Tăng cường sự phối hợp giữa công tác dự báo và quản lý tài nguyên nước

Thúy Hằng| 08/04/2020 12:39

(TN&MT) - ​​​​​​​Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại cuộc họp trực tuyến về hiện trạng tài nguyên nước trên toàn quốc diễn ra vào sáng 8/4/2020.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến sáng 8/4.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo: Tổng Cục Khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Tài nguyên nước thấp hơn trung bình nhiều năm

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết: Tình hình dòng chảy tháng 03/2020 trên sông Đà lớn hơn trung bình nhiều năm (TBNN )13%; trên sông Thao tại Yên Bái thấp hơn TBNN 35%, trên sông Lô tại Tuyên Quang thấp hơn TBNN 82%; hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội ở mức xấp xỉ TBNN. Tổng lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-65%, riêng sông Cả tại Yên Thượng thấp hơn khoảng 75%, sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ thấp hơn 93%, sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt cao hơn khoảng 14%.

Dung tích phần lớn các hồ chứa thuỷ lợi vừa và lớn ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thiếu hụt từ 20-60% so với dung tích thiết kế. Dung tích hiện tại các hồ chứa thuỷ điện phổ biến thiếu hụt từ 20-50% so với dung tích hồ chứa, một số hồ có dung tích ở mức thấp hơn 50% như Cửa Đạt (Thanh Hóa), Trà Xom (Bình Định), KaNak (Gia Lai), Đại Ninh (Lâm Đồng)...

Hiện tại, tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ đã xảy ra tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước cho hay: Hiện tại nguồn nước của các hồ chứa trong số 5/11 lưu vực sông là sông Hồng, Kôn -Hà Thanh, Sê San và Sông Đồng Nai cơ bản còn đủ để điều tiết đến hết mùa cạn. 6/11 lưu vực sông về tổng thể còn thiếu nước gồm: Mã, Cả, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, sông Ba. Trong số đó, lưu vực sông Mã là lưu vực mà các hồ chứa đang thiếu lượng nước đáng kể (khoảng 313,7 triệu m3), trong đó hồ Cửa Đạt chỉ còn lại 19% dung tích hữu ích (thiếu khoảng 252 triệu m3), mực nước hồ Trung Sơn đang dưới mực nước chết. Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang có mức độ căng thẳng cao do tình trạng xâm nhập mặn ở sông Cầu Đỏ đang diễn biến phức tạp.

34/133 hồ chứa có yêu cầu mực nước tối thiểu của các quy trình thì có 16 hồ chứa có mực nước vẫn đang thấp hơn mực nước tối thiểu là: Cửa Đạt, Trung Sơn, Bản Vẽ, Bình Điền, Đắk Mi 4, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đắk Drinh, Nước Trong, Ka Nak, Sông Hinh, Bu ôn Tua Srah, Thác Mơ, Đăk R’Tih và Đại Ninh. Trong đó có 04 hồ mực nước còn khá thấp, cụ thể là Cửa Đạt (sông Mã): 77,9 m (thiếu 13,9m; thiếu 252 triệu m3); Trung Sơn (sông Mã): 147,5m (thiếu 6,3m, thiếu 61,53 triệu m3); Bình Điền (sông Hương): 66,5 m (thiếu 5,9m, thiếu 63 triệu m3); Ka Nak (Ba): 493,9m (thiếu 6,5m, thiếu 51,9 triệu m3).

(Nguồn: Cục Quản lý tài nguyên nước)

Theo dự báo thì từ tháng 4 đến tháng 6 ở Bắc Bộ và đến khoảng tháng 8 ở Miền Trung và Tây Nguyên thì lượng dòng chảy trên các sông suối ở Bắc Bộ sẽ vẫn tiếp tục thiếu hụt so với TBNN: Đặc biệt trên lưu vực sông Đà và sông Thao, cụ thể: Lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 20 -50%; Lưu vực sông Thao thiếu hụt từ 40-70%; Lưu vực sông Lô-Gâm-Chảy thiếu hụt từ 5 -10%, riêng hạ lưu sông Lô thiếu hụt từ 60-80%; Hạ lưu vực sông Hồng thiếu hụt từ 20 -30%. Ở  Miền Trung và Tây Nguyên nguồn nước trên các sông, suối tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với TBNN. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 15 -70% và khả năng đến tháng 6-8/2020 mới có khả năng cải thiện.

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, nguồn nước trên các sông suối khu vực khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với TBNN. Nguy cơ cao xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020. Cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn vào các cửa sông ở khu vực này sẽ diễn ra sớm hơn và xâm nhập sâu hơn.

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến sáng 8/4.

Ông Hoàng Đức Cường cho hay: Từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2020, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống và ở mức thấp, trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc.

Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 15-70%, một số sông thiếu hụt trên 70%. Trong thời gian này,nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, từ Phú Yên đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra nghiêm trọng hơn ở những nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi.

“Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2020, dòng chảy trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng được cải thiện, các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận tiếp tục ở mức thấp. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 30-80%, một số sông thiếu hụt trên 80%.” – ông Hoàng Đức Cường nói.

Xâm nhập mặn vẫn diễn biến phức tạp

Báo cáo về hiện trạng xâm nhập mặn trong tháng 3/2020, ông Hoàng Đức Cường cho biết: Ở Miền Trung, trên các sông Sa Lung, sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị), sông Túy Loan (thành phố Đà Nẵng) ranh mặn 4g/l đã xâm nhập sâu từ 17-35km; độ mặn lớn nhất đo được tại nhà máy nước Cầu Đỏ (thành phố Đà Nẵng) là 5,863g/l (lúc 12h30/10/3), vượt đỉnh mặn năm 2019 là 0,754 g/l.

Tại tỉnh Quảng Nam, trên sông Bà Rén ranh mặn 11,8 g/l đã xâm nhập sâu khoảng 8,79km; trên sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ ranh mặn 1g/l đã xâm nhập sâu khoảng 19-21km.

Khu vực sông Vàm Cỏ: Ranh mặn 4g/l đã xâm nhập sâu từ 85-105km, thấp hơn 5-15km so với mức sâu nhất năm 2016

Còn tại khu vực các cửa sông Cửu Long: Trên sông Cửa Tiểu, cửa Đại, sông Hàm Luông: Ranh mặn 4 g/l đã xâm nhập 52-80 km, sâu hơn so với mức sâu nhất năm 2016 khoảng 2-7km. Trên sông Cổ Chiên, sông Hậu: Ranh mặn 4 g/l xâm nhập sâu 45-51km, thấp hơn mức sâu nhất năm 2016 khoảng 7-15km.

Khu vực ven biển Tây, trên sông Cái Lớn: Ranh mặn 4 g/l xâm nhập khoảng 55-58km, thấp hơn mức sâu nhất năm 2016 khoảng 4-7km.

Trong thời gian tới, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Các địa phương ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên cần chủ động ứng phó với tính trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Riêng tại cửa sông Cửu Long, xu thế xâm nhập mặn giảm dần, tuy nhiên do dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL không được cải thiện nên độ mặn vẫn ở mức cao, tình hình nắng nóng, hạn hán tiếp tục diễn ra. Trên các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn xâm nhập mặn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó giảm dần.

Chuẩn bị các phương án đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Báo cáo về công tác cấp nước sinh hoạt, ông Châu Trần Vĩnh cho biết: Thống kê từ các tỉnh đến hết tháng 3/2020, cả nước hiện có 44/55 tỉnh có xã thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; 11/55 tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Có khoảng 1.059 xã đang trong tình trạng thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới (chiếm 10% tổng số xã trên cả nước).

Nguyên nhân chủ yếu là không có công trình lấy nước tập trung (các xã ở vùng núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên); nguồn nước bị nhiễm mặn tại các tỉnh ven biển và tình hình xâm nhập mặn trên diện rộng tại ĐBSCL.

Hiện có 4 nhà máy nước (NMN) Sông Đà, NMN Cầu Đỏ, NMN Võ Cạnh (Khánh Hòa) và Nhà máy nước mặt Tân Hiệp (Sông Sài Gòn) tuy còn một số khó khăn nhưng vẫn đảm bảo cấp nước sinh hoạt.

Tại cuộc họp, ông Tống Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã triển khai Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước nhằm điều tra, tìm kiếm xác định trữ lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất tại các vùng có nhu cầu cấp bách nhất về nguồn nước tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Theo thống kê Chương trình thực hiện đã đáp ứng khoảng 25% nhu cầu nước sinh hoạt của người dân tại các vùng. Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục bàn giao và đưa vào sử dụng các công trình tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL.

Để đảm bảo nguồn cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, ông Tống Ngọc Thanh đề xuất giải pháp trong ngắn hạn, đó là: cần khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng, bàn giao các hệ thống khai dẫn để cung cấp nguồn nước phục vụ dân sinh ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên cơ sở kết quả điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất đã thực hiện thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”;

Triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ các nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở kết quả thực hiện Giai đoạn I của Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”;  xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án nhằm đối phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (khởi động lại Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu  khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long”);

Nghiên cứu một số giải pháp điều tiết, tích trữ nguồn nước vào mùa khô ở các khu vực thường xuyên hạn hán, thiếu nước; Xây dựng đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên nước các lưu vực sông chính trên toàn quốc.

Trong dài hạn, theo ông Tống Ngọc Thanh cần nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài nguyên nước, chia sẻ nguồn nước; Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo; Tăng cường quản lý toàn diện về tài nguyên nước; Đẩy mạnh xã hội hóa và kinh tế hóa ngành tài nguyên nước; Thực hiện định kỳ việc kiểm kê tài nguyên nước, kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các đơn vị trong việc dự báo, chủ động đề xuất các giải pháp tài nguyên nước và triển khai kịp thời các trạm cấp nước ngọt miễn phí giúp người dân ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Nhờ vậy thiệt hại đợt hạn, mặn năm 2020 đã giảm 50% so với đợt hạn, mặn năm 2016.

Tuy nhiên, để công tác quản lý tài nguyên nước được tốt hơn, và giải quyết tiếp những vùng thiếu nước và nguy cơ thiếu nước, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết các tình huống, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân đặc biệt là khu vực vùng cao, vùng khan hiếm nước.

Cụ thể, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước trao đổi kỹ hơn với Tổng cục Khí tượng Thủy văn về mức độ cảnh báo hạn hán, thiếu nước miền Trung Tây Nguyên từ 3 – 6 tháng tới. Nếu thấy tình hình thực sự căng thẳng cần cảnh báo mạnh mẽ hơn. Ngược lại, cần có phương án khác tập trung sang mùa lũ 2020.

Với tình hình tài nguyên nước hiện nay, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục trao đổi với Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia để đề xuất giải pháp đảm bảo có đủ nguồn nước an toàn, hiệu quả phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sự phối hợp giữa công tác dự báo và quản lý tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO