Petrovietnam 2024: Bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ - Tạo nguồn năng lượng mới
Năm 2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tạo nên dấu ấn mạnh mẽ bằng chiến lược đổi mới toàn diện, tập trung vào việc khai thác động lực tăng trưởng mới từ các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, LNG, cùng hàng loạt dự án dầu khí trọng điểm.
Những bước chuyển mình này không chỉ khẳng định năng lực thích ứng linh hoạt của Tập đoàn trước những chuyển biến mạnh mẽ của ngành năng lượng, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2024 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hơn, tình hình thế giới và thị trường diễn biến phức tạp hơn, tuy nhiên, Petrovietnam đã xây dựng và đặt ra mục tiêu với quyết tâm thực hiện cao hơn, áp lực cao hơn so với kế hoạch năm 2023, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng liên tục và phát triển bền vững.
“Để Petrovietnam có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2024 và các năm tiếp theo, toàn Tập đoàn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì, làm mới các động lực truyền thống như khai thác, phân phối, chế biến đồng thời nghiên cứu bổ sung các động lực mới như công nghiệp năng lượng, năng lượng mới, dịch chuyển mô hình kinh doanh, tiếp tục gia tăng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn…” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn, trong năm 2024, Petrovietnam không chỉ tập trung vào đổi mới toàn diện mà còn định hình lại các chiến lược phát triển nhằm gia tăng giá trị bền vững. Bằng việc tối ưu hóa chuỗi liên kết giá trị dầu khí từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn, mở rộng và đa dạng hóa danh mục đầu tư, Tập đoàn đã xây dựng các động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt, việc chuyển hướng mạnh mẽ lĩnh vực năng lượng tái tạo đã giúp Petrovietnam thích nghi với xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Không gian phát triển mới đầy tiềm năng
Một trong những động lực mới của năm 2024 là việc Petrovietnam đã tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng điện gió ngoài khơi, tham gia chuỗi năng lượng toàn cầu, mở ra không gian phát triển mới đầy tiềm năng. Trong lĩnh vực này, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) là đơn vị tiên phong với nhiều thành tựu nổi bật. Doanh nghiệp đã bàn giao thành công lô chân đế điện gió ngoài khơi đầu tiên được xuất khẩu ra thế giới. Đây là một cột mốc lịch sử, không chỉ đối với PTSC mà còn cho cả ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Việt Nam. Đến nay, PTSC cũng đã trúng thầu hơn 10 dự án ĐGNK với tổng công suất phát điện là 5,2GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD, khẳng định năng lực của Petrovietnam/PTSC trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác quốc tế. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Petrovietnam/ PTSC tự tin thực hiện đầu tư những dự án năng lượng tái tạo lớn hơn trong tương lai.
Bên cạnh điện gió ngoài khơi, khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cũng đang trở thành một trụ cột quan trọng trong bài toán cung ứng năng lượng tương lai. Một dự án trọng điểm của lĩnh vực này là kho cảng LNG Thị Vải 1 triệu tấn - công trình đầu tiên trong chuỗi hạ tầng LNG chiến lược của Việt Nam đã được Petrovietnam/ PV GAS hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm qua. Đây không chỉ là bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy nhập khẩu LNG nhằm bù đắp sự suy giảm nguồn cung khí trong nước mà còn tạo cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.
Song song việc kiến tạo động lực phát triển ở lĩnh vực năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, LNG, Petrovietnam cũng tập trung đẩy mạnh làm mới các động lực truyền thống và tạo ra các động lực tăng trưởng mới tại các mảng hoạt động cốt lõi. Điểm sáng trong năm 2024 là hàng loạt các dự án trọng điểm của ngành Dầu khí được tái khởi động/ hoàn thành sau nhiều năm. Nổi bật là chuỗi dự án khí - điện Lô B, dự án lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam. Trong năm 2024, Petrovietnam đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng của các dự án thành phần trong chuỗi dự án này, bao gồm từ thượng nguồn, trung nguồn cho đến hạ nguồn. Chuỗi khí - điện Lô B được dự báo không những đóng góp tới 20% nhu cầu khí và điện của khu vực, mà sẽ còn trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam.
Nằm trong lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Tập đoàn, công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí luôn được Petrovietnam đẩy mạnh cùng nhiều giải pháp kỹ thuật, nhằm chặn đà suy giảm sản lượng tự nhiên, đảm bảo mục tiêu gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí. Qua đó “làm mới động lực truyền thống”, mở ra những hướng đi quan trọng trong công tác thăm dò khai thác, tận thu được nguồn tài nguyên quý giá, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển của Petrovietnam.
Tại khâu hạ nguồn, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - biểu tượng phát triển của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, cũng đang từng bước khẳng định mình là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng cho khu vực miền Trung. Dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất bắt đầu được triển khai trong năm 2024, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Petrovietnam/ BSR nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nền kinh tế và tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe. Đây cũng chính là đòn bẩy giúp BSR tối ưu hóa năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và mở ra chu kỳ phát triển mới, tạo động lực tăng trưởng bền vững cho ngành lọc hóa dầu, giảm phụ thuộc vào nguồn cung ngoại nhập, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tương tự, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cũng không ngừng tạo động lực tăng trưởng mới trong chuỗi giá trị dầu khí hạ nguồn, thông qua việc đầu tư vào các dự án trọng điểm như Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Đây là hai dự án nhà máy điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Petrovietnam/ PV Power trong việc thích nghi với xu hướng chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Các dự án này còn góp phần củng cố hệ sinh thái năng lượng của Petrovietnam, từ khai thác khí, nhập khẩu LNG, vận chuyển đến phân phối và sản xuất điện. Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị này, PV Power không chỉ gia tăng hiệu quả hoạt động mà còn tạo sự đồng bộ và ổn định cho toàn hệ thống năng lượng của Petrovietnam.
Tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ mới
Không chỉ đặc biệt chú trọng đến việc tái cấu trúc, tạo động lực tăng trưởng mới cho các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, Petrovietnam và các đơn vị thành viên còn tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã sản xuất và xuất bán 2 chủng loại Polypropylene (PP) mới là TF4035 và BOPP F3030, đồng thời có những bước tiến trong nghiên cứu nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật để cung ứng sản phẩm SAF ra thị trường.
Một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị hạ nguồn, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cũng đẩy mạnh chiến lược đổi mới với trọng tâm là mở rộng mạng lưới phân phối, phát triển hệ thống bán lẻ thông qua hơn 800 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc. Chuyển đổi số là điểm nhấn quan trọng của doanh nghiệp với ứng dụng PVOIL Easy cũng như phát triển dịch vụ phi xăng dầu tại CHXD (non-oil), nâng cao hiệu quả kinh doanh và đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại. Những chiến lược này không chỉ củng cố vị thế của PVOIL trên thị trường mà còn tạo động lực tăng trưởng mới, giúp đơn vị giữ vững vai trò là trung tâm doanh thu của Petrovietnam trong năm 2024.
Hai đơn vị sản xuất đạm của Petrovietnam là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cũng đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng lĩnh vực hoạt động, đáp ứng xu hướng hiện đại hóa nông nghiệp và công nghiệp. PVCFC tập trung phát triển bộ sản phẩm và giải pháp toàn diện dành cho nông nghiệp đô thị, với các dòng phân bón chất lượng cao, thân thiện môi trường. Trong khi đó, PVFCCo đã lên các kế hoạch tăng cường đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm chế biến sâu, đa dạng từ sản phẩm hiện hữu của Nhà máy như oxy già (H2O2), DEF...
Lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cũng là một trong những động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Petrovietnam. Trong khi PTSC tạo nhiều dấu ấn trong lĩnh vực năng lượng mới, hai trụ cột còn lại tại lĩnh vực này của Petrovietnam là PVTrans và PV Drilling đã có những bước phát triển đột phá trong các dịch vụ cốt lõi của mình.
Dẫn đầu chỉ số lợi nhuận của khối dịch vụ kỹ thuật, PVTrans tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược khi đặt trọng tâm vào công tác đầu tư mở rộng đội tàu, tăng cường năng lực cạnh tranh trong nhóm ngành vận tải biển. Hiện đội tàu của PVTrans đã phát triển lên 58 chiếc với tổng trọng tải 1,7 triệu DWT, đa dạng hóa dịch vụ từ vận tải dầu sản phẩm, hóa chất, khí hóa lỏng (LPG) đến hàng rời và tập trung mở rộng thị trường đến châu Âu và Bắc Mỹ. Tương tự, PV Drilling tiếp tục thực hiện chiến lược “vươn ra biển lớn”, đặc biệt là tại thị trường trọng điểm Đông Nam Á, nơi nhu cầu giàn khoan tự nâng tăng cao. PV Drilling đã tập trung tối ưu hóa hiệu quả vận hành và công tác an toàn, đầu tư thêm giàn khoan tự nâng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ kỹ thuật, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và vận hành giàn khoan, ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại… nhằm tạo ra những giá trị gia tăng cho khách hàng bằng dịch vụ chất lượng cao và giá cả cạnh tranh.
Việc tăng cường nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các giải pháp khoa học công nghệ đột phá cũng là trọng tâm trong chiến lược đổi mới của Petrovietnam và các đơn vị thành viên. Việc áp dụng công nghệ hiện đại và chuyển đổi số trong quản trị và vận hành, không những giúp Petrovietnam và các đơn vị tăng cường hiệu quả hoạt động, giảm chi phí mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng sự hiện diện của thương hiệu Petrovietnam trên thị trường quốc tế.
Khẳng định vị thế đầu tàu ngành năng lượng
Với tất cả những nỗ lực đổi mới toàn diện, năm 2024 cũng là năm Petrovietnam ghi dấu ấn mạnh mẽ trong việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trọng yếu, minh chứng cho hiệu quả của chiến lược “Quản trị biến động, bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ, tạo nguồn năng lượng mới”.
Tất cả các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu của Tập đoàn đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm từ 6-24%, về đích trước từ 22 ngày đến 2 tháng 21 ngày. So với năm 2023, Tập đoàn có 4 chỉ tiêu sản xuất trọng yếu tăng trưởng, gồm: Sản xuất urea tăng 4,6%; sản xuất điện tăng 25,8%; sản xuất xăng dầu (bao gồm NSRP) tăng 6,7%; sản xuất NPK tăng 19,5%. Năm 2024 cũng ghi nhận tất cả các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức từ 34% đến 3,4 lần kế hoạch năm, về đích trước từ 3-7 tháng và tăng trưởng cao so với năm 2023.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tăng 6%; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tăng 9%; doanh thu hợp nhất tăng 9%. Đặc biệt, Petrovietnam cũng có 3 năm liên tiếp phá kỷ lục về tổng doanh thu toàn Tập đoàn, điển hình là năm 2024 đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19 (năm 2019) và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất nước, trong bối cảnh cả nước đã và đang chuẩn bị tốt các nguồn lực, tiến hành cải cách mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “vươn mình” của dân tộc. Đây chính là thời điểm quan trọng đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế để phát triển bền vững, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Với mục tiêu trở thành Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, Petrovietnam sẽ đẩy mạnh công tác hoạch định triển khai đồng bộ việc xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn; cùng với đó cần thống nhất các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng “2 con số” trong toàn Tập đoàn, từ Công ty mẹ đến các đơn vị/doanh nghiệp thành viên”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Những thành tựu đạt được trong năm 2024 đã tạo ra một nền móng vững chắc, giúp Petrovietnam tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới. Với chiến lược quản trị hiệu quả, định hướng đúng đắn và tinh thần đổi mới không ngừng, Tập đoàn đang sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới. Trong tương lai, Tập đoàn không chỉ tập trung khai thác các động lực tăng trưởng hiện tại mà còn tìm kiếm những cơ hội đột phá, hiện thực hóa khát vọng Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia hùng mạnh, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước.