Biến đổi khí hậu

Tập trung đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở: Nhìn từ Vĩnh Long

Lan Chi 24/10/2023 - 17:59

(TN&MT) - Vĩnh Long là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, sạt lở bờ sông thường xuyên diễn ra gây tổn thất lớn đến cơ sở hạ tầng và nhà cửa, đời sống người dân ở ven sông. Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình, đặc biệt giải pháp công trình đã mang lại nhiều hiệu quả trong công tác phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Sạt lở bờ sông, kênh, rạch gây thiệt hại lớn

Là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, sạt lở bờ sông thường xuyên diễn ra gây tổn thất lớn đến cơ sở hạ tầng và nhà cửa, đời sống người dân ở ven sông. Với hơn 5.000 tuyến sông, kênh, rạch dài gần 5.600 km, sạt lở ở tỉnh Vĩnh Long xảy ra không phân biệt mùa khô hay mùa mưa. Những năm trước, thường ghi nhận sạt lở nhiều trên các sông chính, nhưng thời gian gần đây, vùng nội đồng xảy ra nhiều hơn. Tuy ít gây thiệt hại về nhân mạng nhưng loại thiên tai này đã tàn phá nhiều đất đai, công trình, nhà cửa ven sông.

Theo số liệu của UBND tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2020 đến tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 tuyến/điểm sạt lở, làm mất 5 - 6km bờ sông, kênh, rạch, thiệt hại về tài sản trên 10 tỷ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 98 điểm sạt lở (tăng 61 điểm/vị trí so với cùng kỳ năm 2022) làm mất 3.071m bờ sông (tăng 1.773m) cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao…trên đó, ảnh hưởng trực tiếp đến 112 hộ dân và sụt lún dưới lòng sông đã gây thất thoát, thiệt hại đến việc nuôi cá lồng bè của tỉnh (cá điêu hồng). Ước tổng thiệt hại 7 tháng năm 2023 do sạt lở và sụt lún là 8,412 tỷ đồng (gấp 2,23 lần so cùng kỳ năm 2022).

vnapotalvinhlongdidoikhancap9hodanrakhoikhuvucsatlo6781477-1688033216903723493258.jpg
Người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở tại ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long

UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp trong thời gian từ năm 2020 - tháng 7/2023 với 23 khu vực bờ sông, kênh, rạch, đê bao bị sạt lở với chiều dài gần hơn 12.000m trong tổng số 466 khu vực đã xảy ra sạt lở (dài hơn 15.000m).

Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, tình hình sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng, ngoài yếu tố tác động do tự nhiên (như dòng chảy, biến đổi khí hậu), gần đây tác động của con người cũng rất đáng kể, đã làm làm gia tăng xói lở như nạo vét sông ngòi, kênh, rạch quá mức không theo quy định làm mất ổn định bờ sông gây sạt lở, do xây dựng nhà cửa, kè sông lấn lòng sông, lòng kênh làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở phía bờ đối diện.

Theo đó, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở, bao gồm các giải pháp phi công trình và công trình.

Đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2020 đến đầu tháng 8/2023, được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, cùng với việc bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đầu tư 10 tuyến kè bê tông cốt thép kiên cố; gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, kết hợp gia cố lòng sông, gia cố tạm bằng cừ tràm, cừ dừa với khoảng 200 điểm/tuyến sạt lở bờ bao. Tổng chiều dài kè kiên cố và bờ bao được khắc phục sạt lở khoảng 40.071m, kinh phí thực hiện4.351,7 tỷ đồng.

Trong đó, đáng kể nhất là tuyến kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (từ chân cầu Mỹ Thuận đến rạch Cái Sơn Bé, đi qua các phường: Tân Ngãi, Trường An, 9, 2, 1 và phường 5 của TP Vĩnh Long) được đầu tư từ 1998-2021 dài gần 12.000m.

Tỉnh cũng đang thực hiện tiếp các dự án kè chống sạt lở khác, như: Kè rạch Cái Cá - Cầu Lầu - Kinh Cụt dài 3.760m, kè chống sạt lở bờ sông Tiền (thượng du cầu Mỹ Thuận) dài khoảng 1.000m thuộc TP Vĩnh Long; Kè chống sạt lở bờ sông Mang Thít - khu vực 10B, thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn) dài hơn 500m; Kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu Cù lao An Bình đến phà An Bình (Long Hồ) dài gần 4.400m…

vl1-5603.jpg
Tại Vĩnh Long, sạt lở bờ sông thường xuyên diễn ra gây tổn thất lớn đến cơ sở hạ tầng và nhà cửa

Đánh giá hiệu quả các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông đã được đầu tư xây dựng từ năm 2020 đến nay, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Việc xây dựng các công trình kè giúp tỉnh giải quyết dứt điểm hiện tượng sạt lở bờ sông ở những nơi nguy hiểm, tình trạng xây cất nhà lấn chiếm bờ, lòng sông kéo dài nhiều năm, ổn định tái định cư hàng trăm hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm về nơi ở mới, an toàn và góp phần chỉnh trang các đô thị, khu dân cư theo hướng văn minh, hiện đại.

Trong 23 khu vực đã được UBND tỉnh công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp trong thời gian từ năm 2020 đến nay đã có 14/23 khu vực đã hoàn thành việc gia cố khắc phục, 3/23 khu vực đang triển khai và 6/23 khu vực chưa triển khai (do chưa thu xếp được nguồn vốn). Các công trình sau khi hoàn thành đã góp phần ổn định đời sống người dân, bảo đảm an toàn các tuyến đê bao phòng, chống lũ.

Tuy nhiên, một số công trình gia cố khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè rọ đá cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định như: tuổi thọ công trình không cao, có hiện tượng lún không đều hoặc sụp lún cục bộ ảnh hưởng đến mỹ quan công trình… Nguyên nhân là do nguồn kinh phí hạn chế nên các công trình chỉ thực hiện bằng giải pháp kè rọ đá thiếu kiên cố và không thực hiện khoan thăm dò địa chất do đó chưa nhận định hết các yếu tố bất lợi của địa chất trong quá trình thiết kế.

UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh có 7 khu vực sạt lở bờ sông nguy hiểm, nhưng chưa được bố trí vốn gồm: Khu vực sạt lở cồn Thanh Long, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, chiều dài sạt lở 300m, đề nghị đầu tư đê, kè dài 3.000m (xung quanh cù lao); khu vực thuộc sông Cổ Chiên (đoạn từ hệ thống thu nước nhà máy nước Vĩnh Long đến cửa sông Long Hồ, phường 1, thành phố Vĩnh Long) dài 440 m, có lạch sâu áp bờ, có nguy cơ sạt lở cao; đê bao chống ngập thành phố Vĩnh Long - khu vực sông Cái Cá (thành phố Vĩnh Long); khu vực sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ vàm sông Mương Lộ đến rạch Bà Bóng, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ), chiều dài sạt lở 700 m.

Ngoài ra, còn có khu vực sạt lở bờ sông sông Cái Cao (đoạn từ cầu Kinh Mới đến cầu Cả Nguyên, xã Phú Đức, huyện Long Hồ) với chiều dài khoảng 2.600 m; khu vực sạt lở bờ sông Trà Ôn (đoạn từ trường Trung học cơ sở Tích Thiện đến Rạch Chiếc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) với chiều dài khoảng 360m; hu vực sạt lở bờ Kênh Xáng, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn với chiều dài 160m.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở: Nhìn từ Vĩnh Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO