Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

21/11/2018 23:40

(TN&MT) - Trong 3 ngày từ 20 -22/11, tại TP. Đồng  Hới (Quảng Bình), Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức hội nghị công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ toàn quốc năm 2018. Hơn 200 đại biểu đại diện cho 113 đơn vị quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn cả nước tham dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Vụ quản lý rừng đặc dụng (RĐD), phòng hộ, năm 2018, các cơ quan chức năng trong cả nước đã phát hiện và xử lý 1.075 vụ vi phạm; 29 vụ cháy rừng, thiệt hại tới 31ha, tăng 1 vụ so với năm 2017; có 10 vụ chống người thi hành công vụ, giảm 66% so với năm 2017. Rừng phòng hộ xảy ra 288 vụ vi phạm; cháy rừng 21 vụ, diện tích thiệt hại gần 29ha.

Trong tổng số 164 khu RĐD, có 61 khu có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái. 10 tháng năm 2018, các khu RĐD đã đón tiếp trên 1,5 triệu lượt khách; ước cả năm đạt hơn 1,86 triệu lượt khách, tăng 18,7%; doanh thu dự kiến là 175 tỷ đồng, tăng khoảng 28% so với năm 2017.

Một số VQG đạt tỷ lệ thu hút du khách tham quan cao, như: VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, Ba Vì, Cúc Phương; riêng số lượng khách đến VQG Phong Nha-Kẻ Bàng chiếm tới 30% tổng số du khách đến các VQG, khu dự trữ thiên nhiên trong cả nước.

Năm 2018, có 74 Ban quản lý RĐD được chi trả dịch vụ môi trường rừng, chiếm 45% tổng số Ban quản lý rừng với tổng diện tích rừng nằm trong lưu vực là 1,148 triệu ha (chiếm khoảng 48% về diện tích RĐD), kinh phí chi trả là 336 tỷ đồng; 154 Ban quản lý rừng phòng hộ được chi trả dịch vụ môi trường rừng, chiếm 59% tổng số Ban quản lý rừng với tổng diện tích rừng nằm trong lưu vực là 1,75 triệu ha, (chiếm khoảng 62% về diện tích rừng phòng hộ do các tổ chức quản lý rừng phòng hộ quản lý), kinh phí chi trả là 920 tỷ đồng.

Các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên đã hỗ trợ cho 1.101 lượt thôn/bản thuộc vùng đệm chủ yếu từ ngân sách nhà nước với tổng kinh phí là 43,8 tỷ đồng. Các hạng mục hỗ trợ chủ yếu là xây dựng hạ tầng, như: đường giao thông, nhà cộng đồng, hệ thống nước sạch, cây trồng, vật nuôi...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chính sách quản lý nhà nước và những nội dung cơ bản trong Luật Lâm nghiệp. Một số vấn đề về hoạt động du lịch sinh thái, cơ chế tự chủ tài chính trong rừng đặc dụng, phòng hộ với sự tham gia của người dân địa phương; Trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về giám sát đa dạng sinh học rừng, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để hỗ trợ việc ban hành các chính sách trong tương lai và thiết lập mối liên hệ giữa hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng trong quản lý và thực hiện các hoạt động có hiệu quả.

Ông Cao Chí Công- Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN &PTNT) cho biết, năm 2019, Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai Luật Lâm nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật khi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống  RĐD, phòng hộ; hoạt động nghiên cứu khoa học; thu hút du khách trong RĐD, phòng hộ; hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên.

Theo chương trình của hội nghị, các đại biểu sẽ đi thực tế tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái rừng giữa các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu rừng phòng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO