Xã hội

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không thể gây "sốc" với nền kinh tế

Mai Đan (thực hiện) 20/08/2024 - 14:21

(TN&MT) - Hiện nay, có nhiều quan ngại về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như: mức tăng quá sốc gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh, lo ngại về việc làm, lo ngại về buôn lậu. Để làm rõ những quan ngại này cũng như những khuyến nghị liên quan đến tăng thuế thuốc lá, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ThS. Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế.

PV: Thưa ông, mức tăng thuế thuốc lá quá sốc gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh là một trong những quan ngại về tăng thuế thuốc lá. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

ThS. Đào Thế Sơn: Hiện nay, tình hình kinh doanh của ngành thuốc lá rất khả quan, vẫn tăng trưởng, trong khi xu thế tăng bệnh tật (và kéo theo là chi phí y tế) lại rất đáng lo ngại. Do vậy, cần cấp bách đảo ngược cả hai xu thế này.

Thay vì quan ngại về vấn đề tình hình sản xuất kinh doanh, mọi người hãy nghĩ đến lo ngại xu thế tiêu dùng. Các chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ cho thấy tình hình kinh doanh thuốc lá vẫn tăng trưởng tốt trong 10 năm vừa qua. Thuốc lá là ngành có doanh thu ít bị ảnh hưởng bởi COVID. Mặc dù chỉ số sản xuất/tiêu thụ có mức tăng chậm lại gần thời điểm các năm tăng thuế 2016, 2019, nhưng không đáng kể. Và kể từ đó đến nay đã có 6 năm không tăng thuế. Điều này càng cho thấy rất cần tăng thuế ở mức đủ lớn để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ và giảm tiêu dùng.

img_9401.jpg
ThS. Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế khuyến nghị cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam

Hơn nữa, hệ quả sức khoẻ của tiêu thụ thuốc lá tới tử vong do ung thư rất lâu dài, phải ngăn càng sớm càng tốt. Tại Mỹ, giai đoạn từ năm 1990 đến năm 1963, tiêu dùng thuốc lá tăng, số ca tử vong do ung thư tăng; từ năm 1963, tiêu dùng thuốc lá mới đi vào xu hướng giảm liên tục; và tới năm 1991, số ca tử vong mới giảm tương ứng. Nếu Việt Nam càng chậm trong trong tăng thuế, thì phải mất thêm rất nhiều năm nữa mới có thể giảm bệnh tật và tử vong.

PV: Có quan điểm cho rằng tăng thuế thuốc lá làm giảm việc làm của người lao động. Thưa ông, ông có đồng tình với quan điểm này?

ThS. Đào Thế Sơn: Lo ngại về việc làm là thiếu cơ sở và bị phóng đại. Việc làm trong ngành sản xuất có tỷ lệ rất thấp và ngày càng giảm, ngay cả khi sản lượng tăng. Tương tự, việc làm trong ngành trồng thuốc lá cũng có tỷ lệ thấp và ngày càng giảm, ngay cả khi sản lượng tăng. Đối với ngành bán lẻ, thuốc lá chỉ là một trong rất nhiều mặt hàng.

Cụ thể, việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0,39% đến 0,42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Số liệu thống kê thực tế cho thấy, ngay cả khi không tăng thuế thuốc lá thì việc làm trong ngành thuốc lá cũng tăng, giảm tùy năm, do tác động của cải tiến công nghệ. Do thuốc lá là một ngành sử dụng ít lao động hơn các ngành khác nên tăng thuế có thể giảm việc làm trong ngành thuốc lá, nhưng lại làm chuyển dịch tăng việc làm ở các ngành khác sử dụng nhiều lao động hơn, làm tăng tổng việc làm của nền kinh tế. Dù tác động tổng thể của việc tăng thuế thuốc lá là tích cực đến việc làm, nhưng Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ chuyển dịch lao động.

Ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra rất ít việc làm và số việc làm ngày càng giảm do tính chất tự động hóa và cơ giới hóa trong quy trình sản xuất. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, lao động trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá đã giảm từ 13.586 lao động năm 2010 xuống 9.355 lao động năm 2021. Trong khi đó, tổng sản lượng của ngành thuốc lá giai đoạn 2010 - 2021 hầu như không thay đổi, thậm chí có tăng. Đáng lưu ý, số lượng lao động ngành sản xuất thuốc lá giảm ngay cả trong những năm mà sản lượng sản xuất tăng.

Tương tự, đối với nông dân trồng cây thuốc lá, số liệu cũng cho thấy từ 1985 - 2018, năng suất trồng thuốc lá có xu hướng tăng trong khi diện tích trồng thuốc lá có xu hướng giảm, và ngay cả ở những giai đoạn diện tích trồng thuốc lá giảm mạnh (2016 - 2018) thì năng suất vẫn tăng. Như vậy, không có căn cứ để cho rằng tăng thuế thuốc lá làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của ngành thuốc lá.

PV: Đối với vấn đề về buôn lậu, theo ông đây có phải là lo ngại của việc tăng thuế thuốc lá?

ThS. Đào Thế Sơn: Lo ngại về buôn lậu không nên là vấn đề cản trở tăng thuế thuốc lá. Ngành công nghiệp thuốc lá thường phóng đại mức độ buôn lậu thông qua tài trợ nghiên cứu và truyền thông. Bằng chứng thực tế cho thấy không có mối liên quan giữa thuế thuốc lá cao và buôn lậu thuốc lá. Cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân tích số liệu từ 94 quốc gia năm 2018 cho thấy, không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá ở các quốc gia. Tại các quốc gia có mức giá thấp, buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thấp (như ở Ethiopia, Pakistan, Brazil có giá trung bình thuốc lá từ 0,55-1,3 USD và thị phần buôn bán thuốc lá lậu ở mức từ 33-46%).

Ngược lại, nhiều quốc gia có giá cao lại có thị phần buôn lậu thấp (như Hàn Quốc, Séc, Sri Lanka có giá trung bình thuốc lá từ 4 USD-7 USD/bao và thị phần thuốc lá lậu là từ 0,8-2,9%).

hutthuoc-172153807066138742626-84-0-1131-2000-crop-1721538122705929553254.jpg
Nhiều chuyên gia cho rằng rất cần tăng thuế thuốc lá ở mức đủ lớn để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ và giảm tiêu dùng

Rất nhiều nước đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá với mức đáng kể mà không phải chứng kiến sự gia tăng của tình trạng buôn lậu/sản xuất bất hợp pháp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các hoạt động bất hợp pháp có thể được kiểm soát bằng các quy định pháp lý (ví dụ như sử dụng tem thuế nổi bật, số seri, ký hiệu đặc biệt của bao bì, nhãn cảnh báo sức khỏe bằng tiếng địa phương…) và bằng thực thi pháp luật (như gia tăng kiểm toán các công ty, trang bị hệ thống theo dõi tốt hơn và quản lý nhà nước hiệu quả hơn).

Ví dụ tại Ý, buôn lậu thuốc lá ước tính ở mức khá cao (13%) vào năm 1992. Chính phủ đã quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá ba lần trong giai đoạn 1993-2000 để tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt lên 75,2% giá bán lẻ. Đồng thời, để kiểm soát buôn lậu, Chính phủ Ý đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm việc giới thiệu mã vạch trên bao thuốc lá để giúp phát hiện thuốc lá bất hợp pháp; thông qua luật trong đó coi buôn lậu thuốc lá giống như các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác; tăng cường kiểm soát bờ biển và giám sát bởi các cơ quan thực thi pháp luật; các cơ quan này đã được tăng cường quyền lực, tăng cường về hậu cần và hỗ trợ kỹ thuật.

Chính phủ Ý cũng tăng cường hợp tác chặt chẽ với Liên minh Châu Âu (EU) về chống buôn lậu. Tỷ lệ thuốc lá nhập lậu đã giảm xuống khoảng 3% vào năm 2000 và duy trì ở mức thấp trong những năm tiếp theo.

Theo Ngân hàng Thế giới, ngay cả khi có buôn lậu, thì tăng thuế vẫn đạt được những hiệu quả mong muốn: giảm sử dụng thuốc lá và tăng nguồn thu ngân sách từ thuế thuốc lá cho chính phủ.

Tại Việt Nam, tiêu dùng thuốc lá lậu không nhất thiết phụ thuộc vào sự tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà do nhiều lý do khác: thuế nhập khẩu, vấn đề kiểm soát buôn lậu, thị hiếu tiêu dùng,…

Theo điều tra tiêu dùng, tỷ lệ thuốc lá lậu năm 2015-2017 có xu hướng giảm đáng kể so với giai đoạn từ năm 2010-2012, từ mức 20% xuống mức 15-17%, mặc dù có tăng thuế vào năm 2016. Số liệu điều tra cũng cho thấy, giá trung bình của thuốc lá lậu cao hơn thuốc lá hợp pháp khoảng 30-60% và có đặc tính thể hiện “gu” hút hơn là vấn đề chênh lệch giá (90% thuốc lá lậu tập trung vào một số nhãn thuốc, và có đặc tính theo địa phương). Điều này cho thấy ở Việt Nam tồn tại hai phân khúc thị trường khá độc lập: nhóm sử dụng thuốc lá hợp pháp và và nhóm sử dụng thuốc lá lậu.

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN, năm 2021) cho thấy khi tăng giá, với những người không bỏ thuốc thì người tiêu dùng thuốc lá nội có xu hướng chuyển dịch trong phân khúc của mình chứ rất ít người chuyển ngược từ thuốc lá nội sang thuốc lá nhập lậu.

PV: Trước những lo ngại trên, ông có khuyến nghị gì về cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam, thưa ông?

ThS. Đào Thế Sơn: Việt Nam nên áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2026 với thành phần thuế tuyệt đối bổ sung để chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp. Bên cạnh đó, thành phần thuế tuyệt đối cần tăng hàng năm để chống xói mòn do lạm phát, và tăng trưởng thu nhập nhằm đảm bảo sức mua thuốc lá giảm.

Ngoài ra, để đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá theo chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, cần phải tăng thuế theo lộ trình khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO.

Cụ thể, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, WHO khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn (5000 đồng vào năm 2026 và tăng dần đến 15 nghìn đồng vào năm 2030) để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ nhằm góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không thể gây "sốc" với nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO