(TN&MT) - Nhiều hộ dân sinh sống lâu năm ở xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã phản ánh về việc quyền lợi bị xâm hại khi tham gia trồng rừng trên địa bàn. Phóng viên vào cuộc tìm hiểu vấn đề trên, nhiều nội dung phản ánh của người dân là chính đáng và có cơ sở. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp của tỉnh Thái Nguyên cũng như đơn vị phối hợp thực hiện cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để có câu trả lời thoả đáng cho người dân.
Doanh nghiệp bắt ký hợp đồng trắng?
Liên quan đến phản ánh của người dân về những bất minh trong giao khoán trồng rừng và quyền hưởng lợi từ quản lý bảo vệ rừng, ông Dương Minh Thư - Chủ tịch UBND xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ cho biết: UBND xã đã nhận được đơn thư của các hộ dân. Đơn thư chủ yếu tập trung vào 3 nội dung gồm: Người dân không được bàn bạc, thỏa thuận khi ký hợp đồng; Nhiều trường hợp ký hợp đồng trắng hoặc không được ký nhưng khi Công ty lâm nghiệp cung cấp hợp đồng thì diện tích đã bị thay đổi theo hướng tăng lên; Đặc biệt, việc áp mức khoán quá cao khiến người dân gặp nhiều bất lợi.
Trong các đơn thư phản ánh đều khẳng định, người dân thực hiện trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đã được giao. Tuy nhiên, đến thời điểm khai thác, khi thực hiện thủ tục để khai thác thì phía Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên lại yêu cầu dân phải ký vào bản hợp đồng giao khoán trồng rừng thì mới được phép vận chuyển. Các bản hợp đồng được để trống thời gian cũng như các nội dung thỏa thuận. Chỉ đến khi nhận lại hợp đồng thì người dân mới tá hỏa phát hiện nhiều nội dung bất lợi cho mình.
Ông Phạm Duy Quyền ở xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị đã cho biết: Năm 2016 ông Quyền thực hiện hợp đồng giao khoán trồng rừng với Công ty, diện tích là 2,8 ha. Đầu năm 2019, khi nhận được hợp đồng thì diện tích thỏa thuận trong bản hợp đồng đã nhảy vọt lên thành 19,50 ha. Trong khi đó, tổng diện tích trong sổ lâm bạ của gia đình ông, chỉ có 18,6 ha. Tương tự, ông Triệu Hữu Lưu, dân tộc Dao ở Xóm Suối Găng, xã Cây Thị tự bỏ vốn trồng 0,5 ha keo, do cây đổ nên phải khai thác non. Khi thực hiện thủ tục vận chuyển thì được ông Trần Văn Định (Đội trưởng đội lâm nghiệp số 4 thuộc Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên) yêu cầu ký hợp đồng trống. Sau đó, ông tự trồng lại 0,5 ha keo. Khi ông Lưu lấy hợp đồng thì mới phát hiện diện tích đã được cho tăng lên là 4 ha. Ông Nguyễn Trọng Oánh cũng ở xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị chia sẻ thêm: Các nội dung trong bản hợp đồng đã bị thay đổi. Thậm chí, bản hợp đồng giao khoán của gia đình ông có lô rừng lại trùng với lô rừng của hộ gia đình ông Hà Văn Sang.
Ông Dương Cao Khải ở xóm Hoan, xã Cây Thị bức xúc: Gia đình tôi thực hiện trồng rừng từ 2016 với diện tích được Công ty giao khoán khoảng hơn 1 ha. Cuối năm 2018, ông đến Công ty lâm nghiệp để nhận hợp đồng giao khoán nói trên. Qua kiểm tra, ông Khải giật mình, té ngửa vì diện tích đã được nâng lên là 15,7 ha. Điều đáng nói là, hầu hết các bản hợp đồng mà phía Công ty yêu cầu người dân ký đều là hợp đồng chưa có diện tích, lô khoảnh. Điều lạ là diện tích cứ tăng lên trong hợp đồng tạo chênh lệch lớn với thực tế khiến người dân trồng rừng lo lắng.
“Phát canh thu tô kiểu mới?
Ông Dương Minh Thư khẳng định: Những ý kiến phản ánh của người dân là có cơ sở. Chẳng hạn, đối với những diện tích mà người dân đã tự trồng thì tại sao không cho phép họ nộp thuế đất mà cứ phải thực hiện ký hợp đồng. Đối với những hợp đồng có sự thay đổi về diện tích thì phải đo đạc lại cho rõ ràng. Dân sẵn sàng quản lý, sử dụng diện tích theo hợp đồng nhưng phải đảm bảo diện tích đó cũng chính là diện tích trên thực địa.
Qua tìm hiểu được biết, phía Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên đang thực hiện việc giao khoán trồng rừng với 3 mô hình. Đối với rừng trồng Quốc doanh thì người dân được nhận tiền nhân công là 20,7 triệu đồng/ha/chu kỳ 9 năm. Đối với mô hình rừng trồng khoán hộ đầu tư cao thì người dân được nhận tiền nhân công là 18,9 triệu đồng/ha/chu kỳ 9 năm. Cuối chu kỳ, Công ty thu 80 m3 gỗ đứng, sản phẩm vượt khoán được chia đôi, mỗi bên hưởng 50%. Đối với mô hình rừng trồng khoán hộ đầu tư thấp thì Công ty đầu tư cây giống và mức lương tối thiểu là 1,3 triệu đồng/ha. Cuối chu kỳ 7 năm, Công ty thu hồi sản phẩm gỗ đứng là 40 m3.