Thái Nguyên: Tăng cường quản lý khoáng sản chưa khai thác

01/10/2018 19:35

(TN&MT) - Nhằm bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, khu vực đóng cửa mỏ, bãi thải, xử lý triệt để khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

Công khai quy hoạch khoáng sản

Theo phương án này, tỉnh Thái Nguyên sẽ công khai quy hoạch khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khu vực cấm và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực cấp phép và khu vực chưa cấp phép hoạt động khoáng sản.

Đồng thời, tỉnh sẽ tham mưu kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các khu vực có khoáng sản mới phát hiện; khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường làm nguyên liệu phục vụ cho việc xây dựng, san lấp công trình hạ tầng kỹ thuật và các dự án thu hút đầu tư; khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý cấp phép theo quy định của pháp luật khoáng sản hiện hành.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên khuyến khích các đơn vị được cấp mỏ đầu tư chế biến sâu; đối với đơn vị không được cấp mỏ chỉ cho phép đầu tư chế biến sâu khi chủ động được nguồn guyên liệu hợp pháp; các đơn vị đầu tư mới cơ sở chế biến sâu khoáng sản phải bằng công nghệ, thiết bị hiện đại để đảm bảo phát triển bền vững (chất lượng sản phẩm cao, tiết kiệm tài nguyên và ít tác động sấu đến môi trường).

ks
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Song song đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép; thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Thái Nguyên sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp các giữa tỉnh, các sở ngành với UBND cấp huyện và UBND cấp xã nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo lĩnh vực và địa bàn quản lý. Thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản đối với các địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn,... Phát huy chức năng giám sát, quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa cấp phép trên địa bàn của các tổ chức chính trị - xã hội.

Đối với công tác dân vận, tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp và nhân dân về hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định. Tỉnh sẽ đa dạng hóa, đa hình thức trong công tác tuyên truyền, sự nỗ lực của các ngành, các cấp làm chuyển biến nhận thức và sự hiểu biết cho tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, từ đó tích cực đấu tranh với các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép.

Lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24 về hoạt động khai thác khoáng sản

Để thực hiện tốt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thành phố, thị xã thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn xã, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ, để kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện.

Đồng thời, tổ chức ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản đối với vùng giáp ranh thuộc địa giới hành chính từ 02 huyện trở lên, làm cơ sở để phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý khoáng sản.

3 2 Opt
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Bên cạnh đó, chính quyền cấp huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm tổ chức lực lượng tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện, khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh về khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra, nhưng không có biện pháp giải quyết hoặc cố tình chậm trễ trong việc kiểm tra xử lý.

Trong khi đó, UBND các xã, phường, thị trấn phải kịp thời xử lý nghiêm các hành vi: tạo dựng bến bãi, lán, trại; đào hầm, hào, hố, lò phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; tập kết khoáng sản và xây dựng cơ sở tuyển quặng trái phép; sử dụng công cụ, phương tiện máy móc hoặc vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép.

Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý, trước pháp luật và Chủ tịch UBND huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh về khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra, nhưng không có biện pháp giải quyết hoặc cố tình chậm trễ trong việc kiểm tra xử lý.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Tăng cường quản lý khoáng sản chưa khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO