(TN&MT) - Sáng 8/2 (tức 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức trọng thể nghi lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu) tại Đại nội Huế.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng và là sinh hoạt có tính điểm nhấn, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp đến.
Nêu là một cây tre già dài khoảng 15m, do 10 lính vệ vác, cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình đảm trách, được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua phía sau điện Thái Hòa, tiến về Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài tiểu nhạc.
Tại Thế Miếu, hương án với các lễ phẩm cùng đoàn bồi tự và đội đại nhạc đã sẵn sàng. Nghi thức dựng nêu gồm lễ bái, nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh trang nghiêm của đại nhạc. Tiếp đó, 10 lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên, báo hiệu ngày Tết đã đến trong hoàng cung.
Ở các triều đại quân chủ tại Việt Nam, tục dựng nêu đã được đưa vào Hoàng cung và được sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản đúng vào ngày đưa ông Táo như đánh dấu mốc cho việc tạm ngừng các công việc trong năm để đón Tết.
Về tâm linh, dân gian tin rằng cây nêu có tác dụng xua đuổi, trừ yểm ma quỷ, những điều xấu của năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới an lành...
Ngay sau khi tổ chức tại Thế Miếu, lễ dựng nêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An với các nghi tiết tương tự. Ngoài ra, lễ dựng nêu cũng tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể Di tích Cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản, thường từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết.
Lễ hạ nêu sẽ được tiến hành vào mùng 7 Tết.
Một số hình ảnh của lễ dựng nêu tại Đại nội Huế vào sáng 8/2 (23 tháng Chạp) được PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường ghi lại: