Tập huấn về kiểm kê khí nhà kính và thị trường các-bon ngành giao thông
Từ ngày 19 – 20/3, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (SPI-NDC) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức chương trình “Tập huấn về kiểm kê, đo đạc, báo cáo, thẩm định, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường tham gia thị trường VCM/ETS lĩnh vực giao thông”.
Chương trình tập huấn được tổ chứ trong bối cảnh hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu và cấp thiết nhất của lãnh đạo các Chính phủ, các nền kinh tế, các tổ chức xã hội toàn cầu, nhằm đảm bảo một tương lai an toàn và bền vững. Tại hội nghị COP26, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. So với báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định 2020 (NDC 2020), NDC cập nhật 2022 (NDC 2022) Việt Nam đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8% và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5%
Cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, quyết định như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Ánh Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT cho biết: Lĩnh vực giao thông cũng đóng vai trò quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia và đạt được các mục tiêu khí hậu. Bởi thông qua mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn, bền vững và phát thải các-bon thấp, trong lĩnh vực này sẽ đóng góp trực tiếp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sản xuất – tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Do vậy, việc tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ sở thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quyết định Quyết định 01/2022/QĐ-TTg là điều quan trọng và cần thiết.
Theo ông Pattrick Haverman – Phó trưởng đại diện UNDP Việt Nam, trong số các ngành, lĩnh vực gây phát thải của Việt Nam, ngành giao thông vận tải đóng góp khoảng 18% lượng khí nhà kính quốc gia theo số liệu năm 2016. Lượng phát thải này sẽ tăng lên khoảng 64,3 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và 88,1 triệu tấn CO2 vào năm 2030 nếu không có bất kỳ hành động nào. Do đó, để đạt được kết quả theo cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính cũng như áp dụng các biện pháp giảm nhẹ trong lĩnh vực giao thông vận tải là những ưu tiên cấp bách.
Ông Pattrick mong muốn khóa đào tạo này là nền tảng để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong các hoạt động đo đạc, báo cáo và thẩm định cho lĩnh vực giao thông vận tải và nâng cao hiểu biết về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường các-bon tự nguyện (VCM).
Ông Hiroi Akira, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã hợp tác và hỗ trợ chính phủ Việt Nam xây dựng Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu. Tổ chức JICA của Nhật Bản cũng đã cung cấp các khoản hỗ trợ và các chương trình hợp tác như dự án SPI-NDCs nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Ông Hiroi bày tỏ mong muốn của Chính phủ Nhật Bản trong việc tiếp tục đóng góp vào chính sách giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam không chỉ thông qua hợp tác nêu trên mà còn thông qua nhiều hỗ trợ khác như triển khai các công nghệ khử các-bon.
Chương trình tập huấn diễn ra trong 2 ngày từ 19 – 20/3 với sự tham gia của 90 học viên đến từ các cơ quan, viện, hiệp hội, trường đại học, doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông đương bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không tại Việt Nam.
Tại buổi tập huấn, các đơn vị tham gia được phổ biến về các phương pháp và công cụ tính toán kiểm kê khí nhà kính. Ngày thứ 2 tập trung phổ biến những thông tin quan trọng bao gồm yêu cầu pháp lý và kỹ thuật, cùng với cơ hội dành cho doanh nghiệp tham gia vào hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và thị trường các-bon tự nguyện trong tương lai của Việt Nam.