Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) khi chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão, sáng nay (1/8).
Cuộc họp được trực tuyến tại điểm cầu Bộ NN&PTNT và 21 điểm cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến sáng nay (1/8) |
ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão, đổ bộ Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa
Phân tích diễn biến và hiện trạng ATNĐ, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, sáng sớm 30/7, vùng áp thấp đi vào Biển Đông. Sáng 31/7 vùng áp thấp mạnh lên thành ATNĐ.
“Hoàn lưu ATNĐ rất rộng, vùng gió mạnh mở rộng về phía Nam do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh”, ông Khiêm đánh giá.
Dự báo chính thức của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, ông Khiêm cho biết, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ mạnh nhất có khả năng đạt cấp 8, giật cấp 10. Cường độ khi vào bờ ở khoảng cấp 7-8, giật cấp 9-10. ATNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ từ sáng đến đến chiều 2/8 vào khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Uỷ viên BCĐ TWPCTT dự cuộc họp. |
Nhận định gió mạnh và sóng trên biển, ông Khiêm dự báo, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, sau có thể tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng cao 3-4m.
Giữa, Nam Biển Đông, vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau: Gió tây Nam cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-4m.
Trong khi đó, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Phú Quốc) có gió tây Nam cấp 5-6, giật cấp 7-8. Sóng biển cao từ 1.5-2m.
Hoàn lưu gây mưa diện rộng, trọng tâm từ Thanh Hoá đến Quảng Trị
Nhận định tác động của áp thấp nhiệt đới lần này là mưa to, ngập úng và sạt lở, ông Khiêm cho hay, lượng mưa tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam: 80-150mm/đợt tập trung trong ngày và đêm 1/8, từ 2/8 hết mưa.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị lượng mưa từ 200-400mm/đợt, có nơi trên 500mm; mưa tập trung trong ngày 1-2/8; ngày 3/8 giảm mưa.
Còn Bắc Bộ có lượng mưa 200-350mm/đợt; mưa tập trung ở đồng bằng và ven biển trong ngày 1-3/8; 2-5/8 mưa lớn mở rộng ra vùng núi. Ở Vùng núi còn có khả năng mưa lớn cục bộ trong những ngày tiếp theo.
“Tây Nguyên và Nam Bộ dự báo lượng mưa 100-150mm/đợt, Bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt. Mưa tập trung ngày 1-2/8”, ông Khiêm thông tin.
Với tình hình mưa như vậy, cơ quan khí tượng dự báo mực nước đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao (sông Hồng), sông Hoàng Long, sông Bôi, thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động (BĐ)1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2;
Các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức BĐ2 – BĐ3; hạ lưu các sông ở mức BĐ1 và trên BĐ1, riêng hạ lưu hệ thống sông Hồng tại Hà Nội và Phả Lại dưới BĐ1.
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp |
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu vực các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Đặc biệt, mưa lớn gây nguy cơ cao ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, các khu đô thị và thành phố ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Trị và và các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê (Phú Thọ); Chương Mỹ (Hà Nội); Trấn Yên, Văn Yên (Yên Bái).
1.642 tàu thuyền trong vùng nguy hiểm
Đại tá Phạm Xuân Diệu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện vẫn còn 1.642 tàu/8.986 lao động hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Trong đó, Hải Phòng có 227 tàu/1350 lao động, Thái Bình có 74 tàu/279 lao động, Ninh Bình 4 tàu/40 lao động, Thanh Hóa 210 tàu, Quảng Bình 186 tàu, Quảng Trị 48 tàu, Đà Nẵng 55 tàu/339 lao động, Bình Định 38/422, Quảng Ngãi 89 tàu/614...
Trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của ATNĐ có 8.737 lồng bè/10.667 lao động tập trung từ Quảng Ninh đến Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết hiện vẫn còn 204 hồ chứa hư hỏng và 115 hồ chứa đang thi công cần lưu ý, tập trung chủ yếu ở Bắc bộ với 81 hồ chứa hư hỏng, 41 hồ đang thi công.
Có 221 vị trí trọng điểm xung yếu đê cấp III đến cấp đặc biệt cần sẵn sàng phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, Ngày 27/7 đã xảy ra trận động đất với cường độ 5,3 độ richter và tiếp sau đó từ ngày 27/7 đến 31/7 tiếp tục xảy ra 18 dư chấn với cường độ từ 2,5-4,0 độ richter. Nếu có mưa lũ lớn, hồ chứa đầy nước sẽ dẫn đến tình huống nguy hiểm
Tập trung hoàn thiện phương án ứng phó của các tỉnh
Đánh giá diễn biến ATNĐ có nhiều đặc điểm cần lưu ý, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng, phạm vi ảnh hưởng của ATNĐ trên biển cũng như trên đất liền rất rộng, thời gian bão ảnh hưởng trùng với đỉnh của triều cường. Đặc biệt, hoàn lưu gây mưa trên phổ rất rộng với dự báo 3 vùng trọng điểm có mưa lớn, có nơi mưa cực lớn.
Với thông tin tình hình và đặc điểm ATNĐ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, nếu ATNĐ trên biển Đông mạnh lên thành bão, đây là cơn bão số 2 trên biển Đông và là cơn bão đầu tiên đổ bộ trực tiếp vào nước ta.
Ghi nhận những nỗ lực trong việc tập trung theo dõi và có những biện pháp ứng phó trong những ngày qua của thường trực BCĐ, các bộ, ngành và địa phương. Phó Thủ tướng khẳng định, rất nhiều địa phương đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó, giảm thiểu thiệt hại cả trên biển và đất liền.
Tuy nhiên, diễn biến ATNĐ lần này còn hết sức phức tạp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm “bốn tại chỗ”.
“Các địa phương trong khu vực ảnh hưởng chủ động ứng phó với phương châm “bốn tại chỗ” gắn với phòng chống dịch Covid-19. Nơi nào tập trung ứng phó, nơi đó giảm thiểu được thiệt hại”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Vị trí và hướng di chuyển ATNĐ tại Bản tin lúc 11 giờ ngày 1/8/2020 của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia |
Trên đất liền, khu vực đồng bằng ven biển, đô thị những nơi bão đổ bộ trực tiếp, Phó Thủ tướng yêu cầu sơ tán dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm, cửa sông, cửa biển, ngập lũ nhiều, khu vực nhà ở không an toàn… Đặc biệt là ở các Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình.
Mặc khác, do đang là mùa du lịch, còn nhiều du khách nên Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, chú trọng bảo vệ công trình, trước hết là công trình nhà ở nhân dân, bảo vệ công trình công cộng (nhà trẻ, trường học, bệnh viện, những trụ sở cơ quan…); các công trình sản xuất (nhà máy, xí nghiệp…); gia cố đê điều, chủ động ứng phó khi nước lên.
Lưu ý các tỉnh miền núi phía Bắc là khu vực dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương khu vực này chủ động sơ tán dân khỏi khu vực phát hiện thấy không an toàn khi mưa lũ lớn xảy ra. Đặc biệt, Các tỉnh có khu vực trung du, miền núi tuyệt đối không được chủ quan.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đảm bảo an toàn hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện. Kiểm tra vận hành liên hồ chứa phù hợp, kinh tế nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất. Tuy nhiên, lưu ý đảm bảo an toàn hồ chứa nhưng phải theo dõi diễn biến động đất có thể xảy ra.
“Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố và TKCN chủ động theo dõi, điều phối các lực lượng hỗ trợ ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả, đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực bão đổ bộ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT chủ động bố trí lực lượng vật tư ứng phó với các sự cố công trình, đảm bảo an toàn giao thông khi có sự cố xảy ra; Bộ TN&MT theo dõi chặt chẽ công tác dự báo, cảnh báo, làm rõ hơn phạm vi ảnh hưởng phục vụ cho công tác ứng phó và thông tin đến người dân.
“Các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc tích cực, có kế hoạch chủ động, tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.