Hàng loạt các thông tin trên được đăng tải những ngày qua là kết quả chấn chỉnh vị trí, vai trò, chức năng, tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí; qua đó, vấn đề tâm, tầm và tài của người cầm bút cũng đang được dư luận quan tâm.
Nhà báo nói riêng, người cầm bút nói chung chính là “linh hồn” của một tờ báo. Đúng - sai, hay - dở phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quyết định là con người. Cũng như nghề y, nhiều người có lý khi cho rằng, một thầy thuốc mà tay nghề non kém hay thiếu y đức thì có thể giết chết một người bệnh. Còn một giáo viên yếu về trình độ, năng lực, hạn chế về phẩm chất có thể “làm hỏng” cả một tập thể học sinh.
Đối với nhà báo, tuy tính chất lao động, công việc không giống như thầy thuốc và nhà giáo, song tiếng nói của họ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông có tác động sâu sắc đến cách nhìn, nếp nghĩ, lối sống của con người và dư luận xã hội. Tác động và ảnh hưởng của báo chí có lúc không trực diện, dễ nhìn, dễ thấy, mà mức độ lan tỏa, thẩm thấu diễn ra theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Tuy nhiên, cũng có thời điểm, tác động của báo chí đến đời sống xã hội rất nhanh chóng và cuốn hút, mang lại niềm hưng phấn mạnh mẽ cho con người. Một chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của cơ quan công quyền được báo chí phản ánh, tuyên truyền sôi nổi, sâu rộng sẽ tạo nên sự nhất trí, ủng hộ của đông đảo công chúng. Một tấm gương sáng được báo chí thông tin kịp thời sẽ có tác dụng cổ vũ, động viên mọi người học tập, noi theo. Một quyết sách ra đời chưa sát thực tế, khi báo chí lên tiếng, phân tích, đóng góp và đề xuất kiến nghị sẽ tạo ra dư luận xã hội để nhà chức trách có thể điều chỉnh, uốn nắn hợp lý hơn.
Báo chí có thể nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội, nhưng đôi khi, cũng có những bài báo - với động cơ không trong sáng - có thể “giết chết” một doanh nghiệp hay con người. Hậu quả mà những nhà báo như thế mang đến cho xã hội là làm biến dạng, méo mó bản chất sự kiện, sự việc, vấn đề, gây nhũng nhiễu thông tin, làm phân tâm tư tưởng, tâm trạng trong các tầng lớp dân cư và nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến những phức tạp rối ren trong dư luận xã hội.
Có thể nói, sức mạnh báo chí bắt nguồn vừa sâu xa, vừa trực tiếp từ cái tâm - cái tầm - cái tài của người cầm bút. Ngày xưa, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Sinh thời, nhà thơ Sóng Hồng cũng tâm sự: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”. Dù nói gần, nói xa hay nói bóng bẩy thì các bậc tiền nhân cũng muốn nói lên sức tác động to lớn và sâu sắc của người cầm bút đối với sự ổn định và phát triển của xã hội. Vai trò càng cao, trách nhiệm càng nặng nề, do đó, để xứng đáng với vai trò của một “thư ký trung thành của xã hội”, mỗi nhà báo cách mạng phải là những chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà”, không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tư cách nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ thông tin chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, trong môi trường ngày nay, báo chí càng cần giữ sạch “ngôi nhà” cũng như ngòi bút của mình. Để làm được điều đó, mỗi cơ quan báo chí và cá nhân người cầm bút cần phải nhận thức đúng đắn mình là ai, công việc của mình là gì, sứ mệnh của mình ra sao… để tránh sa đà lạc lối. Dùng chữ “tài” để khẳng định bản thân, dùng chữ “tầm” để định hướng dư luận, nhưng phải dùng chữ “tâm” để giữ mình. Ba chữ ấy, thời nào cũng phải cùng đồng hành trên mỗi bước đi của người làm báo.