Công trình hồ Vân Hán có khả năng sẽ tưới tiêu cho hơn 300 ha đất nông nghiệp, cung cấp nước cho chăn nuôi và sinh hoạt của người dân xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. |
Sau nhiều lần khảo sát thực tế nguồn nước tự nhiên, địa hình, địa vật và nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, đồng bào các dân tộc xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ đã có đề nghị tỉnh Thái Nguyên cấp vốn để xây dựng một công trình hồ chứa nước thủy lợi hàng triệu mét khối nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Vào ngày 30/10/2009, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hồ Vân Hán tại Quyết định số 2863/QĐ-UBND. Tin vui này lan truyền nhanh đến chính quyền và nhân dân xã Văn Hán.
Tuy nhiên, niềm vui mới nhen lên thì đã vụt tắt và thay vào đó là tâm trạng mòn mỏi đợi chờ xây hồ. Hơn nửa thập kỷ sau, đúng ngày 30/10/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên lại ban hành Quyết định 2981/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Vân Hán với dung tích gần hai triệu khối nước. Tin mừng lại một lần nữa nhen nhóm lên hi vọng hồ Vân Hán sẽ trở thành sự thật trong mắt đồng bào.
Lần này, dự án đã thành “hình hài” thật. Công trình hồ Vân Hán bao gồm ba phần chính là đắp đập; xây tràn xả lũ, nhà điều hành, đường ven hồ và hệ thống kênh mương, tưới cho tổng cộng hơn 300ha, trong đó có 120ha lúa hai vụ, 50ha cây trồng vụ đông, 70ha chè, cây ăn quả, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi, cải tạo môi trường sinh thái, cắt lũ. Tổng mức đầu tư là 90 tỷ đồng.
Người dân xã Văn Hán hằng ngày mong chờ công trình này được hoàn thành, đưa vào sử dụng để khắc phục tình trạng sản xuất bấp bênh vì thiếu nước tưới cho trồng trọt, chăn nuôi và đời sống sinh hoạt.
Năm ngoái, bà con còn thấy máy móc chạy rầm rầm. Đến nay thì lặng ngắt, hầu hết các hạng mục đều đang trong tình trạng dở dang và phải dừng các hoạt động xây dựng. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên (chủ đầu tư) cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn giải phóng mặt bằng.
Cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên (chủ đầu tư) đang chỉ phần diện tích còn vướng mắc mặt bằng bị người dân cản trở chưa thể thi công xây dựng đập phụ và nhà van điều hành. |
Theo báo cáo dự án, lòng hồ Vân Hán có diện tích đất thu hồi là 39ha. 45 hộ gia đình có đất rừng, nhà ở bị ảnh hưởng phải thu hồi. UBND huyện Đồng Hỷ đã ban hành các Quyết định phê duyệt số tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 42,9 tỷ đồng cho 31 hộ gia đình với diện tích đất thu hồi là 22,9ha, trong đó có 16 hộ gia đình phải di chuyển chỗ ở.
Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới bố trí được khoảng 20 tỷ đồng để chi trả từ 30% đến 80% giá trị bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Toàn cảnh khu vực lòng hồ Vân Hán còn vướng mắc mặt bằng vì chưa thể di dời một vài hộ dân vẫn cố thủ ở tại vùng lõi rừng. |
Trước đây, các hộ dân trong vùng lòng hồ đồng thuận với chủ trương di dời, bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng công trình. Tuy nhiên, phải chờ đợi công trình xây dựng quá lâu nên từ năm 2017 đến nay nhiều hộ dân kiên quyết ngăn cản việc thi công các hạng mục công trình.
Chị Đỗ Thị Phương, anh Lê Văn Tỵ, ông Nông Văn Triệu... ở xóm Vân Hán, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ đã cho biết: Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư chi trả hết tiền bồi thường thì mới cho thi công tiếp. Dự án ì ạch quá. Đồng ruộng khô khát cháy, người dân dài cổ ngóng nước hồ thủy lợi mãi không xong. Trả hết tiền bồi thường GPMB cho dân để chúng tôi xây dựng nhà cửa ra nơi ở mới.
Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ cho rằng: Các hộ đã được nhận phần lớn tiền bồi thường rồi. Bây giờ chỉ còn một số hộ phát sinh và chưa có tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nên họ lại vào ngăn chặn nhà thầu thi công xây dựng. Hồ có nước thì phục vụ dân chứ phục vụ ai đâu. Đề nghị chính quyền cấp trên và chủ đầu tư sớm rót vốn về làm hoàn chỉnh công trình cho dân bớt phần bức xúc.
Hệ thống trụ bê tông đỡ ống dẫn nước ra kênh mương bê tông đã sẵn sàng cho lắp đặt đường ống nhưng do cạn vốn nên vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” lâu nay. |
Giải quyết vấn đề này, thời gian vừa qua Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ và chủ đầu tư đã nhiều lần đối thoại với các hộ vùng lòng hồ, nhưng các hộ đều đề nghị khi nào chi trả hết tiền bồi thường thì tiếp tục thi công các hạng mục.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, giải quyết dứt điểm công việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án này cần gần 30 tỷ đồng nữa. Do cơ quan chức năng tính toán chưa sát thực tế nên đã vượt mức so với dự toán ban đầu, dẫn đến khó khăn bố trí tiếp vốn cho GPMB. Một phần do người dân nóng lòng muốn nhận hết tiền bồi thường nên cũng góp phần làm chậm tiến độ dự án.
Công trình cửa xả lớn, đập chính hồ Vân Hán, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ xây xong đã lâu nhưng đến nay hoàn toàn không có nước. |
Để tháo gỡ các khó khăn tài chính, vướng mắc về GPMB, UBND huyện Đồng Hỷ và chủ đầu tư đã có nhiều công văn, báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên và các cấp, ngành chức năng thực trạng công trình và đề nghị bố trí kinh phí chi trả bồi thường cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thái Nguyên và các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần sớm có kế hoạch bố trí bổ sung vốn kịp thời để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án trong năm 2020. Bởi hàng trăm hộ dân đang khát khao nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi và tưới tiêu cho hơn 300 ha đất canh tác luôn bị khô hạn.
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin.