Ông Vũ Chính Nghĩa, Trưởng thôn Mưỡu Giáp 3 cho biết: Bãi nguyên liệu của Nhà máy xi măng Vissai Ninh Bình tập kết ngay gần khu vực dân cư của thôn Mưỡu Giáp 3, nếu tính từ chân bãi nguyên liệu đến tường nhà dân chỉ chừng 20 – 30 m. Bãi chứa này đã tập kết được 3 – 4 năm và cũng chừng đó thời gian người dân chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm.
Bãi nguyên liệu này cao hơn ngôi nhà 2 tầng, rộng vài nghìn mét, trông từ xa không khác gì “núi” nguyên liệu, tuy nhiên lại không hề được che phủ bạt kín và cũng không hề có tường bao. Vậy nên, cứ nắng nóng, gió lớn là cả thôn chìm trong bụi mù mịt, ông Nghĩa cho biết thêm.
Bãi nguyên liệu của Nhà máy xi măng Vissai Ninh Bình ngay gần khu dân cư chỉ được che chắn sơ sài là tâm điểm ô nhiễm bụi mỗi khi vào mùa nắng nóng hoặc có gió |
Nhiều hộ dân thôn Mưỡu Giáp 3 bức xúc: Cứ mỗi khi gió lên là đất cát từ bãi nguyên liệu này cuốn mù mịt vào nhà dân, rồi bụi lọc tĩnh điện trong quá trình sản xuất xi măng cũng đổ ngay sát khu vực bãi nguyên liệu gần khu dân cư. Đó là chưa kể đến vào ban đêm, kết hợp gió lớn, bụi từ nhà máy xả trắng sân và cây cối. Nhiều năm nay chúng tôi kiến nghị liên tục lên các cấp chính quyền nhưng tình trạng ô nhiễm đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Bùi Quang Cảnh – Chủ tịch UBND xã Gia Xuân cho biết: Khu vực Mưỡu Giáp 3 gần Nhà máy xi măng Vissai, tình trạng ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm nay, bãi nguyên liệu cao như một ngọn đồi và không có che chắn gì. Nhân dân và chính quyền đã kiến nghị nhiều lần nhưng không cải thiện được nhiều.
Ngoài nguyên liệu sản xuất thì đất đá thải, phế thải khác cũng được đổ ra phía giáp khu dân cư Mưỡu Giáp 3 mà không hề có tường bao |
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn khẳng định: Huyện đã nhiều lần có văn bản đề nghị Nhà máy xi măng Vissai có biện pháp khắc phục việc ô nhiễm như che bạt, xây tường bao… để không bụi.
Theo quan sát của chúng tôi, bãi chứa nguyên liệu gần khu dân cư Mưỡu Giáp 3 này rất rộng và cao, đặc biệt là không hề có tường bao quanh cũng như không có hệ thống thu hồi nước mưa, nước chảy tràn. Chỉ một phần rất nhỏ của bãi nguyên liệu phía giáp khu dân cư được che chắn bạt. Vì không có tường bao nên đất, đá, nguyên liệu tràn lan ra gần kênh nước thải của KCN Gián Khẩu. Thậm chí, đất đá thải, kèm lẫn các phế thải khác cũng được đổ thẳng ra khu vực này.
Toàn cảnh những "núi" nguyên liệu khổng lồ trong Nhà máy xi măng Vissai Ninh Bình |
Mặc cho người dân kiến nghị, chính quyền huyện Gia Viễn vào cuộc xử lý, nhưng hình như vụ việc không khác gì “muối ném ao bèo”, bởi bụi vẫn mù mịt, người dân thường xuyên bị “chịu trận” do bụi từ bãi nguyên liệu của Nhà máy xi măng Vissai mỗi khi trời nắng nóng cộng gió lớn. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường cần vào cuộc xử lý dứt điểm thực trạng trên.
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 tại điểm c, khoản 1, Điều 68 quy định: Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường: Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;
Điểm d, khoản 2, Điều 68 quy định: Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau phải có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư: Phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người.