Xã hội

Tăng thuế thuốc lá: Biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng

Mai Đan (thực hiện) 29/08/2023 - 15:51

(TN&MT) - Thuốc lá đang đem lại những gánh nặng rất lớn cả về sức khỏe và kinh tế cho người hút cũng như toàn xã hội. Để giảm tiêu dùng thuốc lá, các chuyên gia y tế, các nhà nghiên cứu cho rằng cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, mặt hàng có hại cho sức khỏe.

img_0936_20200529093003am.jpg
ThS. Đào Thế Sơn - chuyên gia kinh tế của Liên minh Quốc tế phòng chống Lao và Bệnh phổi

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ThS. Đào Thế Sơn - chuyên gia kinh tế của Liên minh Quốc tế phòng chống Lao và Bệnh phổi về công tác kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam cũng như những giải pháp để phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả hơn.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam thời gian qua?

ThS. Đào Thế Sơn: Hiện nay, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định trong việc kiểm soát thuốc lá như đã thông qua được Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đã thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng được chương trình phòng chống tác hại thuốc lá ở Trung ương và các địa phương. Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động như truyền thông và các chính sách kiểm soát thuốc lá của nhiều ngành và chính sách thuế.

Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao khi triển khai toàn diện và hiệu quả nhiều chương trình can thiệp, đặc biệt là in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ thuốc lá, cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sử dụng thuốc ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020. Ở lứa tuổi 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ.

anh-2-bai-ganh-nag-thuoc-la.jpg
Cần nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thuốc lá

Mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm, nhưng hoạt động kiểm soát thuốc lá vẫn chưa đạt được mục tiêu quốc gia đã đặt ra. Do đó, trong thời gian tới, cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để đẩy lùi “đại dịch thuốc lá” ở nước ta.

PV: Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa đạt được mục tiêu như mong muốn?

ThS. Đào Thế Sơn: Chính sách thuế đối với thuốc lá ở nước ta còn yếu, giá thuốc lá còn thấp, loại rẻ nhất có giá chỉ 6.000-10.000 đồng/1 bao thuốc. Chi phí/chi trả trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm (2010-2020). Từ ngày 1/1/2019 đến nay, thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng, tổng thuế tương đương 38,8% giá bán lẻ, thấp hơn nhiều mức 75% theo đề xuất của Tổ chức Y tế thế giới… Nếu so sánh với những sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sữa cho trẻ em, thuốc lá rẻ hơn rất nhiều.

Hơn nữa, thuốc lá ở Việt Nam quá đa dạng về giá, nên nếu như thị trường tăng giá sản phẩm này thì người tiêu dùng có thể dễ dàng chuyển sang một loại sản phẩm thuốc lá khác.

Ngoài ra, việc tính thuế trên giá từ nhà máy bán ra vẫn tạo điều kiện thất thoát trong thu thuế khi các nhà phân phối chuyển lợi nhuận sang khâu bán lẻ, đồng thời dẫn đến việc chính sách thuế có hiệu quả chưa cao.

Tại Việt Nam, thu nhập tăng nhanh hơn nhiều so với giá sản phẩm thuốc lá. Việt Nam có lộ trình tăng thuế chậm, các mức tăng thuế cũng không đủ lớn, ví dụ như tác động của mức tăng tỷ lệ thuế từ 70% lên 75% lên một bao thuốc giá 10 nghìn là 292 đồng, lên một bao thuốc giá 20 nghìn là 583 đồng. Bên cạnh đó, số thu thuế từ thuốc lá tại Việt Nam không tăng đáng kể sau khi điều chỉnh lạm phát, tỷ lệ tổng thu thuế thuốc lá / GDP không thay đổi nhiều, giảm trong giai đoạn 2005-2008, tăng lên năm 2009-2010 sau đó lại giảm xuống, và luôn dưới 0,5%.

PV: Theo ông, trong thời gian tới, cần có những giải pháp nào để giảm cầu thuốc lá, đặc biệt liên quan đến chính sách thuế?

ThS. Đào Thế Sơn: Trước hết, cần có thay đổi về cách tính thuế, cần bổ sung thêm thuế tuyệt đối, để đảm bảo nhà máy có bán ra mức giá như thế nào đi chăng nữa thì nhà nước vẫn thu một khoản thuế cố định, vừa có tác dụng giảm tiêu dùng đảm bảo sức khỏe, vừa tạo nguồn thu ngân sách ổn định. Nhà nước có thể sử dụng khoản tiền đó để phục vụ cho các mục đích an sinh xã hội khác. Việt Nam hiện đang áp dụng loại hình thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm tồn tại nhiều hạn chế, do vậy bổ sung thuế tuyệt đối vào cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt là giải pháp phù hợp để cải tiến hệ thống thuế và phù hợp xu hướng trên thế giới.

Trong tương lai, Việt Nam cũng nên áp dụng cách tính thuế khác như tính thuế theo giá bán lẻ.

Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO hướng dẫn các biện pháp giảm cầu thuốc lá như: Giá thuốc lá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ 4% ở các nước thu nhập cao, 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với các thay đổi về giá…

z3833327172856-50596b2d8df71effa455b423f0a32bf920221115095617.jpg
Thuốc lá đang đem lại những gánh nặng rất lớn cả về sức khỏe và kinh tế cho người hút cũng như toàn xã hội

Ở nhiều nơi trên thế giới, những người có thu nhập thấp thường có nhiều khả năng sử dụng thuốc lá hơn so với những người giàu. Tăng thuế thuốc lá sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho người nghèo vì người nghèo có nhiều khả năng bỏ thuốc lá, giảm hoặc không bao giờ bắt đầu sử dụng thuốc lá khi thuế và giá tăng cao hơn so với người giàu. Điều này thúc đẩy công bằng y tế và giảm nghèo hóa. Thuế thuốc lá cao hơn cũng có tác dụng ngăn ngừa và cai nghiện thuốc lá trong giới trẻ - những người có thu nhập hạn chế và có độ nhảy cảm cao với giá cả.

Khuyến cáo của WHO là tỷ lệ thuế/giá bán lẻ là 75%. Do đó, chính sách thuế cần thể hiện vai trò chủ đạo trong giảm tiêu dùng, Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ lớn, sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại. Để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá, nên tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Tỷ lệ thuế thuốc lá nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ các loại thuốc lá.

Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới chỉ ra, chính sách thuế đóng góp từ 50-60% tác động giảm tiêu dùng thuốc lá. Tăng thuế ở mức đủ cao sẽ là biện pháp đóng vai trò quan trọng, có hiệu quả chiếm hơn 40% trong các biện pháp, chính sách về phòng chống thuốc lá. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, cũng như xây dựng các chính sách pháp lý toàn diện, lấy tiền đề cốt lõi, đặt lên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Bộ Y tế, việc tăng thuế 5.000 đồng mỗi bao có thể giảm được 1,8 triệu người hút, tránh được tử vong sớm cho 900.000 ca mỗi năm, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước lên 10.700 tỷ đồng mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế thuốc lá: Biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO