Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Hội nghị hôm nay sẽ giới thiệu cho các cán bộ kỹ thuật thuộc các Liên đoàn tham gia thi công đề án toàn bộ nội dung đề án tổng thể và các đề án thành phần, cũng như dự kiến xây dựng kế hoạch chi tiết những công việc phải thực hiện trong năm 2021; đồng thời trao đổi những kinh nghiệm, thảo luận về các phương pháp kỹ thuật, như: phương pháp lấy mẫu, thu thập tài liệu… để tạo sự thống nhất chung cho từng đề án.
Ông Nguyễn Văn Nguyên hy vọng đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” sẽ tiếp nối thành công của đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc, phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”.
Ngoài ra, trên cơ sở nguồn vốn hàng năm được giao, Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ sẽ cùng với các đơn vị thi công đề án tạo cơ chế phối hợp để thực hiện hiệu quả nhất các công việc được giao trong từng đề án thành phần. Đồng thời khẳng định kết quả của đề án sẽ rất khả thi và mang lại công việc ổn định cho các đơn vị thi công đề án nhiều năm, qua đó càng khẳng định Tổng cục sẽ thực hiện tốt các đề án được Chính phủ giao từ khâu đề xuất nhiệm vụ đến việc triển khai cụ thể đề án.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên trao đổi với các đơn vị được giao thực hiện đề án tại hội nghị |
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên yêu cầu trong quá trình triển khai đề án, bên cạnh việc duy trì đội ngũ cán bộ kỹ thuật, Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ và các đơn vị có liên quan cần quan tâm công tác đào tạo các cán bộ có trình độ chuyên môn hàng đầu trong các đơn vị và trở thành chuyên gia đầu ngành. Cũng từ kết quả của đề án này có thể góp phần định hướng điều tra phần còn lại trên đất liền để nhìn nhận rõ hơn tiềm năng khoáng sản trên toàn quốc.
“Ngay từ hôm nay, các đơn vị thi công đề án sẽ bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị và lên đường, từng đơn vị thực hiện nhiệm vụ chi tiết theo kế hoạch được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phân công”, ông Nguyễn Văn Nguyên chỉ đạo.
Ông Dương Ngọc Tình - Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, Phó Chủ nhiệm đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” cho biết, các khoáng sản sẽ điều tra, đánh giá bao gồm: Kim loại, trọng tâm là vàng, đồng, thiếc, wolfram, liti và các khoáng sản đi kèm; khoáng chất công nghiệp, trọng tâm là felspat, kaolin, diatomit, fluorit, thạch anh, quarzit, graphit, vermiculite; đá khối làm đá ốp lát trọng tâm là granit, diorit, gabro, metacarbonat và cát kết; năng lượng, trọng tâm là quặng urani.
Đề án được triển khai trên các diện tích có tiền đề, dấu hiệu khoáng sản thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắc và vùng núi của TP. Đà Nẵng.
Ông Dương Ngọc Tình - Phó Chủ nhiệm đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” báo cáo tại hội nghị |
Theo ông Dương Ngọc Tình, đề án dự kiến sẽ đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, tổng hợp, đánh giá tổng thể được trữ lượng, tài nguyên, làm rõ được mức độ điều tra, thăm dò, khai thác các loại khoáng sản kim loại, khoáng sản năng lượng, khoáng chất công nghiệp và khoáng sản làm đá ốp lát, thành lập được hệ thống tài liệu tin cậy phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và xây dựng quy hoạch thăm dò khoáng sản và sử dụng đất tiếp theo trong vùng Trung Trung Bộ.
Đồng thời, đóng góp các tài liệu tin cậy để làm rõ mối liên quan của các loại khoáng sản với các phân vị địa chất, cấu trúc địa chất; xác định được các yếu tố cấu trúc thuận lợi cho sinh và tích tụ khoáng sản.
Ngoài ra, xác định được các kiểu quặng vàng, đồng, thiếc, wolfram, khoáng chất công nghiệp điển hình, các kiểu mỏ điển hình hoặc các tập, lớp đá chứa khoáng sản làm cơ sở để điều tra, tìm kiếm phát hiện tiếp theo.
Bên cạnh đó, góp phần làm rõ được tiềm năng, quy luật phân bố quặng vàng vùng Tây Quảng Nam, đới cấu trúc Pô Ko, đới cấu trúc Sông Ba, quặng đồng vùng Kon Tum và đới đứt gãy Ba Tơ - Giá Vực.
Phó Chủ nhiệm đề án mong muốn đề án sẽ thành lập được Bản đồ phân vùng, dự báo khoáng sản, khoanh định có cơ sở khoa học các diện tích có triển vọng khoáng sản với mức độ khác nhau, đánh giá khả năng tồn tại các thân khoáng sản ở phần sâu tại một số khu mỏ, khoanh định được các diện tích cần điều tra tiếp theo cả phần trên mặt và dưới sâu.
Toàn cảnh hội nghị tập huấn |
Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” gồm 4 đề án thành phần: Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản kim loại; Đánh giá tổng thể tiềm năng quặng urani; Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản khoáng chất công nghiệp; Đánh giá tiềm tổng thể năng khoáng sản đá khối làm đá ốp lát. Tại hội nghị, đại diện các cơ quan thực hiện đã trình bày tổng quan về các đề án thành phần và các chuyên đề về phương pháp; hướng dẫn điều tra, tổng hợp hiện trạng khoáng sản kim loại; kỹ thuật lộ trình điều tra, đánh giá khoáng sản và thu thập tài liệu thực địa; công tác lấy mẫu; công tác thu thập tài liệu công trình khoan, khai đào; công tác thu thập, xử lý tài liệu khe nứt.
Ông Nguyễn Bá Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Địa chất, Chủ nhiệm đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” đề nghị các đơn vị chủ trì các đề án thành phần tạo điều kiện cho các chủ nhiệm đề án được đề xuất, điều hành các công việc của đề án. Đồng thời, bên cạnh trách nhiệm, các chủ nhiệm đề án thành phần phải có những quyền lợi nhất định, chẳng hạn có thể phân phối các thành viên kỹ thuật trong đề án…