E-magazine: Xây dựng nền kinh tế đa dạng sinh học ở Việt Nam
(TN&MT) Việc gắn các mục tiêu bảo tồn vào mục tiêu phát triển kinh tế sẽ đảm bảo tương lai bền vững cho Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu đã đề ra về kinh tế và môi trường.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược TN&MT cho biết, thế giới đang đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu, liên quan đến ô nhiễm môi trường, liên quan đến đa dạng sinh học. Ứng với mỗi cuộc khủng hoảng, thế giới đã thiết kế những công cụ kinh tế kèm theo. Ví dụ như với biến đổi khí hậu, chúng ta có tín chỉ các-bon. Đối với, ô nhiễm môi trường, chúng ta đang xây dựng tín chỉ nhựa, và vấn đề này đang tiếp tục được thảo luận. Còn với đa dạng sinh học, chúng ta cũng đang nghiên cứu về một số công cụ như cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học, tín chỉ đa dạng sinh học.
Theo ông Lại Văn Mạnh - chuyên gia từ Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, để chuẩn bị cho việc xây dựng, tiến tới áp dụng các công cụ này, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã phối hợp với các chuyên gia về tài chính của Công ty quản lý Quỹ Dragon Capital tại Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu về lượng giá đa dạng sinh học, cơ chế dựa vào thị trường cho bảo tồn đa dạng sinh học, cơ chế bồi hoàn và tín chỉ đa dạng sinh học.
Bồi hoàn đa dạng sinh học còn được hiểu là đền bù sinh thái. Trên thế giới, bồi hoàn đa dạng sinh học được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và đã được phát triển như một cơ chế để cải thiện các tác động tiêu cực đến môi trường của việc giải phóng mặt bằng để phát triển đô thị, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng hoặc các dự án khai thác và khí đốt. Tại Việt Nam, trồng rừng thay thế có thể được xem như một cách bồi hoàn sinh thái.
Tín chỉ đa dạng sinh học là một khái niệm mới tại Việt Nam, song đã được triển khai trên thế giới. Tín chỉ đa dạng sinh học được hiểu là một bản xác nhận hay giấy chứng nhận về bảo tồn, là bước phát triển của cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học được hình thành dựa trên cơ chế thị trường để vốn hóa nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học. Các khoản tín chỉ này có thể được giao dịch trên thị trường như thị trường tín chỉ các-bon để tạo ra quỹ cho việc quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, được sử dụng để bù đắp các tác động đối với các giá trị đa dạng sinh học có thể xảy ra do tác động của các dự án phát triển hạ tầng và cũng có thể được bán cho những người tìm cách đầu tư vào các kết quả bảo tồn, bao gồm các tổ chức từ thiện và chính phủ.
Từ các công cụ kinh tế đa dạng sinh học này có thể hướng đến hình thành ngân hàng đa dạng sinh học và xu hướng hình thành thị trường giao dịch tín chỉ trên thế giới.
Theo ông Lại Văn Mạnh - Ngân hàng đa dạng sinh học là một cơ chế dựa vào thị trường nhằm khuyến khích sự phát triển không lấy đi hoặc tác động đến các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, đồng thời cung cấp các động lực cho tổ chức, cá nhân bảo tồn để bảo vệ các khu vực này. Sản phẩm của ngân hàng đa dạng sinh học chính là hệ thống các tín chỉ đa dạng sinh học cho phép nhà phát triển mua các khoản tín chỉ để đền bù cho những mất mát về đa dạng sinh học do các dự án phát triển gây ra. Ngân hàng đa dạng sinh học tạo ra cơ hội hình thành thị trường giao dịch tín chỉ đa dạng sinh học bởi nó khuyến khích các tổ chức quản lý khu bảo tồn hoặc các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng thể đăng ký tham gia bảo tồn, cam kết nâng cao và bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học.
Khi các quy định về trách nhiệm đền bù sinh thái được áp dụng nhà đầu tư phát triển có nhu cầu mua các khoản tín chỉ đa dạng sinh học; các nhà đầu đã hoàn thành trách nhiệm đền bù có thể bán các khoản tín chỉ của họ; Chính phủ hoặc các tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn cũng có thể mua các khoản tín chỉ này. Quá trình giao dịch, trao đổi và chuyển nhượng như vậy sẽ xuất hiện người mua, người bán, người môi giới và chính là hình thành ra thị trường tín chỉ đa dạng sinh học.
Hiện nhu cầu tài chính cho mục tiêu bảo tồn, duy trì và phát triển đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên ngày càng gia tăng.
Đánh giá nhu cầu tài chính cho việc thực hiện chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NBSAP) của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu sinh thái và Môi trường rừng - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Chương trình UNDP Việt Nam cho thấy, tổng nhu cầu tài chính (tối thiểu) từ khối ngân sách cho việc đạt được 7/14 chỉ tiêu giám sát, đánh giá NBSAP 2030 là 114.718,3 tỷ đồng, trung bình là 16,388.3 tỷ đồng/năm, tương đương 0,17% GDP 2023 của cả nước. Trong khi đó, theo kết quả rà soát chi tiêu cho đa dạng sinh học giai đoạn 2011 - 2015 của UNDP (2018), tổng mức chi tiêu cho ĐDSH của Việt Nam từ tất cả các nguồn (ngân sách, ODA, xã hội hóa và tư nhân) chiếm khoảng khoảng 0,16% tổng GDP. Tổng mức thiếu hụt tài chính (tối thiểu) đối với việc đạt được 7/14 chỉ tiêu giám sát và đánh giá của NBSAP 2030 là 17.984,41 tỷ đồng, trong đó mức thiếu hụt tài chính sẽ rơi chủ yếu vào phân kỳ 2026 - 2030.
Đây là khoản tài chính lớn trong khi khả năng đáp ứng từ nguồn ngân sách Nhà nước cho nhu cầu hàng năm cho hệ thống khu bảo tồn mở rộng và đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu cho các khu bảo tồn thành lập mới còn hạn hẹp [2]. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Các tác động của quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng, khu dân cư, khu đô thị, khai thác khoáng sản... đang có những tác động đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Chính vì thế, việc huy động thêm nguồn lực cho bảo tồn đa dạng sinh học là cần thiết.
"Bồi hoàn đa dạng sinh học và tín chỉ đa dạng sinh học là công cụ kinh tế góp phần thể chế hóa khoản 3 Điều 63 của Hiến pháp là "tổ chức, cá nhân gây... suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại" và đồng thời phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam", ông Mạnh khẳng định.
Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học nói chung, đền bù sinh thái và tín chỉ đa dạng sinh học nói chung để tạo ra nguồn tài chính bền vững đáp ứng nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học, đây được xem là cơ hội trả lại cho tự nhiên, tạo ra những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giữ lại giá trị cho nhân loại theo nguyên tắc của thị trường trong thời gian tới.
VQG Pù Mát là nơi có 3 dân tộc chính sinh sống trong vùng gồm: dân tộc Thái (46.899 người, chiếm 49,311%), dân tộc Kinh (43.021 người, chiếm 45,23%) và tộc người Đan Lai (3.065 người, chiếm 3,2%), ngoài ra còn một số ít dân tộc khác như H’Mông, Poọng, Ơ Đu, Nùng, Hoa, Khơ Mú đang sinh sống trong 16 xã thuộc địa bàn các huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An.
Đáng chú ý, trong vùng lõi của VQG Pù Mát có tộc người Đan Lai cư trú chủ yếu ở khu vực thượng nguồn Khe Khặng, xã Môn huyện Con Cuông (cách trung tâm huyện 40km).
Với những đặc trưng trên, Pù Mát còn giữ được những giá trị nguyên sơ của tự nhiên, chứa đựng những giá trị và chức năng quan trọng không chỉ cho người dân trong vùng mà còn ở mức độ toàn cầu.
VQG Pù Mát được đánh giá là nơi cung cấp nhiều chức năng của hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm các dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết và chứa đựng các giá trị về du lịch, giải trí với những điểm du lịch hấp dẫn.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách TN&MT và Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam, dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên do VQG Pù Mát cung cấp được chia thành 4 nhóm: Nhóm dịch vụ cung cấp, Nhóm dịch vụ điều tiết, Nhóm dịch vụ văn hóa và Nhóm dịch vụ hỗ trợ.
VQG Pù Mát có đóng góp rất lớn cho con người, các hoạt động kinh tế của tỉnh Nghệ An và môi trường sinh thái. Cụ. thể, tổng giá trị nhóm dịch vụ cung cấp và dịch vụ văn hóa của VQG là 90,67 tỷ đồng/năm (trung bình 0,5 triệu đồng/ha). Ngoài ra, tổng giá trị nhóm dịch vụ điều tiết của VQG là 12.722,7 tỷ đồng (trung bình 69,85 triệu đồng/ha), riêng giá trị lưu trữ các-bon là 11.059,7 tỷ đồng (trung bình 60,72 triệu đồng/ha), và giá trị điều tiết nước cho sản xuất thủy điện là 1.663 tỷ đồng. Giá trị bảo tồn dựa trên phương pháp ước lượng theo WTP là 18.335,5 tỷ đồng/năm.
Trên thực tế, tổng giá trị của các dịch vụ cung cấp và dịch vụ văn hóa cũng có thể được xem là "các giá trị sử dụng trực tiếp", thể hiện cho lợi ích bằng tiền mà người dân địa phương hiện đang thu được trực tiếp từ rừng. Kết quả khá khiêm tốn của nhóm các giá trị này là đáng lo ngại, đặt ra yêu cầu cần có các chính sách tạo nguồn lực mới, nhằm phát triển sinh kế gắn với rừng và nâng cao mức sống của người dân địa phương, giúp họ yên tâm giữ rừng.
Mặt khác, nhóm giá trị điều tiết và bảo tồn, vốn không đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương nhưng lại có giá trị rất lớn cho xã hội, mới được duy trì. Trong số các chính sách tạo nguồn lực mới, cơ chế tín chỉ đa dạng sinh học có thể là một lựa chọn tốt. Kết quả ước lượng giá trị bảo tồn tương đối lớn (18.335,5 tỷ đồng) cũng cho thấy đa dạng sinh học của VQG Pù Mát được đánh giá rất cao và có tiềm năng để áp dụng cơ chế tín chỉ đa dạng sinh học.
Từ nghiên cứu trên, một số khuyến nghị được đưa ra bao gồm:
Ở cấp Trung ương, cần sớm triển khai các chính sách tạo ra các nguồn lực tài chính cho bảo tồn, duy trì và phát triển đa dạng sinh học ở Việt Nam như chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang thực hiện, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên đối với các hoạt động du lịch, giải trí; chính sách về bồi hoàn đa dạng sinh học. Đặc biệt, cơ chế tín chỉ đa dạng sinh học có tiềm năng để áp dụng tại VQG Pù Mát.
Đồng thời, cần xây dựng một chính sách đảm bảo tài chính hoạt động ổn định cho các chủ rừng thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng; tăng cường giáo dục nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, cần sử dụng khôn khéo các giá trị của nguồn vốn tự nhiên, đặc biệt là cảnh quan và đa dạng sinh học ở Pù Mát để phát triển sinh kế bền vững cho người dân trong vùng. Các mô hình du lịch cộng đồng có thể được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa.
Minh Hạnh - Thảo My - Hạnh Nguyễn (lược ghi)
Trình bày: Xuân Hà