Theo Bộ TN&MT, tại Quyết định số 2356/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công chủ trì thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất, đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trên cơ sở kết quả điều tra trực tiếp thực trạng thiếu đất sản xuất, nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả điều tra, khảo sát, khoanh vẽ các khu vực đất để bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất của 19 tỉnh thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, cùng với số liệu báo cáo của 38/44 tỉnh và các thông tin, tài liệu, số liệu của các Bộ, ngành; báo cáo “Tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất, đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất của cả nước”.
Bên cạnh dó, căn cứ quỹ đất hiện có của các địa phương cũng như nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số, các quy định về mức sử dụng đất hiện hành của các tỉnh để cân đối, tính toán đưa ra phương án quy hoạch quỹ đất để giao cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất trên địa bàn từng tỉnh; đồng thời đề ra các chính sách, giải pháp để thực hiện phương án quy hoạch bố trí đất cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất; góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Kết quả của Dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất, đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số” đã xác định thực trạng thiếu đất, quy hoạch quỹ đất và đề xuất chính sách để góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các hộ đồng bào tiếp cận với đất đai, tạo nguồn tư liệu sản xuất để ổn định cuộc sống, an sinh xã hội; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng và phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước; đáp ứng mục tiêu của chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.
Theo đó, Kết quả của Dự án đã có 4 nội dung chính. Một là, Dự án đã cung cấp những thông tin, tài liệu, số liệu về nhu cầu đất sản xuất chi tiết tới từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số và quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của từng địa phương làm cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc quản lý, hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch và thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng như các công trình thủy điện, thủy lợi, khai thác khoáng sản,… có liên quan tới đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai là, quy hoạch quỹ đất sản xuất và đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần tạo điều kiện để đồng bào có tư liệu để sản xuất, yên tâm lao động, đảm bảo cuộc sống ổn định, không du canh, du cư và cùng nhau nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đó là tiền đề quan trọng để ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước.
Ba là, việc điều tra, đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất, đề xuất các chính sách để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần hạn chế và xóa bỏ tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy, từ đó cũng góp phần ngăn chặn xói mòn, hạn hán, lũ lụt...
Bốn là, dự án được xây dựng và thực hiện nghiêm túc trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, việc có nhiều chính sách với những nội dung trùng nhau nhưng các mức hỗ trợ khác nhau áp dụng cho một đối tượng là hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn, khu vực hoặc cả nước; chính sách được thực hiện trong thời gian ngắn; thiếu tập trung đầu mối trong công tác quản lý nhà nước, thiếu nguồn lực…Những vấn đề đó đã tạo ra sự chồng chéo, khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng tới kết quả và hiệu quả của các chính sách nói chung và chính sách về sử dụng đất nói riêng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Về các đề xuất kiến nghị, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao sớm thể chế hóa các quy định về chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Theo đó, Bộ TN&MT nghiên cứu xem xét, kiến nghị phần sửa đổi, bổ sung về chính sách liên quan đến hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai trong thời gian tới. Nghiên cứu đề xuất một số chính sách cụ thể, thích hợp, thay thế nội dung chính sách hiện hành liên quan đển giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS sau khi Luật Đất đai năm 2013 được sửa đổi.
Đối với các địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách có liên quan đến hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành của địa phương; đặc biệt phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân tộc, Sở TN&MT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong việc rà soát đối tượng thụ hưởng, xác định thực tế tại địa phương để giao cho đồng bào DTTS từ đó cân đối, tính toán phương án hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Trên cơ sở phương án quy hoạch quỹ đất sản xuất để giao cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất của tỉnh được bàn giao, UBND các tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý sử dụng đất và đảm bảo tính khả thi của phương án quy hoạch bố trí đất sản xuất cho đồng bào DTTS thiếu đất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh.
Sản phẩm của Dự án là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng góp phần giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng và giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; là cơ sở để đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số