Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chỉ đạo tại cuộc họp |
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Trung Thắng cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện đã chủ động rà soát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Dự thảo Chiến lược đảm bảo phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng tại các báo cáo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; các chính sách của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật.
Đồng thời, Viện đã tổng hợp, tiếp thu cơ bản các ý kiến, cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Chiến lược trên cơ sở ý kiến góp ý của 7 Bộ, ngành gồm: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cụ thể, về giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường, Bộ Công Thương đề nghị rà soát thống nhất với Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung: “Hạn chế, dừng sản xuất, tiêu thụ bao bì, túi nilon khó phân hủy từ năm 2026 trong khi Dự thảo Nghị định quy định từ năm 2025”.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Trung Thắng báo cáo tại cuộc họp |
Về hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường, Bộ Nội vụ có ý kiến bỏ nhiệm vụ “Nghiên cứu, hoàn thiện thiện tổ chức bộ máy theo hướng đề xuất thành lập Bộ Môi trường để tập trung, thống nhất quản lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo vệ môi trường và phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế”.
Đối với ý kiến trên, nhóm soạn thảo đề xuất giữ nguyên nhiệm vụ này trong Dự thảo Chiến lược vì hiện nay xu hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới là thành lập riêng Bộ Môi trường. Đây là nội dung cần nghiên cứu mang tính chiến lược của ngành, hướng tới tập trung, thống nhất quản lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo vệ môi trường và phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Kết quả nghiên cứu sẽ chỉ là tham mưu, đề xuất định hướng, còn việc thành lập hay không còn phụ thuộc vào chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn.
Về các chỉ tiêu giám sát và đánh giá kết quả bảo vệ môi trường giai đoạn đến năm 2030 của Chiến lược, Bộ Xây dựng đề nghị xem xét lại tính khả thi của chỉ tiêu “Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom đến 2025 đạt 30%, đến 2030 đạt 10%”. Dựa trên lộ trình triển khai các dự án đốt rác phát điện hiện nay ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, nhóm soạn thảo đề xuất chỉnh sửa tỷ lệ này thành 50% năm 2025 và 30% năm 2030.
Quang cảnh cuộc họp |
Góp ý tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, cần rà soát lại và chỉnh sửa tên các chương trình ở trong phụ lục để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tài đề xuất chỉnh sửa tên Chương trình số 4; 7; 9 lần lượt thành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí; kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh; kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu Viện tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với nội dung “Hạn chế, dừng sản xuất, tiêu thụ bao bì, túi nilon khó phân hủy từ năm 2026 trong khi Dự thảo Nghị định quy định từ năm 2025” sửa thành “Hạn chế, giảm dần sử dụng, tiêu thụ túi nilon khó phân hủy từ nay đến hết năm 2025. Đến năm 2026, dừng sử dụng, tiêu thụ túi nilon khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên phạm vi cả nước”
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng về nghiên cứu bổ sung Chương trình đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước và công trình xử lý nước thải sinh hoạt các đô thị từ loại V trở lên và giao Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện.