Doanh nghiệp - doanh nhân

Tăng tốc xuất khẩu sang Canada nhờ lợi thế CPTPP và hướng tới phát triển kinh tế xanh

Ngọc Trâm 12/08/2024 - 12:54

Doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác những lợi thế từ Hiệp định CPTPP và hướng tới phát triển kinh tế xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam, từ đó gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada.

Khai thác hiệu quả từng lợi thế

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) vừa phối hợp với Công ty cổ phần Tư vấn ATIM Consulting tổ chức hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thương mại song phương giữa các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam và Canada" tại TP.HCM.

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC cho biết, trong 50 năm qua, quan hệ Việt Nam - Canada đã không ngừng phát triển và được củng cố trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Canada trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ của Canada tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như ASEAN. Chiều ngược lại, Việt Nam cũng khai thác hiệu quả Hiệp định này để tăng tốc xuất khẩu hàng hóa sang Canada với nhiều ưu đãi.

1.jpg
Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thương mại song phương giữa các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam và Canada” tại TP.HCM

Canada hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong khu vực châu Mỹ, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Năm 2023, mặc dù bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Canada vẫn đạt 6,2 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Canada đạt hơn 3,41 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 3 tỷ USD.

Đặc biệt, hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Canada đến nay vẫn đang được hưởng cả ưu đãi thuế quan theo GSP, MFN và CPTPP. Trên thực tế, sau CPTPP, xuất khẩu những mặt hàng hưởng thuế bằng 0% như điện thoại, điện tử điện máy, kim loại cơ bản, thuỷ sản… đều tăng cao.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Canada đã có sự tăng trưởng rất cao sau 5 năm triển khai CPTPP, nhưng hiện tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu Việt Nam sang Canada vẫn rất thấp, mới đạt 18%. Khoảng 81% hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sang Canada vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN và khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GSP.

2.jpg
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Canada đạt hơn 3,41 tỷ USD

Gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Canada

Ngoài chịu áp lực về lợi thế cạnh tranh, hiện nay hàng xuất khẩu vào Canada cũng còn phải đối diện với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất đối với các sản phẩm xuất khẩu chế biến chế tạo chủ lực của Việt Nam vào địa bàn chính là ở góc độ cầu của thị trường suy giảm. Thách thức thứ hai đến từ chính khả năng hàng Việt Nam có đáp ứng được những tiêu chuẩn xuất khẩu mới, đặc biệt là các vấn đề về sản xuất xanh, tiêu chuẩn bao bì, thuế chuyển dịch carbon xuyên biên giới hay không...

Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới việc khai thác CPTPP và đáp ứng các quy tắc xuất xứ để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam, qua đó gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này.

Ngoài việc tận dụng tốt ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung kết nối sản xuất, đầu tư, công nghệ, thương hiệu giữa hai nước để tạo ra chuỗi giá trị cao hơn. Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tới xuất khẩu dịch vụ. Đây là mảng xuất khẩu hiện đang còn bỏ ngỏ chưa tận dụng được cơ hội, như: Dịch vụ vận tải biển, xây dựng, dịch vụ viễn thông…

Cũng theo ông Trần Phú Lữ, không chỉ phát triển giao thương, Canada còn nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Năm 2023, Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam với hơn 247 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,82 tỷ USD.

3.jpg
Đồ gỗ nội thất là một trong những ngành hàng có thương mại song phương hiệu quả nhất giữa Việt Nam - Canada

Tính đến quý II/2024, Canada đã có 138 dự án đầu tư vào TP.HCM với tổng vốn là 134 triệu USD, đứng thứ 23 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã có 7 dự án của Canada được cấp phép với số vốn 739.228 USD.

Bà Đào Phương Thúy - Chủ tịch Vietnam - Canada Hub Solutions cho biết, thuỷ sản và đồ gỗ nội thất là hai ngành hàng có thương mại song phương hiệu quả nhất giữa Việt Nam - Canada thời gian gần đây. Top 5 mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Canada là: Tôm, cá tra, mực và mực nang, phi lê cá, nghêu và trai. Việt Nam cũng nhập từ Canada tôm hùm, cua tuyết, cá hồi, cá thu và cá trích phục vụ thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.

Thương mại thủy sản Việt Nam - Canada đạt giá trị cao dựa trên nền tảng quan hệ hợp tác song phương được tăng cường. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã xây dựng thương hiệu và tối đa hóa giá trị thông qua sáng tạo các dòng sản phẩm thủy hải sản chế biến cũng như tận dụng tốt hệ thống phân phối sở tại.

Về đồ gỗ và nội thất, Việt Nam xuất khẩu nhiều đồ bọc nệm, ngoại thất, nội thất văn phòng và đồ gỗ dành cho trẻ em. Đồng thời, Việt Nam nhập khẩu từ Canada bột gỗ, giấy hoặc bìa, gỗ xẻ mềm, gỗ xẻ gỗ cứng và ván ép. Kinh nghiệm thúc đẩy xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ngành đồ gỗ nội thất là phối hợp với đối tác cùng nghiên cứu nhu cầu và lập kế hoạch thị trường, liên danh để sản xuất các sản phẩm giá trị cao và xuất khẩu qua các thị trường khác trong khối CPTPP. Ngoài các lĩnh vực sản xuất trên, thời gian tới Việt Nam - Canada cũng có thể phối hợp quảng bá du lịch lẫn nhau để phát triển ngành kinh tế xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc xuất khẩu sang Canada nhờ lợi thế CPTPP và hướng tới phát triển kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO