Thiệt hại về lợn bị dịch là rất lớn, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch, khoanh vùng ngăn chặn lây lan ra diện rộng Dịch tả lợn Châu Phi. Cơ quan chức năng quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân, để hạn chế việc lây lan dịch bệnh gây thiệt hại cho người chăn nuôi, đơn vị đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều biện pháp nhằm khoanh vùng, dập dịch; chỉ đạo áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch như: Khử trùng tiêu độc; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn; giám sát dịch vùng lân cận, giáp ranh… Hơn một tháng bị dịch dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thái Nguyên đã cấp phát gần 20 nghìn lít hóa chất, hơn 289 tấn vôi bột, vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, in 6.000 tờ rơi, xây dựng bài tuyên truyền, in sao đĩa gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị để phối hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Đối với hoạt động kiểm soát vận chuyển động vật và các sản phẩm từ động vật ra vào địa bàn tỉnh, chúng tôi thực hiện quản lý chặt chẽ việc kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Toàn tỉnh có tổng số 46 chốt kiểm dịch động vật tạm thời đang hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông động vật, sản phẩm động vật nhưng phải bảo đảm đúng quy trình, có đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Qua kiểm tra dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở tỉnh Thái Nguyên có tính chất rải rác, có xuất hiện một số hộ có lợn ốm, chết tại các địa phương nhưng mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh Dịch tả Châu phi. Trong thời gian tới do thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho dịch vẫn còn cơ nguy cơ phát sinh và lây lan cao. Hiện nay các tỉnh giáp danh với tỉnh Thái Nguyên: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn đều dính dịch tả lợn châu Phi, nên việc kiểm soát, khoanh vùng, ngăn chặn gặp khó khăn, đòi hỏi phải quyết tâm cao.
Ông Lê Đắc Vinh cho biết: Tỉnh quyết liệt với công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp; UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị, Công điện khẩn, Kế hoạch, Thông báo, Quyết định thành lập đội liên ngành, thành lập các Chốt kiểm dịch động vật tạm thời, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở; tổ chức hội nghị triển khai các cấp; Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại cơ sở và tổ chức các cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh động vật tỉnh, Bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và ban hành Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại tỉnh Thái Nguyên. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trực tiếp đi kiểm tra tình hình thực tế tại ổ dịch và làm việc lãnh đạo TP. Sông Công thống nhất chỉ đạo các biện pháp chống dịch khẩn cấp.
Tỉnh Thái Nguyên coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn tờ rơi tuyên truyền, thông tin qua các Cụm loa đài cấp xã, tổ chức tập huấn, thống kê đàn vật nuôi. Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thú y Vùng 2 đã trực tiếp tới địa bàn chẩn đoán xác minh bệnh, lấy mẫu giám sát tại các hộ giáp ranh, liền kề ổ dịch và hướng dẫn, chỉ đạo các biện pháp giám sát dịch bệnh. Giao cho UBND cấp xã thực hiện cam kết “5 không” trong phòng, chống dịch (Không dấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; Không vứt xác lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt). Cơ quan chức năng chuẩn bị đầy đủ kinh phí, vật tư, dụng cụ, bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch và thực hiện việc hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi có lợn tiêu huỷ theo quy định. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được Sở nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và chính quyền các huyện, thành phố, thị xã tích cực triển khai có hiệu quả.
Hiện nay do điều kiện thời tiết khí hậu, ẩm độ cao dễ phát sinh dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Chăn nuôi tại tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán (trang trại chăn nuôi mới chiếm khoảng 20% tổng đàn); tỉnh Thái Nguyên là vùng chăn nuôi trọng điểm, việc giao thương lợn giống, lợn thương phẩm lớn. Công tác giám sát phát hiện, khai báo dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, nhận thức và hợp tác của người chăn nuôi còn hạn chế. Mặt khác, lực lượng cán bộ thú y tham gia công tác chống dịch ít; Việc quản lý hoạt động vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch triệt để, Chi cục Chăn nuôi - Thú y kiến nghị, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác quản lý việc vận chuyển lợn giống và kinh doanh, buôn bán, vận chuyển các sản phẩm động vật tại các chợ, siêu thị, tụ điểm…theo quy định của Luật Thú y và Luật An toàn thực phẩm; Kiểm tra, xử lý các cơ sở, các điểm bán thịt động vật không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; Xử lý các điểm kinh doanh thịt, sản phẩm động vật không đúng địa điểm quy định (tại vỉa hè, lề đường). Sở Y tế tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các bếp ăn tập thể trên địa bàn. Sản phẩm đưa vào sử dụng yêu cầu phải có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y của cơ quan thú y có thẩm quyền; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật không đúng địa điểm quy định; kinh doanh sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ...