Moong khai thác quặng sắt của mỏ sắt Trại Cau đã tạm ngừng hoạt động từ đầu tháng 3/2020. |
Mỏ sắt Trại Cau (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) được thiết kế, xây dựng dựng khoảng từ năm 1959. Sau đó năm 1963, mỏ đi vào hoạt động được khoảng gần 50 năm. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tại thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ đã xảy ra hiện tượng mất nước, sụt lún đất, nứt nhà dân. Doanh nghiệp đã phải bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng.
Gần đây, khi mỏ sắt Trại Cau mở moong Tầng Sâu Núi Quặng khai thác quặng sắt, hiện tượng sụt lún đất, mất nước canh tác, nứt nhà của người dân ở khu vực xung quanh moong này xảy ra mạnh hơn. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền của tỉnh, huyện đòi doanh nghiệp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do mỏ gây ra. Tỉnh Thái Nguyên đã đồng hành cùng doanh nghiệp quan tâm giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Song do yêu cầu bức thiết cần phải di dân, lên phương án xây dựng khu tái định cư mới lên tới trăm tỷ đồng.
Điều này đã gây khó khăn, vượt quá khả năng của công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Thấy rằng khả năng khó đáp ứng nổi gánh nặng, sức ép tài chính này, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã đi đến quyết định tạm dừng hoạt động khai thác của mỏ sắt Trại Cau từ ngày 30/4/2020 trở đi. Bởi vì, lượng quặng sắt chất lượng cao manhetit vẫn còn nhưng ở tầng sâu trong lòng đất. Nếu khai thác được số quặng sắt đó thì chi phí bóc dỡ đất đá, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, đền bù, hỗ trợ thiệt hại do hệ lụy của hoạt động khai mỏ gây ra là rất lớn.
Chỉ trong 2 năm 2016, 2017 tình trạng sụt lún, mất nước, nứt nhà xảy ra trên địa bàn thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị khiến người dân lo lắng. Đến nay, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân và chi phí khác liên quan, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã phải chi phí gần 45 tỷ đồng. Do khó khăn về kinh tế, Công ty đã đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cho vay kinh phí để chi trả tiền hỗ trợ cho nhân dân, đồng thời Công ty cam kết sẽ cho tạm dừng hoạt động khai thác tầng sâu núi quặng để ổn định đời sống cho nhân dân.
Xe vận tải chuyên dụng phục vụ khai thác mỏ đã được tập kết về kho, bãi chưa biết ngày nào sẽ hoạt động trở lại. |
Việc tạm dừng hoạt động khai thác tại Mỏ sắt Trại Cau là tin vui với các hộ dân chịu ảnh hưởng ở xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau. Bởi từ nay bà con sinh sống ở xung quanh khu vực sẽ không phải sống trong cảnh thấp thỏm sợ hãi nhà sập, đất sụt lún, mất nước.
Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết: Việc tạm dừng hoạt động của Mỏ sắt Trại Cau khiến bà con nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng cảm thấy an tâm. Chính quyền địa phương đã động viên, trấn an tâm lý tư tưởng cho nhân dân. Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp sớm thực hiện việc chi trả hết tiền hỗ trợ để bà con ổn định cuộc sống, đồng thời có các giải pháp đảm bảo an toàn trước khi tạm dừng khai thác. Thị trấn đã xây dựng kế hoạch dài hơi xoay chuyển mục tiêu phát triển kinh tế xã hội từ sản xuất công nghiệp khai thác mỏ sang hướng đẩy mạnh dịch vụ, thương mại và du lịch để tạo việc làm có thu nhập cho bà con nhân dân, góp phần ổn định cuộc sống, bảo vệ môi trường ít bị tác động, ô nhiễm…
Toàn bộ các bộ phận dây chuyền tuyển rửa, sơ chế quặng sắt của mỏ Trại Cau dừng hoạt động. |
Tuy nhiên, về phía Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, sau khi tạm dừng hoạt động khai thác tại Mỏ sắt Trại Cau, đơn vị sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là về việc sắp xếp việc làm cho hơn 180 lao động của mỏ. Lãnh đạo Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi sẽ cho tạm dừng hoạt động khai thác tầng sâu chậm nhất vào cuối tháng 4. Bởi, nếu tiếp tục khai thác thì không thể tránh khỏi tình trạng sụt lún, mất nước, rạn nứt công trình. Việc này đồng nghĩa sẽ phải có giải pháp hỗ trợ, có chính sách di dời những hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn với kinh phí rất lớn mà tại thời điểm này doanh nghiệp không thể chi trả được.
Trao đổi thêm về việc sắp xếp việc làm cho công nhân, ông Mạc Đăng Niên, Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau lo lắng cho biết thêm: Hiện nay, trữ lượng quặng Manhetit tại mỏ vẫn còn khoảng 160.000 tấn. Vì vậy, trong thời điểm tạm dừng khai thác, chúng tôi sẽ sắp xếp một bộ phận cán bộ, công nhân để trông nom cơ sở vật chất của mỏ. Thời điểm hợp lý sẽ xin ý kiến tỉnh cho phép khai thác trở lại. Số lao động còn lại, ai đến tuổi sẽ cho nghỉ chế độ, một số người sẽ sắp xếp công việc khác phù hợp trong công ty, trường hợp không sắp xếp được sẽ cho nghỉ việc và căn cứ vào tình hình tài chính của công ty để có chế độ hỗ trợ phù hợp…
Anh Nguyễn Trung Kiên, cán bộ của Mỏ sắt Trại cau đã có trên 15 năm gắn bó với các công việc của mỏ chia sẻ: Mỏ dừng hoạt động, cuộc sống người lao động sẽ gặp khó khăn. |