Thông tin cần biết

Sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP: Tạo lập chính sách thúc đẩy CNHT

Tiến Trung 10/05/2024 07:35

Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là môt trong những văn bản quy phạm pháp luật có tác động mạnh mẽ nhất đến ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Sau gần 9 năm triển khai, Nghị định đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Hiện Bộ Công Thương đã gửi tờ trình tới Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi Nghị định này.

Một trong những bất cập của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP là đối tượng nhận ưu đãi. Tại Điều 11 Nghị định 111/2015/NĐ-CP quy định Đối tượng và thủ tục xác nhận ưu đãi, trong đó, dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.

120230828092448.jpg
Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Tuy nhiên, trong thực tế, doanh nghiệp có nhiều dự án hoặc một dự án nhưng đầu tư mở rộng nhiều lần vào các thời điểm khác nhau. Nghị định chưa quy định cụ thể, rõ ràng dự án hoạt động từ thời điểm nào thì doanh nghiệp được hưởng ưu đãi nên cũng gây khó khăn cho việc thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận ưu đãi, cũng như việc hưởng ưu đãi sau khi được cấp giấy xác nhận. Ngoài ra, Nghị định 111/2015/NĐ-CP cũng chưa quy định cụ thể về tiêu chí xác định dự án tăng năng lực sản xuất ít nhất 20, dẫn đến việc xác định dự án thuộc đối tượng được áp dụng ưu đãi gặp khó khăn.

Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bày tỏ, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi lâu, trong khi chính sách ưu đãi vẫn khó tiếp cận.

Nhận định rõ những bất cập về chính sách, Bộ Công Thương đã đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Dự thảo quy định rõ ràng và toàn diện hơn phạm vi ngành CNHT bao gồm cả hoạt động gia công và sản phẩm CNHT bao gồm phụ liệu; danh mục sản phẩm CNHT cũng sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với nhu cầu sản xuất thực tế trong ngành CNHT hiện tại. Điều kiện xác định tiêu chí ưu đãi cho dự án đầu tư mở rộng đã được thay đổi theo hướng rõ ràng hơn, thể hiện sự đồng nhất với quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, theo đó giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc chứng minh và cơ quan thẩm quyền có cơ sở hơn trong việc kiểm tra và đánh giá.

cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-trong-boi-canh-moi-tha-nh-tu-u-va-tha-ch-thu-c20230922131959.jpg
Tạo lập chính sách thúc đẩy CNHT

Với sự thay đổi này các doanh nghiệp có tham gia vào các công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất sản phẩm CNHT như rèn, dập, đúc, mạ, tráng, sơn... trước đây chỉ đóng vai trò trung gian, không nằm trong danh mục đối tượng được hưởng ưu đãi thì nay được hưởng ưu đãi rất nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Đối với lĩnh vực môi trường, sẽ được hỗ trợ đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung và hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương và trung ương đối với khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp có tỷ lệ diện tích đất cho các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT thuê tối thiểu đạt 20% diện tích; vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo vệ môi trường và Quỹ đầu tư phát triển địa phương cho các hạng mục đầu tư, xử lý, bảo vệ môi trường của dự án. Ngoài ra còn được hỗ trợ 50% đến 100% kinh phí cho các hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm…

Một trong những điểm mà Bộ Công Thương đánh giá là cốt lõi của việc sửa đổi, đó là cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương đề xuất, ngân sách Trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm. Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với dự án muốn xin áp dụng ưu đãi CNHT. Để nhận được ưu đãi, các dự án sản phẩm CNHT phải ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ cao, có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế hoặc tiêu chuẩn của công ty mua hàng là các tập đoàn, công ty sản xuất có thương hiệu và uy tín; các thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ được cập nhật các công nghệ mới trong lĩnh vực hoạt động của dự án cách thời điểm đầu tư không quá 05 năm; hệ thống quản lý chất lượng phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế chuyên ngành, khuyến khích các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng như ISO 9001:2015 hoặc tiêu chuẩn tương đương; phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khuyến khích các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương…

Có thể khẳng định, Dự thảo Nghị định đã kiện toàn các quy định và chính sách phát triển ngành CNHT, đồng thời cũng mang tính thống nhất cao với các quy định liên quan khác như pháp luật về thuế và đầu tư. Dự thảo Nghị định đã thể hiện tinh thần của Chính phủ trong việc cải cách chính sách và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT. Những thay đổi của chính sách này đang được nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho ngành CNHT đang ngày càng trở nên cấp bách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP: Tạo lập chính sách thúc đẩy CNHT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO