Sửa yêu cầu về năng lực tối thiểu của tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước
Yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước vừa được sửa đổi tại Nghị định số 40/2023/NĐ-CP.
Nghị định 40/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thủy lợi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về yêu cầu trình độ đối với năng lực của cán bộ quản lý, vận hành công trình thủy lợi không còn phù hợp với thực tế trong giai đoạn hiện nay. Đối với mỗi công trình thủy lợi đều cần có nhân lực có trình độ kỹ thuật cao là nòng cốt đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn hiệu quả; nhân lực hỗ trợ trong vận hành có trình độ cao đẳng, trung cấp, công nhân cần được giao cho đơn vị quản lý khai thác chủ động bố trí sắp xếp dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật được xây dựng và phê duyệt.
Các quy định về năng lực quản lý hồ chứa lớn, hồ chứa vừa tại Điều 8 Nghị định 67/2018/NĐ-CP chưa phù hợp với các tiêu chí phân loại đập, hồ chứa thủy lợi được quy định tại Điều 3 Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước... Do đó, cần sửa đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 8 yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước:
1. Đập, hồ chứa quan trọng đặc biệt: bố trí ít nhất 07 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 02 người có thâm niên quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.
2. Đập, hồ chứa nước lớn:
a) Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 50.000.000 m3 trở lên: bố trí ít nhất 05 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 02 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước;
b) Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 10.000.000 m3 đến dưới 50.000.000 m3: bố trí ít nhất 03 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 01 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước;
c) Đập, hồ chứa lớn còn lại, trừ đập, hồ chứa lớn quy định tại điểm a, điểm b khoản này: bố trí ít nhất 02 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.
3. Đập, hồ chứa nước vừa:
a) Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 1.000.000 m3 đến dưới 3.000.000 m3: tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước;
b) Đập, hồ chứa vừa còn lại, trừ đập, hồ chứa nước vừa quy định tại điểm a khoản này: tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất 01 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.
4. Đập, hồ chứa nước nhỏ: tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất 01 người có trình độ từ trung học phổ thông hoặc công nhân bậc 2 trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.