Tây Nguyên thiếu nước do biến đổi khí hậu

28/12/2015 00:00

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, vài năm trở lại đây tình hình thời tiết tại Đắk Lắk diễn biến bất thường. Năm 2015, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Đắk Lắk vẫn đang phải hứng chịu hậu quả của những đợt hạn hán kéo dài.

Hạn hán sẽ kéo dài

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, thời tiết dị thường đã bắt đầu từ cuối năm 2014 và cho đến nay đã ở đỉnh điểm. Tại Nam bộ và Tây Nguyên tính đến tháng 10-2015, mùa mưa đã kết thúc sớm hơn mọi năm 1 tháng. Tại Trung bộ, lượng mưa cũng như dòng chảy các sông, mực nước các hồ chứa thủy điện và thủy lợi sẽ bị thiếu hụt 30% - 50% so với cùng kỳ, còn Tây Nguyên và Nam bộ sẽ thiếu hụt khoảng 20% - 40%. Hiện tình trạng xâm nhập mặn đã xảy ra sớm ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre… Khoảng tháng 3-2016 hiện tượng El Nino mới kết thúc nhưng còn ảnh hưởng tới tận tháng 6-2016.

Tại huyện Ea Súp, nơi được coi là tâm điểm hạn hán của Tây Nguyên với nhiệt độ trung bình cao hơn từ 2-3 độ so với toàn tỉnh, hiện lượng mưa chỉ đạt 75%, mực nước tại các con sông, suối, nước ngầm đều thấp hơn trung bình nhiều năm, mực nước hồ đập đều thấp hơn so với thiết kế, có khả năng không bảo đảm nước phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt trong mùa khô 2015-2016 và vụ mùa năm 2016. Đặc biệt, các nguồn tự chảy tại các khe suối sẽ sớm cạn kiệt, mực nước ngầm ở các giếng tụt 3-5m so với năm 2014 đã và đang gây khó khăn về nước sinh hoạt trên diện rộng, đặc biệt là các vùng trọng điểm của cơn “khát” Ia R’vê, Ya Lốp, Ia J’lơi, Cư Kbang.

Dự báo trong thời gian tới, từ tháng 10-2015 đến tháng 4-2016, nền nhiệt độ trên cả nước có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,50C - 1,50C. Trong các tháng chính đông của miền Bắc ít có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại. Lượng mưa so với trung bình nhiều năm cùng kỳ ở khu vực Bắc bộ có thể cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, khu vực Trung bộ có khả năng thiếu hụt từ 30% - 50% lượng mưa; khu vực Tây Nguyên, Nam bộ, Bình Thuận (từ tháng 10-2015 đến tháng 4-2016) có khả năng ở mức thấp hơn 20% - 40% lượng mưa. Đáng lưu ý, lượng nước trữ tại các hồ chứa ở một số khu vực chỉ đạt 40% - 50%, thậm chí có nơi đạt 10% - 20% dung tích thiết kế. Chẳng hạn như: các hồ chứa thủy lợi thuộc lưu vực sông Mã (tỉnh Thanh Hóa), lưu vực sông Thạch Hãn (Quảng Trị), lưu vực sông Hương (Thừa Thiên - Huế) mới chỉ đạt 40% - 50% dung tích thiết kế. Riêng các hồ chứa thuộc lưu vực sông Ba - Bàn Thạch (Phú Yên) mới đạt 10% - 20% dung tích; hồ chứa lưu vực sông Kone (Bình Định) chỉ đạt 20% - 30% dung tích…

Hạn hán có thể gây ra mất mùa tại Tây Nguyên

Chủ động ứng phó

Đưa ra các giải pháp phòng, chống hạn hán năm 2015 - 2016, đối phó với hiện tượng El Nino, Tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ứng phó tình hình khô hạn và xâm nhập mặn do Bộ NN-PTNT tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, các thông số từ Trung tâm Khí tượng - thủy văn Trung ương cung cấp các cảnh báo về những hiện tượng thời tiết bất thường sẽ xảy ra trong năm 2016 sắp tới. Tuy vậy, hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ theo một chiều, chẳng hạn gần đây xuất hiện khái niệm mùa đông ấm, thay vì mùa đông sẽ rét đậm rét hại như trước đây. Mùa mưa lại khô (mọi khi mưa lũ rất nghiêm trọng) hơn trước.

Trước tình hình này, chúng ta phải có những giải pháp cụ thể, ứng phó trong mọi trường hợp để hạn chế thiệt hại, như: Tăng cường, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về hiện tượng thiếu nước; khuyến khích người dân tích trữ, sử dụng nguồn nước có hiệu quả…

Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán xâm nhập mặn; đồng thời chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán và El Nino. Các địa phương phải có những biện pháp xử lý nhanh, kịp thời, chứ không chờ đợi nguồn ngân sách Trung ương. 

Nhằm đối phó với tình hình hạn hán, tại các địa phương hiện đang khắc phục, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, khơi sâu thêm giếng đào, tăng cường các biện pháp trữ nước, tuyên truyền cho người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tổ chức các hội thảo đưa ra các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước phải hợp lý trong từng thời gian và ưu tiên nước cho ăn uống và sinh hoạt, hạn chế việc khai thác nước ngầm tràn lan trong tưới tiêu; chú trọng quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước với nhiều quy mô khác nhau dựa vào nhu cầu của từng địa phương, tăng dung tích chứa, giữ nước của các công trình khai thác nước mặt để bảo đảm sự phát triển nguồn nước bền vững; khu vực nguồn nước mặt thường xuyên bị cạn kiệt, vùng có lượng mưa thấp và thời gian mùa khô kéo dài cần phải khai thác nước ngầm tầng sâu một cách hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm; chủ động nạo vét, khoan giếng để bảo đảm đủ nước sinh hoạt; xây dựng phương án lưu động xử lý các trường hợp xảy ra sự cố như điều động xe téc cung cấp nước cho các khu dân cư…

Ngân An

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên thiếu nước do biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO