(TN&MT) - Những ngày tết, quốc lộ 19C nối 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, người người, xe cộ nườm nượp qua lại như dòng chảy sông Kỳ Lộ mùa nước lũ. Dọc hai bên đường, rợp cờ Tổ quốc bay phất phới trong nắng ấm xuân mai. Bên thềm những ngôi nhà ngói mới, hoa vạn thọ nở vàng rực rỡ, thơm ngút ngàn hòa trong hương mật của mía đang độ xuân thì. Một mùa xuân mới hứa hẹn chan chứa nhiều niềm vui đang đón đợi người dân các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh.
Nằm trên tuyến, trước khi dốc Đứng từng điểm thách thức các phương tiện qua lại bởi độ cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nay được san bằng, thảm bê tông xi măng phẳng lỳ, là cốt mốc kết nối thông thoáng với phong cảnh hữu tình giữa hai thôn đồng bào dân tộc thiểu số Sối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân và Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa (Phú Yên).
Nổi bật nhất khi qua đoạn đường này trong những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi là sự hiện diện bạt ngàn hoa vạn thọ vàng rực dưới hàng cờ đỏ thẳng tắp, phất phới trước cửa những ngôi nhà ngói mới và nhà sinh hoạt cộng đồng. Một hình ảnh truyền thống sinh động, đổi mới khó có địa danh miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số nào có được.
Vừa hoàn tất nghi lễ cúng đổ đầu cầu mong cho gia đình, con cái, buôn làng no đủ, êm ấm, mùa màng bội thu trong năm mới, già làng thôn Hòa Ngãi Ma Kham (75 tuổi) phấn khởi cho chúng tôi biết, mặc dù năm qua nắng hạn, nhưng cuộc sống của bà con vẫn ấm no, đủ đầy. Trước tết, các gia đình nghèo đều được Nhà nước hỗ trợ gạo, tặng quà nên tất cả đều hạnh phúc được tận hưởng trọn vẹn hương vị mùa xuân mới, ăn tết đàng hoàng. Trật tự trong thôn cũng được đảm bảm, bọn trai làng đứng đắn hơn, không say xỉn, chạy xe lạng lách trên đường. Đây là tín hiệu vui, báo hiệu một năm mới buôn làng ấm no, hạnh phúc.
Thôn Hòa Ngãi có hơn 100 hộ dân, chủ yếu là người Ê Đê. Tuy là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng cuối năm 2014, Hòa Ngãi chỉ còn 17 hộ nghèo, giảm 9 hộ, thu nhập bình quân đầu người 700.000 đồng/tháng, tăng 50.000 đồng so với năm 2013 và xóa được 6 nhà ở tạm. Đây là con số thật sự lý tưởng đối với thôn buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. “Mỗi hộ có từ 1,5 đến 2ha đất sản xuất, chủ yếu trồng sắn, mía. Vì vậy, cứ đến mùa thu hoạch nông sản là người dân các nơi đổ về đây làm công, chứ ít khi bà con phải đi làm thuê ở nơi khác kiếm sống. Năm 2015, tiếp tục phấn đấu giảm 5 hộ nghèo, xóa ít nhất 2 nhà ở tạm. Để làm được điều đó, sau Tết Nguyên đán, thôn sẽ phát động bà con bắt tay ngay vào lao động sản xuất, tăng năng suất cây trồng, phát triển đồng cỏ chăn nuôi bò…”, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Ngãi, anh La Mo Tiên phấn khởi, nói.
Mặc dù năng suất cây trồng không đạt như mọi năm do nắng hạn, nhưng măm 2014, chị Mí Tìm ở thôn Hòa Ngãi cũng có thu nhập khá cao, sắm sửa tết tươm tất. Mí Tìm cho hay, gia đình trồng được gần 1,5ha mía và 3 sào sắn, trừ chi phí vẫn còn lãi khoảng 20 triệu đồng. Thu nhập giảm hơn 10 triệu đồng so với vụ trước, nhưng cuộc sống gia đình vẫn tương đối đầy đủ, ăn tết vui vẻ, đầm ấm.
Thong dong trên quốc lộ 19C trong những ngày tết, có lẽ đẹp và bắt mắt nhất vẫn là sắc màu của hoa vạn thọ thân cao truyền thống, loài hoa hiện còn rất ít ở đồng bằng. Theo chị Mí Tìm, vạn thọ có ở vùng đất này không biết từ bao giờ, nhưng bà con vẫn lưu giống cho đến ngày hôm nay. Người ta ít khi trồng hoa trong chậu, mà trồng thành vườn trước sân nhà. Tết năm nào cũng vậy, hoa nở rộ vàng rực, báo hiệu một năm mới ai cũng được khỏe mạnh, sống lâu, cuộc sống, sản xuất gặp nhiều may mắn. “Trước kia, ở đây còn có hoa hột lộn rất đẹp và thơm, nhưng nay đã mai một, không còn ai lưu giống nữa”, Mí Tìm nuối tiếc.
Chiều tà, hoạt động vui chơi mừng xuân mới dọc quốc lộ 19C vẫn còn sôi động. Những cánh đồng mía, sắn xanh ngắt tận chân trời còn mải mê vi vu trong làn gió thoảng, phảng phất hơi ấm đầu xuân. Dưới chân đồi xa tít, các lưng đất đã cày ải, đánh luống, nằm phơi mình dưới tia nắng ấm cuối ngày, nôn nao ngóng đợi người xuống giống sau Tết Nguyên đán. Những nhành hoa vạn thọ lay nhẹ bông như vẫy tay lưu luyến tiến khách, hẹn mùa xuân sau khoe sắc mới với điều ước nhà nhà no đủ, hạnh phúc, sum vầy như lời cầu nguyện của già làng Ma Kham trước mâm cúng đổ đầu.
Bài & ảnh: Phương Nam