(TN&MT) - Thời gian qua, dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Long An đã đẩy mạnh các hoạt động về trồng rừng và phát triển diện tích rừng nhằm nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, đồng thời tạo sinh kế cho người dân nơi vùng đất ngập nước.
Quan tâm phát triển rừng ngập mặn
Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, Long An đã chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của BĐKH, như: mưa, lũ, ngập úng kéo dài và tình trạng xâm nhập mặn. Những tác động này đã ảnh hưởng không nhỏ đối với môi trường sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng mà địa phương đã triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đó là đẩy mạnh trồng rừng và trồng cây xanh phân tán nhằm tăng khả năng, sức chống chịu với thiên tai, bão lũ cũng như tạo sinh kế cho người dân.
Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết: Trong 02 năm 2021-2022, Long An đã tổ chức trồng mới 1.476ha rừng. Tổng diện tích rừng trên toàn tỉnh tính đến nay là hơn 21.800ha, gồm: 1.813ha rừng đặc dụng, 2.075ha rừng phòng hộ và hơn 17.916ha rừng sản xuất. Riêng năm 2023, do hiện đang là mùa khô nên nhiệm vụ chủ yếu là quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng là chính, công tác trồng rừng sẽ thực hiện vào mùa mưa từ giữa năm nay.
Trước đó, đối với việc trồng cây phân tán, hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng và giá trị của rừng, trồng cây và trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và BĐKH. Từ kế hoạch này, kết quả 02 năm qua, toàn tỉnh thực hiện trồng được 3,5 triệu cây xanh các loại.
Hiện tại, tỉnh Long An tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư hiểu về tầm quan trọng của việc phục hồi hệ sinh thái, từ đó tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật hoang dã, phòng chống rác thải nhựa..., góp phần phục hồi hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến môi trường sống an toàn, bền vững của người dân địa phương.
Hướng đến cuộc sống bền vững
Theo ngành chức năng Long An, trong thời gian qua, ngoài công tác trồng rừng, tỉnh Long An cũng luôn quan tâm đến công tác bảo vệ và chăm sóc rừng. Trong đó, ngoài lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương, tỉnh còn xác định công tác bảo vệ rừng phải dựa vào người dân. Do vậy, việc chăm lo cho đời sống của người dân là một phần không thể thiếu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Điển hình là Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 2.000 ha, chủ yếu là rừng tràm với lớp thực bì dày, rất dễ gây cháy. Nơi đây đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong người dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, tự giác chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, có 100% hộ dân sinh sống quanh khu vực cam kết không xâm nhập vào rừng khai thác lâm sản và săn bắt chim, thú rừng trái phép, không được mang các thiết bị, dụng cụ có nguy cơ cháy, nổ vào rừng.
Qua đó, người dân cũng được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, vốn là chìa khóa để giải quyết những vấn đề ở địa phương một cách bền vững; đồng thời, ứng phó tốt hơn với những bất thường từ thiên nhiên, nhờ vào diện tích che phủ rừng và khả năng tích trữ nguồn nước được cải thiện, giảm thiểu tác hại của lũ lụt và hạn hán cho toàn vùng Đồng Tháp Mười và hạ lưu sông Mekong.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho hay: Từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, tỉnh sẽ nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng để đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, đa dạng sản phẩm và dịch vụ từ rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Còn ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An cũng cho biết: Tỉnh Long An hiện đang tiếp tục tập trung công tác quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện phương án nâng cao hiệu quả quản lý về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước; đồng thời, chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro, thích ứng với BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống thiên tai..., từ đó, góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện tại, tỉnh Long An đang tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; tập trung phát triển nông - lâm - thủy sản theo hướng ổn định và bền vững, nâng cao hiệu quả, chất lượng, tính cạnh tranh, phù hợp với sinh thái, thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.