Thái Nguyên: Người dân xã Cây Thị khốn khổ vì “phát canh thu tô kiểu mới” trong giao khoán rừng

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 14:47, 02/08/2019

(TN&MT) - Nhiều hộ dân sinh sống lâu năm ở xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã phản ánh về việc quyền lợi bị xâm hại khi tham gia trồng rừng trên địa...

(TN&MT) - Nhiều hộ dân sinh sống lâu năm ở xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã phản ánh về việc quyền lợi bị xâm hại khi tham gia trồng rừng trên địa bàn. Phóng viên vào cuộc tìm hiểu vấn đề trên, nhiều nội dung phản ánh của người dân là chính đáng và có cơ sở. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp của tỉnh Thái Nguyên cũng như đơn vị phối hợp thực hiện cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để có câu trả lời thoả đáng cho người dân.

Doanh nghiệp bắt ký hợp đồng trắng?

1
Người dân xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên “tố” doanh nghiệp bắt ký hợp đồng trắng, thu tiền giao khoán rừng quá cao.
Liên quan đến phản ánh của người dân về những bất minh trong giao khoán trồng rừng và quyền hưởng lợi từ quản lý bảo vệ rừng,  ông Dương Minh Thư - Chủ tịch UBND xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ cho biết: UBND xã đã nhận được đơn thư của các hộ dân. Đơn thư chủ yếu tập trung vào 3 nội dung gồm: Người dân không được bàn bạc, thỏa thuận khi ký hợp đồng; Nhiều trường hợp ký hợp đồng trắng hoặc không được ký nhưng khi Công ty lâm nghiệp cung cấp hợp đồng thì diện tích đã bị thay đổi theo hướng tăng lên; Đặc biệt, việc áp mức khoán quá cao khiến người dân gặp nhiều bất lợi.
2
Ông Dương Minh Thư, Chủ tịch UBND xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ khẳng định: Những ý kiến phản ánh của người dân là có cơ sở.

Trong các đơn thư phản ánh đều khẳng định, người dân thực hiện trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đã được giao. Tuy nhiên, đến thời điểm khai thác, khi thực hiện thủ tục để khai thác thì phía Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên lại yêu cầu dân phải ký vào bản hợp đồng giao khoán trồng rừng thì mới được phép vận chuyển. Các bản hợp đồng được để trống thời gian cũng như các nội dung thỏa thuận. Chỉ đến khi nhận lại hợp đồng thì người dân mới tá hỏa phát hiện nhiều nội dung bất lợi cho mình.
Ông Phạm Duy Quyền ở xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị đã cho biết: Năm 2016 ông Quyền thực hiện hợp đồng giao khoán trồng rừng với Công ty, diện tích là 2,8 ha. Đầu năm 2019, khi nhận được hợp đồng thì diện tích thỏa thuận trong bản hợp đồng đã nhảy vọt lên thành 19,50 ha. Trong khi đó, tổng diện tích trong sổ lâm bạ của gia đình ông, chỉ có 18,6 ha. Tương tự, ông Triệu Hữu Lưu, dân tộc Dao ở Xóm Suối Găng, xã Cây Thị tự bỏ vốn trồng 0,5 ha keo, do cây đổ nên phải khai thác non. Khi thực hiện thủ tục vận chuyển thì được ông Trần Văn Định (Đội trưởng đội lâm nghiệp số 4 thuộc Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên) yêu cầu ký hợp đồng trống. Sau đó, ông tự trồng lại 0,5 ha keo. Khi ông Lưu lấy hợp đồng thì mới phát hiện diện tích đã được cho tăng lên là 4 ha. Ông Nguyễn Trọng Oánh cũng ở xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị chia sẻ thêm: Các nội dung trong bản hợp đồng đã bị thay đổi. Thậm chí, bản hợp đồng giao khoán của gia đình ông có lô rừng lại trùng với lô rừng của hộ gia đình ông Hà Văn Sang.

 
3
Người dân xã Cây Thị chăm sóc, tỉa cành cho rừng keo được nhận giao khoán.

Ông Dương Cao Khải ở xóm Hoan, xã Cây Thị bức xúc: Gia đình tôi thực hiện trồng rừng từ 2016 với diện tích được Công ty giao khoán khoảng hơn 1 ha. Cuối năm 2018, ông đến Công ty lâm nghiệp để nhận hợp đồng giao khoán nói trên. Qua kiểm tra, ông  Khải giật mình, té ngửa vì diện tích đã được nâng lên là 15,7 ha. Điều đáng nói là, hầu hết các bản hợp đồng mà phía Công ty yêu cầu người dân ký đều là hợp đồng chưa có diện tích, lô khoảnh. Điều lạ là diện tích cứ tăng lên trong hợp đồng tạo chênh lệch lớn với thực tế khiến người dân trồng rừng lo lắng.
“Phát canh thu tô kiểu mới?
Ông Dương Minh Thư khẳng định: Những ý kiến phản ánh của người dân là có cơ sở. Chẳng hạn, đối với những diện tích mà người dân đã tự trồng thì tại sao không cho phép họ nộp thuế đất mà cứ phải thực hiện ký hợp đồng. Đối với những hợp đồng có sự thay đổi về diện tích thì phải đo đạc lại cho rõ ràng. Dân sẵn sàng quản lý, sử dụng diện tích theo hợp đồng nhưng phải đảm bảo diện tích đó cũng chính là diện tích trên thực địa.

4
Rừng keo của người dân xã Cây Thị nhận giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ đang phát triển tốt.
Qua tìm hiểu được biết, phía Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên đang thực hiện việc giao khoán trồng rừng với 3 mô hình. Đối với rừng trồng Quốc doanh thì người dân được nhận tiền nhân công là 20,7 triệu đồng/ha/chu kỳ 9 năm. Đối với mô hình rừng trồng khoán hộ đầu tư cao thì người dân được nhận tiền nhân công là 18,9 triệu đồng/ha/chu kỳ 9 năm. Cuối chu kỳ, Công ty thu 80 m3 gỗ đứng, sản phẩm vượt khoán được chia đôi, mỗi bên hưởng 50%. Đối với mô hình rừng trồng khoán hộ đầu tư thấp thì Công ty đầu tư cây giống và mức lương tối thiểu là 1,3 triệu đồng/ha. Cuối chu kỳ 7 năm, Công ty thu hồi sản phẩm gỗ đứng là 40 m3.
6
Người dân xã Cây Thị “tố” doanh nghiệp bắt ký hợp đồng trắng khi sắp đến kỳ thu hoạch gỗ.

Về mức khoán nói trên, ông Triệu Sinh Tiến ở xóm Khe Cạn, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ cho biết: Trên thực tế, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên đã đầu tư cây giống và một phần tiền nhân công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng số tiền mỗi hộ nhận được chỉ 1,3 triệu đồng/ha. Thế nhưng tới cuối chu kỳ trồng rừng, người dân ở đây phải trả cho Công ty tới là 40m3 gỗ cây đứng/ha. Ông Nghiêm Xuân Minh ở xóm Khe Cạn, xã Cây Thị bức xúc phân tích thêm: Tính trung bình mỗi chu kỳ người dân trong chỉ thu được 50 - 80 triệu đồng/ha rừng. Trong khi đó, với mức khoán hiện tại, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên đã thu mất của người dân từ 20 - 23 triệu đồng/ha rừng. “Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân chỉ biết bám vào rừng để sinh tồn. Từ lúc trồng, đến chăm sóc, bảo vệ đằng đẵng 7 - 8 năm trời mà chúng tôi chỉ được phần nhân công trên dưới 20 triệu. Phía công ty chỉ đầu tư khoảng 2 triệu mà thu lại tới hơn 20 triệu/ha thì quá bất công. Thật chẳng khác nào thu tô kiểu mới”.
Ông Dương Minh Thư, Chủ tịch UBND xã Cây Thị khẳng định xã đã làm hết trách nhiệm: UBND xã đã tổ chức đối thoại giữa người dân với công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, buổi đối thoại đã không đạt được thỏa thuận. Lãnh đạo xã cũng mong muốn các cơ quan chức năng đủ thẩm quyền sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm những vướng mắc đã nảy sinh.
Từ những kiến nghị trên, đa số người dân đều đặt câu hỏi, tại sao Công ty không can thiệp và đề nghị ký hợp đồng ngay khi người dân bắt đầu trồng rừng mà lại cứ để đến sau khi phát hiện ra, thậm chí đến lúc khai thác mới cho ký hợp đồng?
Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên quản lý diện tích đất lâm nghiệp trên 10.000 ha. Năm 2014, thực hiện cổ phần hóa, một phần diện tích được bàn giao lại trả cho địa phương. Hiện Công ty đang được giao quản lý 8.077 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên đã cho biết, phía Công ty vẫn tiếp tục dự kiến trả thêm đất rừng cho địa phương và chỉ để phần diện tích còn khoảng 4000 ha. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thừa nhận, do trước đây không có bản đồ giải thửa, bản đồ chi tiết mà chỉ có bản đồ khoanh vẽ nên việc bàn giao gặp nhiều khó khăn. Muốn bàn giao phải rà soát, sau đó có bản đồ giải thửa, bản đồ chi tiết cho phù hợp với xóm, xã, huyện…thì mới thực hiện được. Ông Tuấn cũng khẳng định, hộ dân ký hợp đồng trồng rừng với Công ty nhưng chưa nhận đầu tư (nhân công, cây giống) thì đến cuối chu kỳ vẫn phải trả cho Công ty đủ khối lượng gỗ cây đứng là 33m3/ha/chu kỳ. Công ty chỉ giảm trừ sản lượng gỗ giao nộp tương đương với tiền cây giống, nhân công trong 2 năm được quy ra là 3,93m3/ha.
Đại diện phía Công ty lâm nghiệp khẳng định bất cập trong công tác quản lý như trên đã phần nào lý giải việc tại sao Công ty buộc phải chạy theo, hoàn thiện thủ tục cho những những diện tích đất đã được người dân trồng rừng.
Có thể thấy rõ, Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên đã và đang mang trên mình chiếc áoquá khổ. Bởi phải quản lý bằng bản đồ khoanh vẽ, trên một diện tích quá lớn, địa bàn quá rộng, đa phần là đồng bào dân tộc, dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng…chính là yếu tố gây nên những mâu thuẫn lợi ích nói trên. Ghi nhận từ thực tế, thấy ở bất cứ nơi đâu, người nông dân cũng không bao giờ để đất hoang phí. Ruộng nương ít ỏi, đồi núi sỏi đá cằn cỗi cũng là tư liệu quý giúp họ bấu bám để sinh tồn, phát triển. Từ chủ trương tiếp tục bàn giao đất về cho địa phương của Công ty lâm nghiệp, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cần sớm vào cuộc phối hợp với Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên thực hiện thấu đáo nội dung nói ở trên, giúp người dân bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ và tạo niềm tin, sự yên tâm bám đất, bám rừng phát triển kinh tế dưới tán rừng được bền vững.