Sụt lún đất ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ: Do khai thác nước ngầm quá mức?

Mai Đan (thực hiện)| 07/04/2021 18:04

(TN&MT) - Hồi 16h ngày 6/4/2021 tại sân trước của hộ gia đình ông Đặng Đình Nhâm ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội xuất hiện hồ sụt lún nghiêm trọng khi gia đình tổ chức khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Hố sụt lúc đầu có đường kính khoảng 3m, đến sáng ngày 7/4/2021 đã mở rộng lên đến hơn 100m2 với chiều dài gần 20m, rộng 4-6m, sâu từ 3-7m với nhiều vết nứt chạy dọc theo đường tỉnh lộ 419.

Sụt lún đất ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ

Theo người dân địa phương, tổ khoan giếng khi khoan đến độ sâu 47m, gặp nước và đang rút mũi khoan lên để kết cấu lắp đặt giếng khoan thì bắt đầu xảy ra hiện tượng sụt lún đất, hố sụt rất nhanh mở rộng ra xung quanh làm sập giàn khoan. Mọi người hô hào chạy ra ngoài nên không ai bị thương.

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân xuất hiện “hố tử thần” tại đây, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với chuyên gia địa chất Nguyễn Quốc Khánh thuộc Liên Hiệp Khảo Sát Địa Chất Xử Lý Nền Móng Công Trình, người có nhiều năm nghiên cứu về hiện tượng sụt lún, trượt lở đất đá.

PV: Ông đánh giá thế nào về đặc điểm địa chất tại khu vực xuất hiện hố sụt lún đất ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ ngày 6/4?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Theo dữ liệu về địa chất hiện có, tôi nhận thấy nền đất ở đây không quá phức tạp. Nếu không tính lớp đất san lấp ở trên mặt thì nền đất ở đây có khoảng 5 lớp đất chính: phía trên là lớp đất sét bột màu nâu vàng, nâu đỏ lẫn dăm sạn dày khoảng 6-13m; tiếp đến là lớp cát, bột cát màu xám dày 2-5m và lớp sét, bột sét màu nâu vàng, xám nâu dày 5-7m rồi chuyển qua lớp đá sét kết, sét bột kết màu xám ở độ sâu khoảng 20m, lớp này dày khoảng 20-30m tùy từng vị trí; dưới cùng là lớp đá vôi màu xám, xám xanh khá rắn chắc.

Với đặc điểm địa chất như vậy, ở vùng này có 2 tầng chứa nước là nước lỗ hổng và nước ở trong tầng đá gốc. Tầng chứa nước lỗ hổng nằm khá gần mặt đất nên khá nhiều hộ gia đình tại đây vẫn đào hoặc khoan giếng đến độ sâu 10-12m, tuy nhiên nước ở tầng này tại đây chứa khá nhiều sắt và mangan nên ngày càng có nhiều hộ gia đình ở đây khoan giếng để lấy nước trong tầng đá gốc, nước trong và sạch hơn.

PV: Vậy có thể nói việc khoan nước là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sụt lún đất không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Như đã nói ở trên, vì nền đất ở đây có lớp đá vôi nằm dưới cùng và cũng khá gần sông Đáy nên hiện tượng Karst có thể phát triển với nhiều hang động ngầm ở sâu dưới đất nên khi tiến hành khoan, chẳng may gặp phải hang động karst ngầm hay vị trí đất đá bị nứt nẻ mạnh chứa nước thông với các hệ thống hang động ngầm thì nước ở trong tầng cát phía trên chảy qua lỗ khoan xuống trực tiếp tầng chứa nước Karst bên dưới. Nước chảy sẽ rửa trôi dần đất ở xung quanh tạo thành phễu, hàm ếch gây ra hiện tượng lún sụt đất mà ta đã thấy.

Hiện tượng sụt lún như vậy thường không lớn nhưng khi không được sớm xử lý, bịt lỗ khoan thì nước ở phía trên bao gồm cả nước ngầm và nước mặt vẫn chảy xuống tầng chứa nước Karst bên dưới, làm đất xung quanh tiếp tục bị rửa trôi dẫn đến hố sụt ngày càng mở rộng gây ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình và đường Tỉnh lộ 419.

Ở nhiều nước trên thế giới, tại các có vùng đá vôi, họ cấm hoàn toàn hoạt động khoan giếng tự phát vì có thể gây ra sụt lún đất.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, cần sớm lấp lại hố sụt ngay, nếu không nước mưa trên mặt và từ hệ thống cống đổ vào hố sụt sẽ làm hố sụt tiếp tục sập sụt

PV: Theo ông, cần xử lý hố sụt đất tại xã Quảng Bị như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Vì hố sụt xuất hiện do nước ngầm ở tầng trên chảy trực tiếp xuống hệ thống hang động karst ngầm bên dưới, vì thế chúng ta cần lấp lại ngay bằng đá hộc, tiếp đến là các vật liệu thô hơn như đá dăm, sạn sỏi rồi đến đất sét, bột sét theo nguyên tắc thô trước mịn sau. Vì hố sụt cạnh cống thoát nước của đường tỉnh lộ 419, nên phía trên cần gia cố thêm lớp bê tông để hạn chế sự thẩm thấu của nước mặt xuống lớp đất đá đã lấp phía dưới.

Theo dự báo thời tiết, ngày mai (8/4) có thể xuất hiện mưa, vì thế cần phải sớm lấp lại hố sụt ngay, nếu không nước mưa trên mặt và từ hệ thống cống đổ vào hố sụt sẽ làm hố sụt tiếp tục sập sụt và mở rộng, khi đó hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sụt lún đất ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ: Do khai thác nước ngầm quá mức?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO