Tạo nguồn thu để quản lý rừng tự nhiên

10/08/2017 00:00

(TN&MT) - Để thu hút đầu tư trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và bền vững dựa trên các sản phẩm và dịch vụ từ rừng tự nhiên, thách thức lớn hiện nay là làm rõ và đảm bảo các cách thức để doanh nghiệp thu được lợi ích nhờ quản lý bền vững rừng tự nhiên.

Theo số liệu được đưa ra tại “Diễn đàn về phát triển các cơ hội cho quản lý rừng tự nhiên bền vững”, Việt Nam hiện có trên 10 triệu ha rừng tự nhiên, chiếm 71% diện tích rừng Việt Nam, nhưng chủ yếu là rừng mới phục hồi, rừng nghèo; rừng giàu còn lại rất ít. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định: Do nhu cầu phát triển kinh tế cùng những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà vẫn còn nhiều diện tích rừng tự nhiên giàu trữ lượng bị khai thác thiếu bền vững hoặc chuyển đổi sang mục đích khác. Những điều này khiến rừng tự nhiên bị suy giảm cả về chất và lượng.

Thực tế, từ khi Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, nguồn thu khai thác kinh tế từ rừng tự nhiên chủ yếu trông chờ vào khoản thu phí dịch vụ môi trường rừng. Những doanh nghiệp hưởng lợi từ rừng tự nhiên thuộc các nhóm thủy điện, du lịch, khai thác nguồn nước… phải có trách nhiệm trả tiền cho những đối tượng bảo vệ, trồng và phát triển rừng. Tuy vậy, mức thu này quá thấp (chỉ khoảng 300 nghìn đồng/ha/năm), gần như không đáng kể.

Đảm bảo cách thức để doanh nghiệp thu lợi ích nhờ quản lý bền vững rừng tự nhiên. Ảnh: MH
Đảm bảo cách thức để doanh nghiệp thu lợi ích nhờ quản lý bền vững rừng tự nhiên. Ảnh: MH

Cho đến nay, rừng mới chỉ đóng góp xấp xỉ 1% tổng GDP của Việt Nam. Chương trình mục tiêu Phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu nâng con số này lên 2 - 3% cũng như tăng độ che phủ rừng lên 42% vào năm 2020. Để đạt đến cái đích này, quản lý rừng tự nhiên bền vững kết hợp khai thác hiệu quả các lợi ích kinh tế của rừng tự nhiên cần sự phối hợp của nhiều bên, từ Chính phủ đến doanh nghiệp và người dân.

Ông Hà dẫn chứng, năm 2010, ngành công nghiệp tre nứa ở Việt Nam đã tạo việc làm cho 400.000 người lao động; tổng doanh thu hằng năm khoảng 250 triệu USD từ măng, các chuỗi xử lý công nghiệp và cung ứng sản phẩm thủ công. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đạt 20 tỷ USD mỗi năm và tiếp tục tăng, các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có thể tăng gấp 3 số việc làm và thu nhập từ ngành công nghiệp này. Ngành dược liệu thậm chí còn quan trọng hơn với doanh thu nội địa khoảng 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 1,7 tỷ USD dược liệu mỗi năm, mặc dù, có đủ tiềm năng hoàn toàn tự cung tự cấp và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới xuất khẩu mặt hàng này.

Nếu bảo vệ rừng tự nhiên hợp lý, ngoài nguồn lợi lớn từ khai thác các loại lâm sản có giá trị, rừng tự nhiên còn gắn với cảnh quan, đa dạng sinh học, là tiềm năng lớn thu hút du lịch, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam. Do đó, cần xây dựng cơ chế chính sách để phát huy hết tiềm năng của rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên và phát huy các giá trị về môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, việc xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình kinh doanh bền vững và tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế trong phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên còn thiếu hệ thống, kém hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, song song với huy động nguồn lực tài chính phải xây dựng các quy định về thu/chi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình kinh tế dựa trên rừng tự nhiên. Đồng thời, cải thiện chính sách và tăng cường hệ thống giám sát, đánh giá về các mô hình kinh tế và lâm sản ở cấp địa phương và quốc gia. Các cơ chế chia sẻ lợi ích như chi trả dịch vụ môi trường rừng cần tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong việc tái đầu tư nguồn tài chính này có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao hơn trong các hoạt động liên quan đến rừng tự nhiên, mở rộng phạm vi dịch vụ và tăng giá trị các dịch vụ cung cấp.

Ngoài ra, rừng tự nhiên có thể giao hoặc khoán lại cho một số dịch vụ du lịch sinh thái hoặc thí điểm mô hình sinh kế ngoài gỗ, song vẫn có nhiều thách thức về ổn định tài chính và lợi tức trong thời gian dài. Thách thức chủ yếu là biến các cơ hội, định hướng, chính sách và giải pháp thành hành động nhất quán và có hệ thống. Ông Kalmal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, để họ thấy được lợi ích lâu dài từ phát triển rừng tự nhiên bền vững, từ đó đạt được những lợi ích chung.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn thu để quản lý rừng tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO