Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là tập đoàn kinh tế nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó: Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - bộ máy điều hành, 8 ban quản lý dự án, 4 chi nhánh, 2 văn phòng đại diện, 1 trung tâm ứng cứu sự cố tràn dầu khu vực phía Nam); 16 công ty con, 11 công ty liên kết; 3 đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo.
Toàn cảnh hội thảo |
Thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nòng cốt của ngành Dầu khí, nắm giữ khoa học công nghệ tiên tiến; phát triển đồng bộ và đã hoàn chỉnh chuỗi giá trị dầu khí, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực, đóng góp thiết thực vào công tác an sinh xã hội và góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia; tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường; giữ vững thị phần tại các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực; năm 2020 được được Tổ chức đánh giá thế giới Fitch Ratings nâng triển vọng xếp hạng từ ổn định lên tích cực và đánh giá xếp hạng tín dụng độc lập (SCP) ở mức BB+; từng bước triển khai lộ trình tái cấu trúc, đổi mới doanh nghiệp, huy động thêm các nguồn lực để phát triển.
Giai đoạn 2016-2020, hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị, thu về 16.521 tỷ đồng, thặng dư 7.450 tỷ đồng; thoái vốn tại PV SSG, LSP thu về 2.052 tỷ đồng, thặng dư khoảng 950 tỷ đồng; hầu hết các đơn vị thành viên đã cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán; tích cực xử lý các đơn vị yếu kém, thua lỗ.
Để xây dựng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển, nhóm công tác (do Ban Kinh tế - Đầu tư làm đầu mối) đã dự báo xu hướng phát triển và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tái cơ cấu. Theo đó, chủ trương, chính sách về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo hướng (i) tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; (ii) nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước thông qua tập trung đầu tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại; (iii) đến năm 2025 hoàn tất việc sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hóa, thoái vốn).
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại... qua đó đòi hỏi phải cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn nữa (như áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt...); thị trường tài chính tiếp tục ổn định, thị trường chứng khoán phát triển theo hướng bền vững hơn, một số rủi ro ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường như cơ sở hạ tầng, cho vay giao dịch ký quỹ, hiện tượng thao túng giá cổ phiếu... sẽ được khắc phục. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, xu thế chuyển dịch năng lượng là tất yếu. Động lực đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế số, các mô hình kinh tế mới, hợp tác mới sẽ xuất hiện.
Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu cần phải chú ý đến các cơ sở pháp lý. Cập nhật Chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển cũng như nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 1748/QĐ-TTg và số 1749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; cập nhật, bổ sung các văn bản mới được cấp có thẩm quyền ban hành (Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Ban chấp hành Trung ương về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, Quy chế quản lý tài chính của Petrovietnam ban hành kèm theo Nghị định 36/2021/NĐ-CP; Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025); các nội dung của Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 đang được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng phương án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 cần tập trung vào các nội dung trọng tâm. Thứ nhất, là tầm nhìn, mục tiêu; trong đó, xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, giữ vai trò đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Củng cố, phát triển Petrovietnam và các đơn vị thành viên, đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chủ đạo, tạo thành chuỗi giá trị gia tăng của ngành Dầu khí, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững, chủ động mở rộng thị trường và tích cực hội nhập quốc tế. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Petrovietnam và ngành Dầu khí Việt Nam; phát triển, đa dạng hóa các loại hình năng lượng, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ hai, là lĩnh vực, nhiệm vụ kinh doanh chính; trong đó tập trung xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dầu khí là thăm dò, khai thác dầu khí - khí - chế biến, tồn trữ và phân phối dầu khí; giữ vững vị trí là nhà cung cấp khí, LPG hàng đầu Việt Nam; đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Thứ ba, xây dựng mô hình tổ chức hoạt động gắn với quy hoạch phát triển ngành trong giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục tổ chức quản lý, kiện toàn theo mô hình tập đoàn kinh tế bao gồm Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên, hoạt động phù hợp với mục tiêu, Chiến lược phát triển, Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam được Bộ Chính trị/Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để triển khai các nhiệm vụ, nội dung đã nêu, Petrovietnam đặt ra các giải pháp thực hiện cụ thể. Thứ nhất, giải pháp về quản trị và quản lý doanh nghiệp: sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý phù hợp; kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động của Petrovietnam; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý, quản trị doanh nghiệp; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường tính dự báo; xây dựng chuỗi giá trị; tái cơ cấu doanh nghiệp kém hiệu quả.
Thứ hai, giải pháp về đào tạo, quản trị nhân lực: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế, chính sách lương, thưởng phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút chất xám; đào tạo chuyên môn, quản lý doanh nghiệp, tài chính. Thứ ba, giải pháp về tài chính: phân phối lợi nhuận phù hợp để đáp ứng nhu cầu đầu tư; phân bổ nguồn vốn hợp lý để tập trung cho các hoạt động cốt lõi, thu hút nguồn lực, chia sẻ rủi ro; xử lý tài chính ở các đơn vị khó khăn, thua lỗ; quản trị tài chính; công tác phân tích, dự báo tài chính.
Thứ tư, giải pháp về đầu tư: quản trị danh mục đầu tư trong toàn hệ thống; tập trung đầu tư các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch, đẩy mạnh giám sát đầu tư, ưu tiên các dự án cấp bách; xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ; đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, thăm dò; đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa đầu tư, chia sẻ rủi ro trong đầu tư. Thứ năm, giải pháp về thị trường: làm tốt công tác thông tin và dự báo; tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên doanh, đa dạng kênh phân phối, tăng thị phần, mở rộng thị trường; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu.
Thứ sáu, giải pháp về khoa học, công nghệ, an toàn và môi trường: xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị đào tạo, khoa học; triển khai chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với các nhóm giải pháp kể trên, Petrovietnam kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng khung, nguyên tắc về tái cơ cấu Petrovietnam. Petrovietnam phê duyệt các phương án tái cơ cấu của các đơn vị cấp II theo thẩm quyền, phù hợp với Điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn và quy định của pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong công tác quản trị doanh nghiệp, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo hướng tăng quyền chủ động, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Petrovietnam. Hướng dẫn Tập đoàn và các đơn vị BSR, PVOil, PVPower sớm hoàn thiện công tác quyết toán cổ phần hóa.
Phát biểu kết luận, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh việc tái cấu trúc là nhiệm vụ cần thiết khi đã đến chu kỳ bắt buộc phải thực hiện. Việc tái cấu trúc phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Petrovietnam và trước mắt là giai đoạn đến năm 2025. Việc tái cơ cấu cũng sẽ xử lý các tồn tại, rủi ro, các yếu tố không mang lại hiệu quả hiện nay, giúp định hình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong tương lai.
Trong bối cảnh xu thế chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi Petrovietnam cần phải xây dựng một chiến lược tái cơ cấu phù hợp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, vì mục tiêu phát triển bền vững Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.