Tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lớn, sạt lở đất
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ, sạt lở đất.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ ngày 1 - 4/8, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, mưa lớn kéo dài đã làm một người tử vong tại xã Ea Rốk huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk (nghi do điện giật khi nhà bị ngập trong mưa lũ); 183 nhà bị sập, hư hỏng, ngập (Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk); 5.208.25 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại tại các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk; 3.259 m kênh, mương bị sạt lở, hư hỏng (Điện Biên); 313 m đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở. Riêng tỉnh Điện Biên, thiên tai xảy ra gây thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), mưa lũ đã làm tuyến đường giao thông tại các xã Leng Su Sìn, Chung Chải và Sín Thầu bị sạt lở gây ách tắc cục bộ, đổ sập tường bao trụ sở xã Huổi Lếch. Tuyến Quốc lộ 279, đoạn thuộc địa phận đèo Tây Trang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Trước tình hình trên, Công ty Cổ phần Đường bộ 226 tỉnh Điện Biên đã huy động máy móc, nhân lực khẩn trương khắc phục. Đến khoảng 10 giờ ngày 4/8, các điểm sạt lở tại khu vực đèo Tây Trang cơ bản được thông tuyến. Lực lượng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Điện Biên có mặt tại khu vực sạt lở để phân luồng giao thông; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ khắc phục sạt lở.
Mưa lớn kéo dài tại tỉnh Lâm Đồng đã gây ra sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và hơn 50.000 m2 đất sản xuất của người dân. Để xử lý sự cố này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và gió mùa Tây Nam đã gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển Bình Thuận, kết hợp triều cường đánh liên tục vào bờ gây hiện tượng sạt lở bờ, làm mất đất ven biển khu vực phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết; sập đổ bên trong bờ kè ở huyện Hàm Thuận Nam.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Ủy ban nhân dân xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam đã rào chắn, căng dây cảnh báo nguy hiểm để người dân biết, không đi vào, phòng tránh nguy hiểm. Các đơn vị du lịch của thành phố Phan Thiết đang huy động nhân viên, dùng bao cát đắp, máy xúc, trải vải bạt và tháo dỡ các công trình bị mất đất, lở chân cột. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở, báo cáo tình hình khi sạt lở xảy ra mạnh, gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng người dân và khách du lịch, hạn chế mất đất, thiệt hại tài sản và mất bãi tắm ven biển.
Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, sạt lở đất cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình có người chết. Chính quyền các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương di dời dân tại những khu vực nguy hiểm, huy động lực lượng hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, sạt lở di dời tài sản.
Để ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ, sạt lở đất. Trong đó, các địa phương tập trung xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất theo văn bản số 288/VPTT ngày 1/8/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai trong đó lưu ý việc theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, mưa lũ, gió mạnh trên biển để triển khai các biện pháp ứng phó.
Tỉnh Đồng Nai theo dõi tình hình lũ trên sông Đồng Nai, tiếp tục thực hiện Công điện số 07/CĐ-QG ngày 30/7/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc chủ động ứng phó với nguy cơ ngập lụt trên các khu vực trũng thấp ven sông Đồng Nai.