã ba xóm Ngọc Sơn II đi Bản Ná, xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai được UBND huyện Võ Nhai phê duyệt trong quy hoạch và phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới xã Thần Sa tại Quyết định số 2807/QĐ-UBND ngày 30/11/2012; Quyết định số 2918/QĐ-UBND ngày 17/12/2012. Việc tổ chức thực hiện đề án, thi công tuyến đường là nguyện vọng chính đáng của 97 hộ, với 396 nhân khẩu trên địa bàn xóm Xuyên Sơn. Đây cũng là tuyến đường duy nhất mà các phương tiện có thể đi vào xóm Xuyên Sơn. Việc làm con đường này có ý nghĩa hết sức to lớn, tạo điều kiện nâng cao đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Qua kiểm tra xác minh thực tế thì tuyến đường được làm trên nền đường cũ, đã có từ lâu đời, hai bên không có cây rừng, chỉ là cây bụi, cỏ dại và cây gỗ Keo do nhân dân tự trồng.
Tuy nhiên, đối chiếu với Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2013 và đến năm 2020 được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 thì một phần tuyến đường nằm trong Quy hoạch 3 loại rừng. Điều đó cũng đồng nghĩa Quy hoạch 3 loại rừng phê duyệt năm 2014 bao lên một phần tuyến đường mòn xưa kia, tuyến đường quy hoạch nông thôn mới năm 2012. Không chỉ có vậy, Quy hoạch 3 loại rừng còn bao trùm lên đất sản xuất, đất tâm linh, đất ở của nhiều hộ dân. Đối chiếu với bản đồ địa chính năm 2007, một phần quy hoạch tuyến đường nông thôn mới lại nằm trong quy hoạch đất rừng sản xuất. Sự bất cập nêu trên đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, đi lại của nhân dân. Đây cũng là những lý do mà năm 2017, xã Thần Sa, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng và Đơn vị doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất xin chuyển đổi một phần đất rừng cho phù hợp thực tiễn. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương, do vậy UBND tỉnh đã có chỉ đạo rà soát tổng thể và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch đất rừng ngay trong năm 2018".
Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết thêm: Ngay sau khi có thông tin về vụ việc của Công ty Khoáng sản Thăng Long, tỉnh Thái Nguyên cũng đã lập đoàn kiểm tra, kết quả đoàn kiểm tra đã xác định Công ty CP ĐTXD và Khai thác khoáng sản Thăng Long thực hiện khai thác trong phạm vi ranh giới được cấp phép và cho thuê đất.
Về khu vực đình, đền, chùa Bản Ná, xã Thần Sa, khu vực này có tổng diện tích khoảng 0,12 ha và đã có trước khi xác lập Khu bảo tồn, quy hoạch rừng đặc dụng, nhân dân vẫn đến sinh hoạt tín ngưỡng. Theo nguyện vọng của người dân xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa và người dân trong khu vực cũng như chính quyền địa phương đề xuất trùng tu, nâng cấp đình, đền, chùa Bản Ná trên nền đình, đền, chùa cũ đã có từ lâu đời. Công ty CP ĐTXD và KT khoáng sản Thăng Long đã công đức tài chính để trùng tu, sửa chữa, đầu tư nâng cấp. Trước khi thực hiện việc trùng tu, nâng cấp, Công ty đã báo cáo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên và đã được đồng ý. Hiện nay, bà con nhân dân xóm Xuyên Sơn và khu vực lân cận vẫn thường xuyên đến lễ chùa, đình, đền tại khu vực trên.