Đây là thông tin được Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cung cấp trong cuộc họp báo được tổ chức ngày 3/6, tại Hà Nội.
Không phân loại rác phải trả chi phí cao hơn
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn thời gian qua còn nhiều bất cập, trong đó chức năng quản lý được giao cho nhiều Bộ cùng chịu trách nhiệm như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng,…Trong khi đó, ở địa phương, cơ quan chuyên môn giúp việc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại một số tỉnh là Sở Tài nguyên và Môi trường, tại một số tỉnh khác là Sở Xây dựng.
Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ thông tin với báo chí |
Việc này dẫn đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về CTRSH còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là vấn đề chất thải rắn sinh hoạt trở thành điểm nóng về an ninh, chính trị tại một số địa phương”, ông Hiền cho hay.
Mặt khác, chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; việc xử lý CTRSH hiện nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp; nhiều lò đốt không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; chưa có các cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn, dẫn đến khối lượng CTRSH phát sinh ngày một nhiều và chưa tận dụng được các thành phần có ích trong chất thải, chưa theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích vđược iệc phân loại chất thải tại nguồn.
Đặc biệt, theo dự thảo Luật này, kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH được tính dựa trên khối lượng phát sinh thay vì thu phí rác thải theo cơ chế “cào bằng” như hiện nay. Cụ thể, tại khoản 6 Điều 79 dự thảo Luật quy định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh. Đại diện Tổng cục Môi trường cho rằng, việc này sẽ thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh vì rõ ràng, việc phát sinh ít chất thải hơn đồng nghĩa với việc phải trả ít tiền hơn.
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng đưa ra quy định khuyến khích phân loại CTRSH tại nguồn thành 05 loại là chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác (khoản 1 Điều 79).
Dự thảo Luật cũng quy định nguyên tắc về việc thu kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với từng loại chất thải sau khi đã được phân loại. Điều này một mặt để làm căn cứ cho việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh, những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định.
“Việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý sẽ giúp chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi của quy định”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền thông tin.
Phải đồng bộ các khâu, rác mới thành tài nguyên
Trả lời băn khoăn của báo chí về việc áp dụng các quy định này trong thực tiễn, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết, việc phân loại rác tại nguồn chỉ có hiệu quả khi có hệ thống hạ tầng từ thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng được đầu tư đồng bộ. Việc thay đổi này cần lộ trình thực hiện. Ví dụ, quy định của luật sẽ tác động đến kết cấu hạ tầng của các khu chung cư mới, các khu đô thị mới để đáp ứng yêu cầu về phân loại, thu gom rác thải được phân loại tại nguồn.
Về giá của các túi đựng rác để làm cơ sở tính toán chi phí thu gom, xử lý rác, theo dự thảo Luật, sẽ do UBND cấp tỉnh quy định mức giá cụ thể tùy vào điều kiện của từng địa phương. Về công nghệ xử lý rác, năm nay, Bộ TN&MT sẽ đưa ra danh sách khuyến cáo các công nghệ xử lý rác để các địa phương có thể áp dụng.
Cùng với đó, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) còn đưa ra quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, để các quy định thực sự có hiệu quả, dự thảo Luật đưa ra quy định về sự giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư đối với việc tổ chức thực hiện và giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Toàn cảnh cuộc họp |
Mặt khác, theo ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), dự thảo Luật còn hướng đến việc quy trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với vỏ bao bì sản phẩm thải bỏ. Cụ thể, có 3 quy định rõ ràng. Một là, quy định về đăt cọc hoàn trả: Nhà sản xuất có nhu cầu thu hồi, tái chế thu gom bao bì, chai lọ thì có quyền đặt một khoản tiền trong giá thành sản phẩm và công khai giá đó. Người dùng sẽ biết được vỏ bao bì đó bao nhiêu tiền và có quyền lấy lại tiền đó.
Thứ hai, quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất trong tái chế bao bì: Nhà sản xuất có trách nhiệm tái chế sản phẩm đó theo quy chuẩn kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền ban hành. Theo dự án luật, nhà sản xuất phải thu gom sản phẩm đó theo tỷ lệ nhất định, đảm bảo tỷ lệ tái chế tăng dần hàng năm. Lúc này, nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 sự lựa chọn: hoặc họ tự tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế. Nếu không tự tái chế thì đóng một khoản tiền về Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ sẽ chi trả trực tiếp cho đơn vị tái chế. Cơ sở tái chế phải đảm bảo 2 điều kiện: đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; đơn vị kiểm toán sẽ xác nhận tỷ lệ tái chế, đảm bảo việc này hoàn toàn công khai minh bạch, với mục đích nâng cao tỷ lệ tái chế ở Việt Nam.
Thứ ba, quy định về trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với một số sản phẩm không thể tái chế thì phải có đóng góp tài chính để xử lý chất thải.