Xã hội

Tăng thuế thuốc lá - giải pháp “cùng thắng cho y tế, tài chính và phát triển”

Mai Đan 31/10/2024 - 16:21

(TN&MT) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), chính sách thuế đối với thuốc lá mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, kinh tế và phát triển. Vì vậy, tăng thuế thuốc lá được xác định là giải pháp “cùng thắng cho y tế, tài chính và phát triển”.

Các loại thuế thuốc lá

Để đánh giá tăng thuế thuốc lá giải pháp cần thiết, đúng hướng, cần hiểu rõ vai trò quan trọng của các loại thuế thuốc lá. Theo Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ, thuế thuốc lá là loại thuế gián thu gồm 3 loại thuế chính.

Đầu tiên là thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế giá trị gia tăng hoặc thuế bán hàng; thuế nhập khẩu. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế áp dụng cho một số ít các sản phẩm cần hạn chế tiêu dùng như thuốc lá, rượu, bia, xăng, đồ uống có đường...

Thứ 2 là thuế giá trị gia tăng, là loại thuế tiêu dùng được nhiều quốc gia áp dụng với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Thuế giá trị gia tăng không làm thay đổi mức giá tương đối giữa các loại hàng hóa và dịch vụ. Thứ 3 là thuế nhập khẩu - thuế áp dụng cho các loại hàng hóa nhập khẩu và được tiêu thụ tại một quốc gia. Thuế nhập khẩu được thu từ nhà nhập khẩu tại điểm hàng hóa nhập cảnh vào quốc gia này.

anh-bai-thuoc-la.jpg
Thuốc lá là sản phẩm gây hại cho sức khỏe và nằm trong nhóm sản phẩm hạn chế tiêu dùng

Trong 3 loại thuế trên, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế quan trọng nhất vì áp dụng trực tiếp vào sản phẩm thuốc lá và đóng góp nhiều nhất vào việc tăng giá thuốc lá so với các hàng hóa khác, từ đó dẫn đến giảm tiêu thụ sản phẩm này.

Có hai phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt cơ bản, trước hết là phương pháp tính thuế tuyệt đối: được tính bằng giá trị tiền trên mỗi sản phẩm thuốc lá bị đánh thuế (ví dụ: 1.000 điếu thuốc lá, một gói thuốc lá 20 điếu, mỗi kilôgam thuốc lá). Tiếp đó là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm: được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá trị sản phẩm thuốc lá bị đánh thuế (ví dụ: giá bán lẻ hoặc giá nhà sản xuất bán ra/xuất xưởng hoặc giá trị chi phí, bảo hiểm và cước vận chuyển - giá CIF)

Áp dụng chính sách thuế thuốc lá mang lại nhiều lợi ích đáng kể

Thuốc lá là sản phẩm gây hại cho sức khỏe và nằm trong nhóm sản phẩm hạn chế tiêu dùng. Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đã minh chứng là giải pháp hiệu quả giúp giảm tiêu dùng sản phẩm độc hại này. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đã đưa thuốc lá vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi xây dựng chính sách này. Tương tự, tại Việt Nam, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần đầu tiên được ban hành vào năm 1990 đã đưa thuốc lá thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật.

Theo WHO và WB, các lợi ích cơ bản của chính sách thuế thuốc lá bao gồm: Lợi ích sức khỏe lâu dài nhờ giảm tiêu dùng sản phẩm độc hại này từ đó phòng tránh bệnh tật, tử vong và giảm chi phí khám, chữa bệnh do sử dụng thuốc lá và giảm gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế; Lợi ích kinh tế thông qua thu ngân sách từ thuế; Lợi ích phát triển như hỗ trợ giảm đói nghèo và thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, tăng thuế thuốc lá được xác định là giải pháp “cùng thắng cho y tế, tài chính và phát triển”.

Cụ thể, về lợi ích sức khỏe, chính sách thuế thuốc lá làm giảm tiêu dùng thuốc lá từ đó phòng tránh bệnh tật và tử vong, giảm chi phí khám, chữa bệnh do sử dụng thuốc lá và gánh nặng cho hệ thống y tế.

Theo WHO, trong tổng thể các giải pháp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của quốc gia, chính sách thuế góp phần từ 50% - 60% hiệu quả. Tăng thuế dẫn đến tăng giá thuốc lá từ đó người tiêu dùng “phản ứng’’ bằng cách từ bỏ hoặc giảm mức độ sử dụng sản phẩm độc hại này. Khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng khoảng 4% tại các quốc gia có thu nhập cao và 5% - 8% tại các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp. Đặc biệt với nhóm trẻ tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá sẽ giảm nhiều hơn so với nhóm người trưởng thành, giảm ít nhất 10% khi giá thuốc lá tăng 10%.

Nghiên cứu của Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022 chỉ ra chi phí cho khám chữa bệnh và chi phí cho mất sức lao động do bệnh và tử vong sớm do thuốc lá gây ra ở Việt Nam là khoảng 108 nghìn tỷ đồng. Chi phí chữa bệnh do thuốc lá gây ra chiếm 8% tổng chi từ Quỹ Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội. Đây là gánh nặng kinh tế to lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, cũng như hệ thống y tế nói riêng.

tang-thue-tieu-thu-dac-biet-thuoc-la-dam-bao-hai-hoa-loi-ich-doanh-nghiep-nong-dan-nha-nuoc-20240830162110.jpg
Người dân thu hoạch cây thuốc lá

Về lợi ích kinh tế, tăng thuế thuốc lá giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo ước tính của WB, trên phạm vi toàn cầu khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng 7% nguồn thu ngân sách từ thuế thuốc lá. WHO cho hay, các quốc gia trên thế giới có thể thu thêm 141 tỷ USD từ thuế thuốc lá nếu tăng thuế với mức trung bình là 0,8 USD mỗi bao thuốc lá.

Về lợi ích phát triển, thuế thuốc lá góp phần giảm đói nghèo và thúc đẩy đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Tăng thuế thuốc lá là chính sách “vì người nghèo” bởi đây là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này. Báo cáo của WB về phúc lợi và tác động của tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, tăng thuế thuốc lá có thể làm giảm số lượng người nghèo ở Việt Nam, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.

Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và thành viên trong gia đình, đồng thời có khả năng đầu tư thêm nguồn thu thuế vào các chương trình xã hội và y tế.

Các chính sách về kiểm soát thuốc lá, trong đó “giải pháp tăng thuế” đóng vai trò quan trọng trong Chương trình nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2015 với 17 mục tiêu và được các Quốc gia thành viên đồng ý cam kết thực hiện vào năm 2030. Kiểm soát thuốc lá liên quan trực tiếp đến việc đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững về “Đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả mọi người” trong đó “Giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm” và “Tăng cường thực hiện Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá (WHO-FCTC)”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế thuốc lá - giải pháp “cùng thắng cho y tế, tài chính và phát triển”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO