Team “đóng bè ra đảo” và những ngày lênh đênh trên sóng…

20/06/2019 11:03

(TN&MT) - Nhận “lệnh” của Ban Biên tập Báo TN&MT: ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Cù Lao Chàm (Hội An – Quảng Nam) để làm phóng sự về chất thải nhựa, đội phóng viên, biên tập viên, quay phim của chúng tôi gồm 4 thành viên: Việt Hùng, Tống Minh, Lan Anh, Đức Việt lập tức được hình thành, lập thành team “Đóng bè ra đảo”. Hành trình của chúng tôi kéo dài 1 tuần, với những trải nghiệm lần đầu khó quên ở nơi biển xanh nắng gió.

ANh nhóm
Team "Đóng bè ra đảo" chụp ảnh cùng Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự

Thấy bức tranh đa màu ở Lý Sơn

Đó là những ngày giữa tháng 4, khi Hà Nội đang vào mùa trắng rực hoa loa kèn bung nở. Tạm xa Bắc Việt, chúng tôi vào miền Trung đầy nắng. Nắng rực lên từ sáng sớm, đổ xuống mặt biển loang loáng như một thứ ảo ảnh nếu nhìn lâu. Tàu băng băng từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn, sóng tạt cả vào mặt, mặn rát.

Lý Sơn đông đúc, hiện đại chẳng kém đất liền. Nhà cửa san sát, hàng quán mọc đầy ven biển. Chị Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn lý giải, đảo này có đất để phát triển nông nghiệp mà sản vật đã thành thương hiệu “vàng trắng Lý Sơn”, ấy là tỏi. Đảo còn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Chẳng thế mà ở Lý Sơn, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đều đang thay đổi từng ngày. Sát biển, những dãy khách sạn, khu tổ hợp vui chơi giải trí của một Tập đoàn lớn còn đang xây dựng dở dang, trơ xám những khối bê tông, cát mù mịt cuộn lên theo những làn gió biển.

Gần đó, những cây bàng vuông được trồng dọc suốt trục đường chính của huyện Lý Sơn ánh lên trong nắng trưa oi ả, toát lên vẻ mạnh mẽ, cứng cỏi giữa biển khơi.

Lạ lẫm với bàng vuông bao nhiêu, tôi lại bất ngờ vì một mùi hương quen thuộc bấy nhiêu – hương hoa sữa. Hình như ở dọc đường ấy chỉ có một cây. Hương đưa thoảng nhẹ nhưng đủ gợi trong tôi nỗi nhớ về Hà Nội. Lý Sơn – khi ấy, với tôi thân quen kỳ lạ và cũng rất đỗi dịu dàng…

Con người vùng đảo Lý Sơn chân chất, thẳng thắn, lành hiền. Tôi vẫn nhớ bác Nguyễn Tròn – người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, chuyên bốc rác từ thuyền chở từ đảo bé về đảo lớn để xử lý. Để chúng tôi ghi hình, Bác nhiệt tình, liên tục hướng dẫn chúng tôi các bước thu gom rác bằng chất giọng đất Quảng “ào ào” vốn đã quen “ăn sóng nói gió”.

IMG 4431
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trao đổi với ông Nguyễn Sự

Tôi còn nhớ cuộc hạnh ngộ với nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An Nguyễn Sự, khi ông ra Lý Sơn để tham dự Hội thảo về xử lý rác, đúng thời điểm chúng tôi có mặt để ghi hình. Hơn 1 tiếng trò chuyện với ông đã giúp chúng tôi hiểu toàn bộ quy trình, bí quyết thành công mà 10 năm qua, Cù Lao Chàm – Hội An đã nói không với túi nilon. Chính lời kể của ông đã bắt dẫn mạch nguồn cho chúng tôi xây dựng và hoàn thiện kỳ II của phóng sự truyền hình: “Chống rác thải nhựa vì biển đảo quê hương”.

"Tai nạn đầu đời” ở Cù Lao Chàm

Bước chân lên đảo Cù Lao Chàm, vừa hẹn được chị Trần Thị Lộc – một người dân để ghi hình phân loại rác tại nguồn thì cậu quay phim Đức Việt thẽ thọt với tôi: “Mic hỏng rồi chị ạ!”.

Tôi bàng hoàng. Mọi dự định đã chuẩn bị từ trước đều tan biến trong khoảnh khắc. Ở Cù Lao Chàm không có nơi sửa Mic, thôi thì…còn nước còn tát. Quay phim loay hoay gắn dây lại, giữ đầu dây khi phỏng vấn đến mỏi tay nhưng vẫn tiếng được tiếng không. Buổi chiều hôm ấy ở Cù Lao Chàm đẹp lắm, nhưng trong mắt chúng tôi khi ấy, chỉ còn phủ mờ nỗi buồn, thậm chí là thất vọng. Tôi muốn khóc, muốn bỏ cuộc và trở về.

Suốt quãng đường rong ruổi lên Eo Gió để ghi hình nhà máy xử lý rác, chúng tôi im lặng. Tôi lặng ngắm những chú khỉ chuyền cành, chạy nhảy vô tư trên đường. Tôi để gió biển thổi tung lên những rối bời. Tôi nhìn cậu quay phim trèo lên những núi rác để vào ghi hình. Lò đốt nghi ngút khói…Khi những bước chân cậu bước ra khỏi núi rác đầy mùi hôi thối ấy, cánh tay trần cháy nắng cầm máy quay giơ lên cao, mặt đỏ gay vì nóng…Tôi chợt “giật mình”. Không! Chúng tôi không thể bỏ cuộc dễ dàng như vậy. Nhiệm vụ này bắt buộc phải hoàn thành. Sẽ có cách để khắc phục, dù không được như ý muốn.

unnamed
Quay phim Nguyễn Việt bước ra từ "núi rác"

Vậy là tiếng phỏng vấn của chúng tôi vẫn được ghi lại bằng một chiếc máy ghi âm và điện thoại luôn thường trực. Trong những ngày nắng như đổ lửa ấy, chúng tôi được tiếp xúc với những người dân chân chất, rất ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường; được nghe, được thấy những đứa trẻ ở đảo xa tự gấp túi giấy thay cho túi nilon…Một niềm cảm phục âm thầm nhen lên trong tôi, về những con người ở vùng đảo xa xôi, đã 10 năm “nói không” với túi nilon.

***

Mỗi chuyến công tác là mỗi bài học được rút ra. Mỗi vùng đất đã đi qua là những mảnh ghép làm đầy thêm những tầng ngăn ký ức. Mỗi con người ta gặp lại cho thêm sự chín chắn khi nhìn nhận và niềm tin yêu với người, với nghề. Cuộc sống này vốn rộng lớn và đầy góc khuất. Bằng ngòi bút, bằng ống kính và nhiệt huyết, mỗi nhà báo cần “tìm và hiểu”, để những tin tức, bài báo đến với người đọc luôn nóng hổi. Đặt ngược hình trái tim sẽ thành hình ngọn lửa. Viết bằng trái tim, sẽ luôn sáng lửa với nghề!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Team “đóng bè ra đảo” và những ngày lênh đênh trên sóng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO