Sử dụng lương thực phải quan tâm bảo vệ môi trường

Mai Đan| 19/10/2021 11:05

(TN&MT) - Đó là kêu gọi của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhân ngày Lương thực Thế giới 16/10. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết, Ngày Lương thực Thế giới không chỉ là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của thực phẩm con người tiêu thụ hàng ngày, mà còn là lời kêu gọi hành động để đảm bảo an ninh lương thực và không gây ảnh hưởng đến môi trường trên toàn thế giới.

Biến cam kết thành hành động

Người đứng đầu LHQ, ông António Guterres cho biết: “Hiện nay, gần 40% nhân loại, tương đương khoảng 3 tỷ người, không có được chế độ ăn lành mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh nạn đói, suy dinh dưỡng và béo phì đang gia tăng, tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế đã làm cho tình hình tồi tệ hơn nữa. Đại dịch đã làm tăng thêm 140 triệu người không thể tiếp cận với thực phẩm”.

Đồng thời, cách chúng ta sản xuất, tiêu thụ và lãng phí thực phẩm đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho hành tinh này. Người đứng đầu LHQ cảnh báo: “Những thiệt hại do lãng phí thực phẩm đang gây áp lực chưa từng có trong lịch sử lên tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và môi trường tự nhiên, đồng thời tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD mỗi năm”.

Đảm bảo lương thực mang lại niềm vui cho người dân ở Kyrgyzstan. Ảnh: UNICEF

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của LHQ về hệ thống lương thực thực phẩm hồi tháng 9/2021 đã tạo tiền đề để chuyển đổi cách sản xuất, tiêu dùng thực phẩm ở khắp nơi trên thế giới nhằm đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Tổng Thư ký LHQ cho biết, tại Hội nghị này, các quốc gia đã cam kết mạnh mẽ thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với chi phí phải chăng, dễ tiếp cận hơn và làm cho hệ thống thực phẩm hiệu quả hơn, linh hoạt, bền vững hơn.

“Tất cả chúng ta đều có thể thay đổi cách tiêu thụ thực phẩm và đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn - cho chính chúng ta và hành tinh của chúng ta”, ông Guterres khẳng định.

Hệ thống nông sản bền vững đảm bảo an ninh lương thực

Hệ thống thực phẩm bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến sản xuất, chế biến, phân phối, chuẩn bị và tiêu thụ. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, thực phẩm chúng ta chọn và cách chúng ta sản xuất, chế biến, bảo quản là nhân tố tích cực đảm bảo cách thức hoạt động của hệ thống nông sản thực phẩm.

Trong một hệ thống nông sản bền vững và lành mạnh, các nguồn nông sản tại thị trường địa phương dự trữ nhiều thực phẩm bổ dưỡng, ít bị lãng phí hơn và là chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn với các vấn đề như: thời tiết khắc nghiệt, giá cả tăng đột biến hoặc đại dịch. Chuỗi cung ứng này không phát thải khí nhà kính làm suy thoái môi trường hoặc biến đổi khí hậu.

FAO cho biết, trên thực tế, các hệ thống nông sản bền vững sẽ đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người mà không ảnh hưởng đến các cơ sở kinh tế, xã hội và môi trường cho các thế hệ sau. Các hệ thống này dẫn đến sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người.

Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC), ông Collen V. Kelapile, Ngày Lương thực Thế giới (16/10) nhấn mạnh sự thay đổi trong tư duy - thông qua sức mạnh của khoa học, công nghệ và đổi mới, đầu tư thông minh và hợp tác - có thể giúp đẩy lùi nạn đói.
"Mỗi hành động cá nhân có thể giúp chúng ta hướng đến một tương lai mà ở đó, không ai phải chịu cảnh đói nghèo và hệ thống lương thực của chúng ta hoạt động theo hướng bảo đảm lương thực và bảo vệ hệ sinh thái trên toàn cầu", ông V. Kelapile nói thêm.

Tổng hợp từ UN News

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng lương thực phải quan tâm bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO