Thái Nguyên: Người dân không đồng thuận xây dựng nhà máy xử lý rác thải giữa vùng chè đặc sản.

Đức Nam| 26/11/2019 10:09

(TN&MT) - Nhận được tin trên quê hương Thái Nguyên sắp có dự án "nghìn tỷ đồng" được xây dựng giữa vùng chè đặc sản, đông đảo người dân làng nghề chè truyền thống của các xã Tức Tranh, Vô Tranh lại không thấy vui mừng. Ngược lại, nhân dân lo lắng, phản đối gay gắt, không đồng thuận việc đặt nhà máy xử lý rác thải ở vùng chè vì nhiều lý do chính đáng.

Tức Tranh và Vô Tranh là hai xã có diện tích chè đặc sản lớn nhất nhì huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Bao đời nay, người dân nơi đây sinh sống chủ yếu dựa vào cây chè. Cây chè cho lá, cho hoa, cho quả, cho búp sạch để làm ra các sản phẩm trà tinh túy, có giá trị kinh tế cao. Nhờ thế mà đời sống người dân xứ trà ngày càng được cải thiện, nâng cao. Họ quý trọng, nâng niu cây chè. Họ rất tự hào khi sản phẩm chè đặc sản, trà tinh túy của quê hương được chắp cánh thương hiệu bay xa…Vậy mà, mới đây, chính quyền loan tin thông báo sắp đặt một dự án “khủng” có số vốn lên tới “nghìn tỷ đồng” xây dựng “Nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ nguồn chất thải sinh hoạt EU-Conch Venture Thái Nguyên”. Thực chất đây là nhà máy xử lý rác thải, phát được điện. Nhận tin này, người dân của 5-7 thôn xóm vô cùng hoang mang, lo lắng. Họ đã có phản ứng gay gắt từ cơ sở.

Nhiều người dân hai xã Vô Tranh và Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên bày tỏ ý kiến lo lắng, không đồng thuận khi hạ đặt nhà máy xử lý rác thải giữa vùng chè đặc sản.

Ông Nguyễn Văn Cường, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vô Tranh, huyện Phú Lương hiện đang ở xóm Liên Hồng 2 đã bức xúc nói:  Người dân bức xúc ngay từ việc làm ban đầu mập mờ, chưa công khai minh bạch. Họp xóm xong không có thông báo kết luận kết quả họp. Chủ trương đưa nhà máy rác về thôn xóm mà không có thông báo cho đảng viên, nhân dân biết. Công ty thuyết trình công nghệ xử lý rác thải là công nghệ Nhật Bản nhưng khi mời dân cùng cán bộ xã, huyện, tỉnh đi thăm quan nhà máy rác tại Cần Thơ thí té ngửa thấy dây chuyền công nghệ toàn chữ Tàu, rõ ràng là của Trung Quốc. Đầu Nhật mà đuôi Tàu thì là tiền hậu bất nhất rồi.

Còn với ông Lê Quang Thắng, 68 tuổi ở xóm Ngoài Tranh, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương bày tỏ lo lắng: Khu dân cư chúng tôi ở cuối nguồn nước thải của nhà máy rất lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước chảy ra sông Cầu.

Ông Hoàng Văn Thời, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Tức Tranh hiện ở xóm Đồng Danh, xã Tức Tranh đã phân tích: “Nếu đặt nhà máy ở giữa vùng chè sẽ rất có thể khói bụi, mùi hôi thối trên con đường vận chuyển rác sẽ ám, đọng vào lá chè, búp chè. Nếu người dân uống phải chè vùng bãi rác thì không tốt cho sức khỏe. Chè rớt giá lại khổ người dân bị mang tiếng sản xuất “chè rác”. Tôi mong tỉnh, huyện và xã cần cân nhắc không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi hệ lụy, hậu quả ô nhiễm môi trường. Đặt nhà máy xứ lý rác thải ở vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh là không phù hợp về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và không hợp lòng dân.  Do vậy, chúng tôi không đồng ý đặt nhà máy rác ở đây”.

Đáng lưu ý ý kiến của ông Lưu Văn Nghiệp, trưởng xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh đã cho biết: “Tôi đã được họp nhiều lần, lấy biểu quyết thăm dò ý kiến của nhân dân trong xóm về việc đồng thuận hay không đồng thuận khi tiếp nhận nhà máy xử lý rác thải tại xóm thì 100% ý kiến người dân không đồng ý. Người dân không bằng lòng vì vị trí đặt nhà máy có khoảng cách an toàn về môi trường không đủ và không đúng theo quy định hiện hành. Vì quá gần nhà dân, gần trường học, chợ, UBND, khu văn hóa dịch vụ thương mại tổng hợp…Nếu họ cứ cố tình đặt nhà máy ở giữa vùng chè đặc sản thì nhân dân sẽ biểu tình”.

Ông Nguyễn Văn Tấn, xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương chỉ mốc số 8 của dự án nhà máy xử lý rác thải chỉ cách đầu nhà hơn 7m không đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh từ khu xử lý chất thải rắn đến khu dân cư (>3000m)và các công trình xây dựng khác(>1000m) theo quy định.

Qua tìm hiểu được biết: Dự án xây dựng “Nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ nguồn chất thải sinh hoạt EU-Conch Venture Thái Nguyên” có tổng vốn đầu tư 1000 tỷ đồng. Hình thức đầu tư: 100% vốn chủ đầu tư, vốn được huy động từ nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Chủ đầu tư dự án gồm 2 nhà đầu tư là Công ty Cổ phần xử lý rác thải và năng lượng EU có trụ sở tại Hà Nội, Việt Nam. Nhà đầu tư thứ hai là “China Conch venture Hoidings Limited, có trụ sở công ty tại phòng 4018, 40/F Jardine Houes 1 Connaught Playce Central Hồng Kông”…

Trao đổi ý kiến với lãnh đạo chính quyền hai xã Tức Tranh và Vô Tranh, bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh đã cho biết: Huyện, xã có đi thăm mô hình nhà máy xử lý rác ở Cần Thơ thấy máy chạy không ồn, khuôn viên nhà máy sạch sẽ. Nếu có dự án 1000 tỷ đồng đặt tại địa phương thì tốt.

Còn với ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh thì còn trăn trở khi tiếp nhận ý dân: Xã đã nhận được nhiều ý kiến nhân dân không đồng thuận chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa phương. Xã đã tổ chức 2 cuộc họp với các bí thư chi bộ, trưởng, phó xóm, các ban ngành, đoàn thể liên quan và sau đó có đến xóm Liên Hồng 2 để họp tham vấn ý kiến bà con nhân dân. Nhưng ý kiến người dân đồng tình lại ít, phản đối thì nhiều. 51 người được hỏi tại hội nghị thì có 34 người phản đối. Xã tiếp nhận thông tin lo lắng của nhân dân và có chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể kiên trì vận động, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của dự án để họ yên tâm sinh sống, sản xuất. Đề nghị cấp trên là huyện, là tỉnh vào cuộc giải thích thật rõ, thật công khai, thuyết phục cho nhân dân hiểu đầy đủ về vai trò, ý nghĩa dự án thì mới mong nhận được sự đồng thuận từ nhân dân.

Hiện tại, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã đặt vấn đề làm việc với lãnh đạo UBND huyện Phú Lương nhưng chính quyền vẫn “bặt vô âm tín", thể hiện dấu hiệu không hợp tác với báo chí. Được biết, huyện Phú Lương đã có hẳn nghị quyết về quy hoạch phát triển công nghiệp ở hai xã Yên Lạc và Yên Ninh thì tại sao không đưa “dự án nghìn tỷ” xây nhà máy xử rác thải ở vùng quy hoạch đó? Xây dựng nhà máy rác ở giữa vùng chè đặc sản liệu có phải là hạ sách khi nhân dân không đồng thuận? Xây nhà máy xử lý rác là để phục vụ nhân dân, nhưng đồng thời chính quyền phải lắng nghe ý dân, tôn trọng ý kiến nhân dân, hết sức phục vụ nhân dân mới đạt tiếng nói chung. Việc hạ đặt dự án nghìn tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý rác thải cho cả tỉnh với công suất 500 tấn/ngày đêm là hết sức quan trọng, phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Người dân vùng chè đặc sản Vô Tranh đang “sống khỏe”, giàu lên nhờ cây chè sạch ở vùng không có nhà máy xử lý rác thải bẩn.

 

Theo Bài tự viết
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Người dân không đồng thuận xây dựng nhà máy xử lý rác thải giữa vùng chè đặc sản.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO