Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo cuộc họp |
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, dự kiến dự thảo Nghị định có 18 chương, với 262 điều. Các nhóm soạn thảo của Bộ TN&MT đang tích cực chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung của dự thảo Nghị định. Với khối lượng nội dung lớn, phức tạp của Nghị định, hiện vẫn còn một số vấn đề chưa thống nhất, cần sự bàn thảo kỹ lưỡng như: Ký quỹ bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu trong tái chế, xử lý chất thải; Quy định Cơ quan cấp phép, ra quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; Quy định Mức chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; Quy định về Chính sách khuyến khích cấp tín dụng xanh; Phát triển ngành công nghiệp môi trường…
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị: Vụ Pháp chế, Vụ quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), Viện Chiến lược, chính sách TN&MT, Cục quản lý Tài nguyên nước đã trình bày và đưa ra các phương án để tìm sự thống nhất chung.
Với từng nội dung, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, phải xem xét dựa trên quan điểm thống nhất quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường; không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Theo đó, coi trọng đặc biệt vấn ứng phó sự cố môi trường, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế và Tổng cục Môi trường đưa ra quy định lập kế hoạch ứng phó sự cố môi trường không cứng nhắc, hình thức, vừa có hiệu quả phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường, nhưng không tạo quá nhiều thủ tục cho doanh nghiệp.
Toàn cảnh cuộc họp |
Trong vấn đề nhập khẩu tàu biển, với chủ trương thống nhất đầu mối quản lý về TN&MT, Bộ TN&MT sẽ chịu trách nhiệm cấp phép. Quan điểm là không cho nhập khẩu tràn lan tàu biển cũ, gây hiểm họa tới môi trường.
Về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, công nghiệp môi trường, Thứ trưởng yêu cầu Viện chiến lược, chính sách TN&MT làm việc cụ thể với các Bộ như Công thương, Tài chính; Ngân hàng nhà nước để thống nhất các nội dung.
Thứ trưởng đề nghị các nhóm làm việc tích cực với các Bộ để tuần tới, thống nhất ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị định, xây dựng tờ trình, hồ sơ trình lãnh đạo Bộ.