Xã hội

Những tiếng rao chỉ còn trong ký ức

Đình Du 21/06/2024 - 10:55

(TN&MT) - Hơn 10 năm trước, chỉ cần ra các góc phố ở TP.HCM là dễ dàng mua được tờ báo in, nhưng những hình ảnh nhộn nhịp ở các sạp báo ấy giờ chỉ là hoài niệm. Sự phát triển báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số gần như xóa bỏ hoàn toàn thói quen mua báo giấy mỗi ngày.

Một thuở vàng son

Thời nào cũng vậy, báo chí luôn là thức ăn tinh thần hằng ngày của người dân. Báo chí không phải là đặc sản dành riêng cho trí thức, chỉ trừ những tờ tạp chí chuyên ngành. Ngày trước, nhiều người đến TP.HCM đều ngạc nhiên bắt gặp hình ảnh những ông già đạp xích lô ngả lưng buổi trưa hay trong lúc chờ khách đều lấy tờ báo ra đọc một cách chăm chú.

z5539025106395_30475bb55a8a47fc172b166cc8f1f10f.jpg

Những người ngồi quán cóc vỉa hè buổi sáng với tờ báo trên tay là hình ảnh quen thuộc khi có du khách muốn tìm hiểu hình ảnh của thành phố này lúc vừa hửng sáng. Người đọc đến mua báo không chỉ là mua báo mà còn có thể bàn luận chuyện thời sự giá xăng, giá điện, giá vàng đến chuyện chiến tranh Trung Đông, chuyện bầu cử ở Mỹ... hết sức sức rôm rả.

Trước năm 1975, những sạp báo chỉ là cái thùng được gia cố bằng một khung thân sắt có mái che, chừng 1 - 2m2, đủ để che nắng, che mưa. Các tờ báo hằng ngày được bày trên mặt thùng, nếu báo còn dư thì khi “đóng cửa”, sẽ được cất vào thùng có khóa ngoài. Một thời gian sau những sạp báo loại này biến mất vì báo chí lúc ấy được phát hành qua bưu điện, cũng một phần là do báo chí thời kỳ đầu còn bao cấp, làm báo theo lối cũ, chưa đổi mới nội dung.

Những năm 1995, báo chí đổi mới, trên lề đường, ngã tư hè phố TP.HCM bắt đầu xuất hiện những sạp bán báo theo kiểu “dã chiến”. Những sạp báo này đôi khi là cái bàn nhỏ, đôi khi chỉ là cái ghế đựng một chồng báo đang ăn khách. Có người thì cho báo dựa vào tường, họ còn cầm báo đứng ngoài lề đường rao vẫy khách. Những sạp báo này bày biện rất đơn giản, người bán báo hằng ngày phải đối mặt với các chiến dịch dọn lòng lề đường của cơ quan chức năng.

“Nghề bán báo của gia đình tôi nói riêng và cả đất Sài Gòn này nói chung gần như sắp… “tuyệt chủng” - ông Tô Văn Thu, 73 tuổi, có thâm niên bán báo gần 35 năm tại góc đường Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo, phường phường 14, quận 3, TPH.CM ngậm ngùi kể.

Chỉ còn là kí ức

Hớp vội cốc trà đá dưới cái nóng như lửa hắt vào mặt, ông Thu kể về cái nghề mua bán “giấy in con chữ”… cho thiên hạ. Vợ chồng ông bước vào nghề bán báo từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngày ấy tuyến đường Lý Chính Thắng còn gọi là đường… “báo chí”, bởi có đến hơn 20 sạp báo và ở rất gần tòa soạn báo Tuổi Trẻ, báo Phụ Nữ TP.HCM và Nhà xuất bản trẻ.

z5539023530645_d05a454485bba88ca65bedac1fabcbcc.jpg
Tìm “đỏ mắt” mới bắt gặp được sạp bán báo trên đường phố.

Ngày ấy, từ 6 giờ sáng là nườm nượp người mua báo cùng rất nhiều phóng viên ngồi uống cà phê cóc “tám chuyện” thời sự bên lề đường. Khách sớm chủ yếu là các ông, các bà hưu trí đi tập thể dục về, mua báo để đọc tin tức nóng hổi. Mà TP.HCM đâu chỉ có con đường “báo chí” này. Ở cái thời vàng son của báo giấy, có hàng trăm con đường như thế: Đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ (quận 3), 3 Tháng 2 (quận 10). Các tờ báo từng “làm mưa làm gió” trên các sạp báo gây ấn tượng trong lòng bạn đọc ngày đó như: Tuổi Trẻ, Công an TP.HCM, Thanh Niên, An Ninh Thế Giới... với “tia ra” mỗi kỳ lên đến cả trăm ngàn bản.

Bà Nga (70 tuổi) vợ ông Thu tiếp lời: “Với số lượng khủng như thế, cùng tiền chiết khấu 15% - 17% tùy tờ báo, sạp chúng tôi hồi đó sống khỏe lắm. Đó là chưa kể các bản tin nhanh thể thao hàng ngày theo từng mùa World Cup, Euro, SeaGames, Tiger Cup... bán cả chục ngàn tờ, ngày nào cũng “rủng rỉnh” mỗi khi chiều về”. Càng vui hơn khi từ tờ mờ sáng, hàng trăm “đồng nghiệp” của ông bà lúc đó lại gặp nhau tại các đại lý phát hành để lấy báo, cùng chia sẻ những kinh nghiệm, những tai nạn “trong nghề”.

Theo bà Nga, “tai nạn” lớn nhất trong “nghề” bán báo là các chiến dịch dẹp lòng lề đường những năm 1995 trở đi, có khi một tháng bị “hốt” 5 - 7 lần. Nói cái sạp là cho nó... sang, chứ thật sự chỉ là mấy thanh gỗ cùng dây kẽm “xí” được bên kia đường, chằng buộc gá vô bờ tường, đủ bày hơn chục tờ báo trên mặt sạp, còn lại là kẹp, treo trên các sợi dây kẽm, dây ni lông buộc ở bờ tường. Bao nhiêu mùa mưa nắng, bao nhiêu dòng người dòng xe qua, sạp báo mặc nhiên “đứng” đó như thể đã đăng ký “chủ quyền”.

Ngày trước, Công ty Trường Phát là một trong những đơn vị phát hành lớn tại TP.HCM. Trước đây, các tỉnh phía Nam có khoảng 3.000 sạp nay chỉ còn 200 sạp. Riêng TP.HCM từ 1.200 sạp giờ chỉ còn khoảng 100 ở tất cả các quận, huyện. Rộn rã và ầm ĩ nhất là những đứa trẻ bán báo dạo với những tờ báo mới ra lò “vừa thổi vừa coi” trên đường phố. Đây là kênh phân phối “di động, nhanh chóng, kịp thời” đưa báo đến tay người đọc tận hang cùng ngõ hẻm. Những người bán báo dạo trước đây hoạt động nhộn nhịp ở các bến xe, bến tàu nhưng giờ đây cũng không còn.

Bán vì… nhớ nghề

Ngồi trông cửa hàng sách cũ nhỏ tại góc Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1), ông Lê Huỳnh Trí (75 tuổi), chủ cửa hàng bồi hồi nhớ lại cái thời vàng son của nghề bán báo gần 40 năm của mình, rồi chép miệng: “Nghề bán báo ở TP.HCM và cả nước gần như “chết” hẳn rồi. Cái thời gì mà cả thiên hạ, già trẻ lớn bé đều có điện thoại thông minh trên tay, tin tức, hình ảnh, tất tần tật cả thế giới được cập nhật từng giây thì thử hỏi ai còn cần chờ đợi cả ngày để sáng sớm lọ mọ đi mua tờ báo làm gì?”.

Cũng theo ông Trí, cuộc sống bây giờ vốn hối hả, nhịp sống đô thị cuốn con người đi như cơn lốc, mấy ai, nhất là giới trẻ lại chịu bỏ tiền, bỏ thì giờ đi đọc một tờ báo. Trong khi chỉ cần ngồi “quẹt” mạng chừng mươi phút là biết tin tức thời sự của cả Việt Nam và thế giới.

Tại góc đường Cách Mạng Tháng Tám gần vòng xoay Dân Chủ (quận 3), chúng tôi gặp sạp báo của ông Lương Văn Thảo (62 tuổi). Ông Thảo cho biết đã bán báo ở đây hơn 20 năm và thấy sự đi xuống rõ rệt của báo giấy. Lượng báo bán ra ngày mỗi giảm. Ngồi trò chuyện cả tiếng đồng hồ với ông nhưng không thấy có khách nào ghé mua báo. Ông Thảo cho biết, từ sáng sớm bán được khoảng 20 tờ báo các loại, trong đó báo Bóng đá bán được 5 tờ, Tuổi trẻ 10 tờ, Thanh niên 5 tờ. Bên cạnh sạp báo, ông còn đặt thêm thùng kẹo, thuốc để bán phụ thêm.

“Bán kiếm chác mấy đồng qua ngày chứ giờ không biết làm gì. Một tờ báo bán kiếm lời từ 200 - 500 đồng, lượng báo bán ra sụt giảm khiến đời sống rất khó khăn, nhiều người họ nghỉ chuyển nghề khác. Vừa bán mà vừa nơm nớp lo sợ các đội trật tự đến dẹp vỉa hè”, ông Thảo nói.

Còn ông Thu, bà Nga thì tâm niệm, nghề bán báo giống như cái “nghiệp” nó đeo vào người, dù mưa hay nắng, mặc cho cái bệnh cột sống hành hạ nhưng hằng ngày vẫn ra góc đường ngồi cho nó... vui.

Ông Thu nói: “Tui bịnh nhiều năm nay rồi, cũng đã uống cả trăm thang thuốc nhưng bịnh không thuyên giảm. Vậy mà từ 4 giờ sáng tui đã lọ mọ đi lấy báo, về ngồi bán cho đến 5 giờ chiều. Nó quen, nó nhớ quá cái nghề ngồi nhìn thiên hạ qua lại. Rồi lâu lâu có bạn đọc nào rảnh ghé qua mua báo, ngồi lại nói chuyện dăm mười phút là tui như quên đi cái cực, cái bịnh của mình. Giờ đây chỉ mong hằng ngày có người qua lại, bình phẩm hay “tám chuyện” thế thái nhân tình là mình đủ “tàng tàng” sống với cái nghề bán báo đang dần lụi tàn trong kỷ nguyên công nghệ số”.

Quả thật, khi công nghệ đi vào đời sống, thói quen đọc báo của người dân cũng dần thay đổi. Báo giấy từng là nguồn thông tin chính cho độc giả trong nhiều thập kỷ, nhưng bây giờ không còn là ưu tiên số một. Bởi thế, những tiếng rao của người bán báo dạo giờ chỉ là kí ức, nhòa vào nhịp phát triển hối hả của công nghệ, đâu đó lác đác vài sạp báo như của vợ chồng ông Thu, ông Thảo… còn sót lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tiếng rao chỉ còn trong ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO