Tây Nguyên: Nguy cơ cây trồng “chết khát” vì hạn hán
(TN&MT) - “Nắng, thiếu nước và cây sắp chết khô hết rồi”. Đó là những từ ngữ thường xuyên được nhắc đến của nhiều hộ dân đang sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên vào thời điểm này.
Nông dân thấp thỏm
“Cà phê chết hết trơn rùi!”. Câu nói chua chát của ông Lê Quang Lâm có hơn 1ha cà phê đang cho kinh doanh tại thôn Quảng Thành, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, Đắk Nông, khi gặp chúng tôi (PV) tại bờ suối Đắk Sôr. Hiện tại, nước ở bờ suối đã cạn chỉ còn một số chỗ trũng mới còn đọng lại ít nước làm lộ ra những ghềnh đá nhấp nhô như bãi chông. “Suối cạn từ hôm mùng 6 Tết. Những năm trước nước chảy liên tục không bị cạn như năm nay. Nếu mấy ngày nữa không có mưa thì cà phê cả vùng này cháy khô hết”, ông Lâm buồn bã nói.
Cũng trong tâm trạng bất an vì lo hạn hán, ông Nguyễn Tứ (thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô) cùng gia đình đang hối hả mở rộng, đào sâu thêm giếng ở cạnh suối Đắk Sôr. Giếng nhà ông vốn đã sâu hơn 15m, bình thường mọi năm đủ tưới khoảng 5 đợt cho vườn cà phê gần 1ha. Nhưng năm nay, tình hình khô hạn khắc nghiệt, mới tưới đến đợt thứ 2 đã gần cạn. “Giá cà phê đang cao ở mức kỷ lục, hơn 90 nghìn đồng/kg, mình phải cố gắng chăm cho tốt, mà giờ lo nhất là nước tưới. Suối thì cạn rồi, giờ phải đào sâu thêm giếng thôi. Hy vọng là đủ nước tưới mùa hạn này để vườn cà đỡ bị rụng trái”, ông Tứ lo lắng nói.
Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông), Krông Nô, là vùng “rốn hạn” của tỉnh Đắk Nông, năm nay tình hình diễn ra khốc liệt hơn nhiều năm. Mực nước ở cả 33 công trình thuỷ lợi đều đã giảm sâu, một số nơi đã khô kiệt. “Huyện đang chủ động làm việc với các đơn vị quản lý các hồ, đập trên lưu vực các sông suối lớn để điều tiết nước cho các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, các hồ thuỷ điện phải xả nước về hạ du cả những khi không phát điện”, ông Lộc cho biết thêm.
Tại một số huyện như Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Cư Jút… tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng cũng đang xuất hiện nhiều ngày một nhiều gây nên nỗi ám ảnh đối với hàng trăm người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Suối, hồ trơ đáy
Hiện tại, mực nước ở nhiều suối lớn ở một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đã xuống sâu ảnh hưởng rất lớn đến việc tưới tiêu cho cây trồng. Điển hình, tại hồ Đan Kia – Suối Vàng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nước xuống rất thấp sát mực nước chết làm lộ ra từng mảng đất dưới lòng hồ bị nứt toác.
Theo một số hộ dân canh tác trong vùng tưới của hồ Đan Kia, họ liên tục phải nối dài thêm ống, vươn ra tận khe suối còn sót lại ở nơi mà mấy tháng trước còn là đáy hồ sâu. Ông Nguyễn Thông (thị trấn Lạc Dương) cho biết, nước hồ mọi năm vào thời điểm này chưa xuống thấp đến vậy vì có mưa. “Hiện tại, chúng tôi phải đưa máy xuống xa mới có nước và nếu tình hình nắng kéo dài như thế này chắc khoảng nước còn lại khô luôn là chết khô hết”, ông Thông lo lắng nói.
Tương tự, cũng do khô hạn khắc nghiệt, hầu hết cây trồng ở cánh đồng thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, đã khô héo. 80 ha lúa nước ở đây đã bị cháy khô, không còn khả năng cứu chữa. Trao đổi với PV ông Vũ Văn Khiển (thôn Đoàn Kết) không dấu được vẻ mặt thất thần vì nhìn lúa bị chết khô do thiếu nước. Theo ông khiển, vụ đông xuân này, gia đình ông gieo cấy 12 ha lúa với số tiền đầu tư gần 400 triệu đồng, nhưng nắng hạn có thể khiến gia đình ông bị mất trắng. “Mọi năm vào thời điểm này nước ở ruộng vẫn còn nhưng năm nay không có mưa nên nước cạn trơ hết, lúa gia đình tôi bị cháy hết”, ông Khiển đau lòng chia sẻ.
Trước tình khô hạn kéo dài ảnh hưởng nhiều diện tích cây trồng, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng đã yêu cầu các đơn vị khai thác vận hành đập, hồ chứa thủy điện có kế hoạch xả nước hợp lý kết hợp phát điện và ưu tiên tưới chống hạn mùa khô. Tổ chức nạo vét kênh mương, lập kế hoạch tưới luân phiên cho cây trồng, ưu tiên nước cho sản xuất chăn nuôi. Đối với các vùng trồng không đảm bảo tưới tự chảy phải tổ chức trạm bơm dã chiến để bơm tưới cho cây trồng.
Theo ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý 3 nhà máy thuỷ điện bậc thang trên lưu vực sông Krông Nô, chảy qua hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk), năm nay hiện tượng El Nino rất rõ. Lượng mưa và lưu lượng nước về các hồ chứa rất thấp so với những năm trước. Công ty đã làm việc với các huyện thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để nắm thông tin về nhu cầu sử dụng nước của địa phương. Từ đó, lên kế hoạch điều tiết nước trên cơ sở tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Lê Văn Hưng - Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên, trong các tháng đầu năm 2024 lượng mưa phổ biến tại các tỉnh Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ cuối năm 2023 tới nay, mực nước trên các sông suối giảm dần và xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước cục bộ tại một số vị trí không chủ động nguồn nước tưới và xa các công trình thủy lợi.
Theo đó, mực nước trên sông Ba và sông Ayun có xu thế giảm dần, tổng lượng dòng chảy thấp hơn từ 31 - 49% so với trung bình nhiều năm. Dự báo từ nay tới tháng 5-2024 khô hạn còn tiếp diễn và nắng nóng sẽ xuất hiện và mở rộng. Thời gian tới, tình hình nắng hạn nguy cơ lan rộng ra ở nhiều địa phương khác dẫn tới hạn hán cục bộ tại một số vùng không chủ động được nước tưới và xa công trình thủy lợi. Do đó, người dân cũng như các công ty thuỷ lợi các tỉnh phải chủ động điều tiết nước và có các phương án dự phòng để hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán gây ra.
Tại tỉnh Kon Tum, dự báo 3 tháng tới có nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện rộng. Đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới ở TP Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei. Theo tỉnh này, tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là 1.777ha, gồm 783ha lúa và 994ha cà phê.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 3 đến 5/2024, khu vực đầu nguồn sông, suối thuộc các huyện Krông Bông, Ea H'leo, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea Súp khả năng bị cạn kiệt; xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ ở một số địa phương ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.