Tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức từ Thỏa thuận Paris về BĐKH để phát triển nhanh, bền vững đất nước

25/01/2016 00:00

(TN&MT) - Nhân dịp Đại hội XII của Đảng đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng trích giới thiệu bài đăng ký tham...

 

(TN&MT) - Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu - Đó là một trong những mục tiêu trong nhóm mục tiêu tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2021 mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Nhân dịp Đại hội XII của Đảng đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng trích giới thiệu bài đăng ký tham luận tại Đại hội XII của đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Đảng bộ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với chủ đề: “Tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức từ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu để phát triển nhanh và bền vững đất nước”.  

Tiến sỹ Trần Hồng Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Đảng bộ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tiến sỹ Trần Hồng Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Đảng bộ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

…Trước tiên, thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT, tôi bày tỏ nhất trí cao đối với Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình bày tại Đại hội. Báo cáo đã thể hiện sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng và sự thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 5 năm tới. Những thành tựu nổi bật về giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, hội nhập quốc tế sâu rộng chính là tiền đề quan trọng để đất nước tiếp tục vững bước đi về phía tương lai.

Trong quá trình phát triển, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa tới sự tồn vong của toàn nhân loại.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển trong năm 2015 đã vượt qua ngưỡng 400 phần triệu thể tích. Trong khi đó giới hạn an toàn của chỉ số này là 350 phần triệu thể tích. Nhà kinh tế học người Anh Nicholar Stern từng cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ làm cho GDP toàn cầu thiệt hại 5-10% khi nhiệt độ tăng 5-6oC vào cuối thế kỷ này. Các nước nghèo, các nước đang phát triển sẽ phải chịu tổn thất lớn hơn 10% GDP rất nhiều. Biến đổi khí hậu sẽ trở thành thảm họa đe dọa tới sự tồn tại, phát triển của nhân loại trên trái đất nếu ngay từ bây giờ không có các giải pháp ứng phó hiệu quả.

Trong báo cáo tham luận này, tôi với tư cách của một người công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã trực tiếp được tham gia vào quá trình đàm phán tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) để cùng đạt được Thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015, sẽ trình bày nội dung: Tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức từ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

 Sau hơn 20 năm đàm phán kể từ khi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 1992, ngày 12 tháng 12 năm 2015, lần đầu tiên tại Paris, 200 quốc gia đã đồng thuận để đạt được một Thỏa thuận lịch sử, vĩnh cửu ràng buộc về pháp lý cho tất cả các nước về biến đổi khí hậu. Đây được coi là cuộc cách mạng đẹp nhất mà Paris từng chứng kiến nhằm cứu Trái Đất, ngôi nhà chung của các thế hệ hôm nay và mai sau. Từ đây sẽ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu. Đó là kỷ nguyên phát triển phát thải các bon thấp với các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường; hạn chế, tiến tới xóa bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Chúng ta sẽ đề cao sự tham gia tích cực của các thành phần trong xã hội, từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, công nghệ, giáo dục, doanh nghiệp, các nhà hoạt động văn hoá, cả xã hội và cộng đồng.

Mặc dù sẽ chỉ bắt đầu có hiệu lực từ sau năm 2020, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng ngay từ bây giờ Thỏa thuận Paris đã và đang mở ra những cơ hội to lớn. Vậy đâu là những cơ hội mà các quốc gia có thể tận dụng từ Thỏa thuận này?

Một là, ngay từ bây giờ, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gắn với xây dựng văn hóa các-bon thấp, hài hoà với môi trường; góp phần giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu, khu vực và quốc gia là hệ quả của những căng thẳng, thậm chí là xung đột do biến đổi khí hậu gây ra.

Hai là, các quốc gia trên thế giới có cơ sở pháp lý toàn cầu để xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới mô hình phát triển các-bon thấp trên phạm vi toàn cầu, cũng như tăng cường liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia để đạt được kỳ vọng cao là giữ mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới mục tiêu giới hạn mức tăng ở 1,5oC.

Ba là,những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới ngày nay hoàn toàn cho phép loài người phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm dần, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng năng lượng hóa thạch.

Bốn là, Thỏa thuận Paris đã tạo ra những định chế mới cho phép đa dạng hóa nguồn lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nước phát triển cam kết mạnh mẽ sẽ tài trợ 100 tỷ đô la Mỹ/năm bắt đầu từ năm 2020 cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm là, Các cộng đồng trên toàn thế giới được tạo điều kiện tối đa để tham gia trực tiếp vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, chung tay bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta.   

Sáu là, chúng ta có khả năng to lớn tăng cường sức chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tạo cơ chế để các bên đề xuất kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các yêu cầu về nguồn lực để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với Việt Nam, đây là thời điểm để chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng nhằm đạt được sự phát triển nhanh và bền vững. Chúng ta có cơ hội để tranh thủ nguồn lực (cả nội lực và ngoại lực) để hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp.

 Như vậy, với Thỏa thuận Paris 2015, nhân loại đứng trước nhiều cơ hội để bảo vệ sự bình yên của trái đất. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội to lớn đã được mở ra, chúng ta cũng cần nhận rõ những thách thức không nhỏ cho quá trình kiến tạo sự bền vững toàn cầu. Có thể kể ra những thách thức chính sau đây:

Thứ nhất, khó có thể thay đổi ngay nhận thức, thói quen với mô hình phát triển dựa vào năng lượng các-bon đen, giá thành phù hợp đã ăn sâu, bám rễ trong một thời gian dài để chuyển sang phát triển dựa vào năng lượng sạch, chi phí và giá thành cao hơn trong khi nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, tài chính còn khó khăn, thiếu hụt, chưa đáp ứng ngay được nhu cầu thực tế để triển khai thực hiện Thỏa thuận.

Thứ hai, chưa có cơ chế ràng buộc pháp lý đối với cam kết về đóng góp tài chính, do đó chưa có gì đảm bảo thực hiện thành công cam kết huy động mỗi năm 100 tỷ USD kể từ năm 2020 trở đi cho các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ xanh miễn phí hoặc chi phí thấp cho các nước đang phát triển.

 Thứ ba, sẽ hình thành những rào cản trên thị trường quốc tế do những quy định và yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn các-bon trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với các loại sản phẩm, dịch vụ sử dụng nhiều tài nguyên, phát thải các-bon lớn.

 Thứ tư, không dễ dàng thỏa mãn yêu cầu phải đổi mới rất cơ bản về thể chế, chính sách cho phù hợp với những quy định quốc tế, đặc biệt là các cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự minh bạch trong các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Thứ năm, biến đổi khí hậu sẽ vẫn diễn ra phức tạp, khó lường do những cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thực hiện Thoả thuận chưa đủ để đảm bảo mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới mức 2oC.

 Với Việt Nam, trong tương lai gần, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Vì vậy, một mặt chúng ta sẽ cần nhiều nguồn lực hơn cho thích ứng và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, trong khi vẫn phải nỗ lực đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, phải tăng cường đầu tư vào cải tiến, đổi mới công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, thực hiện nghĩa vụ của một nước tham gia Thoả thuận, Việt Nam phải thay đổi cách thức tiến hành kiểm kê khí nhà kính cũng như chế độ báo cáo, chuyển từ những mục tiêu tương đối sang các mục tiêu định lượng rõ ràng với tiêu chuẩn cao hơn. Điều đó cũng sẽ kéo theo nhu cầu lớn về nguồn lực. Đây là thách thức rất lớn đối với nước ta.

Thỏa thuận Paris đang tạo ra bước ngoặt lớn về ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu cũng như ở cấp quốc gia trong thời gian tới. Để chúng ta có thể tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vừa từng bước đưa phát triển kinh tế theo hướng bền vững, chúng tôi trình bày một số giải pháp cơ bản sau để Đại hội xem xét:

- Một là, Nghị quyết Đại hội XII cần chỉ ra được những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, bao gồm cả những cơ hội và thách thức do ứng phó với biến đổi khí hậu khi thực hiện Thoả thuận Paris. Trong đó, cần coi chuyển đổi mô hình tăng trưởng các-bon thấp, chống chịu cao là một trong những giải pháp tất yếu để phát triển đất nước nhanh hơn, tốt hơn, tránh được bẫy thu nhập trung bình khi tài nguyên thiên nhiên, nhất là than đá, dầu mỏ còn lại không nhiều và không khuyến khích sử dụng.

Đồng thời, cần nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng hình thành mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đồng thời hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản.

- Hai là, chủ động rà soát các cơ chế, chính sách trên cơ sở các nội dung của Thỏa thuận, từ đó sửa đổi bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với những quy định mới hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai.

Trước mắt, cần sớm nghiên cứu những nội dung của Thỏa thuận, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp theo quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; lồng ghép vào quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành và địa phương ngay từ giai đoạn 2016-2020 để chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn sau năm 2020.

Về lâu dài, cần chủ động luật hóa những quy định mang tính ràng buộc của Thỏa thuận vào chính sách, pháp luật của Việt Nam, tiến tới xây dựng Luật biến đổi khí hậu.

Cần sớm ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; có lộ trình phù hợp nhằm tiến tới xóa bỏ các cơ chế, chính sách hỗ trợ giá đối với nhiên liệu hóa thạch kể từ sau năm 2020; thực hiện bù giá đối với các dự án phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế chất thải, sản xuất điện từ chất thải.

- Ba là, tăng cường việc tuân thủ, thực thi các quy định của quốc tế và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống các chỉ tiêu và công cụ phục vụ việc đánh giá, giám sát; xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo thống nhất về các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, việc huy động và sử dụng nguồn hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội, người dân nhằm đảm bảo tính minh bạch trong triển khai thực hiện.

- Bốn là, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát thải các-bon thấp, thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sớm hình thành và phát triển một số chuyên ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn như vật liệu thông minh với biến đổi khí hậu, chuyển hóa năng lượng, năng lượng tái tạo.

- Năm là, phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Sớm hoàn thành nghiên cứu, thử nghiệm việc phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu để đa dạng hoá nguồn lực để đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và đóng góp tự nguyện về tài chính với cộng đồng quốc tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học, công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu từ các nước phát triển cho các chương trình, dự án ưu tiên trên các vùng, miền của Việt Nam.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương lớn, chính sách quan trọng liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, nổi bật là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đó là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng vào việc tận dụng thành công các cơ hội và chuyển hóa được những thách thức do Thoả thuận Paris 2015 mang lại, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

 Ngay từ bây giờ, Bộ TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để trình phê duyệt Thỏa thuận; xây dựng lộ trình thực hiện Thoả thuận, trong đó ưu tiên xây dựng sớm kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với hướng dẫn chung của Liên hợp quốc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chiến lược, chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu như Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu…

 Bộ TN&MT tin tưởng với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới, góp phần cùng nhân loại bảo vệ Trái Đất phồn vinh, thịnh vượng muôn đời….

Tiến sỹ Trần Hồng Hà, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI,

Bí thư Đảng bộ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức từ Thỏa thuận Paris về BĐKH để phát triển nhanh, bền vững đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO