Tập trung nguồn lực không để ai bị bỏ lại phía sau

Thiên Trường| 11/10/2019 14:38

(TN&MT) - Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp mới đây đã đề cập đến những mục tiêu quan trọng.

Đặc biệt, đề án cũng nêu những giải pháp, cơ chế đặc thù để đạt và hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra.

Hướng đến năm 2030 không còn hộ đói

Đề án xác định mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020. Trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định. Trên 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT. 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học; đảm bảo có từ 10 - 12% số học sinh DTTS trong độ tuổi trung học được hưởng chính sách trường phổ thông dân tộc nội trú…

t2.jpg

Hướng đến năm 2030 không còn hộ đói. Ảnh: MH

Mục tiêu cụ thể đến 2030 không còn hộ đói; hộ nghèo giảm 80% so với năm 2020. 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực. Giảm ít nhất 70% số thôn đặc biệt khó khăn; 80% số xã đặc biệt khó khăn so với năm 2020. Trên 85% xã vùng đồng bào DTTS&MN có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển KTXH và đời sống của người dân. Giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát trong đồng bào DTTS…

Ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án khi vùng đồng bào DTTS&MN đang còn khó khăn với nhiều chỉ tiêu thấp nhất cả nước như: chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội phát triển chậm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp và có tỷ lệ người nghèo cao, là khu vực thường xuyên gánh chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

10 nhóm nhiệm vụ giải pháp

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Đề án xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTSMN theo trình độ phát triển, xác định rõ địa bàn xã, thôn đặc biệt khóa khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành “Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.

t3.jpg

Xác định rõ địa bàn xã, thôn đặc biệt khóa khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ảnh: MH

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTSMN để phục vụ công tác dự tính, dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người, sinh sống tại 51 tỉnh, thành phố ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây duyên hải miền Trung. Đây là những khu vực có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội phát triển chậm, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTSMN, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác.

Củng cố, tăng cường hệ thống ngân hàng chính sách xã hội từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; đảm bảo các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung nguồn lực không để ai bị bỏ lại phía sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO