"Sông Mẹ, sông Cha" lại “oằn mình” trước nạn cát tặc

Phạm Hoài| 20/04/2021 14:07

(TN&MT) - Tình trạng khai thác cát trái phép, cộng với việc xả lũ của thuỷ điện làm thay đổi dòng chảy dẫn đến  tình trạng sạt lở dọc hai bên bờ sông Krông Ana (sông Mẹ) và sông Krông Nô (sông Cha) - hai nhánh của dòng sông Sêrêpốk ngày một nghiêm trọng.

Điều đáng nói, tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, với hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp, hàng trăm hecta đất sản xuất nông nghiệp biến mất. Những nội dung này cũng đã được rất nhiều cơ quan thống tấn báo chí từ địa phương đến Trung ương phản ánh liên tục. Tuy nhiên, đến nay những bất an và lo lắng của người dân vẫn "hằng nguyên". 

Hàng chục tàu cát nối đuôi nhau "đục khoét" đôi bờ sông Cha và sông Mẹ

Nhà, đất đang nằm dưới sông!

Đó là câu nói khá quen thuộc của nhiều người dân đang sinh sống dọc hai bên bờ sông Krông Nô và Krông Ana mỗi lần tiếp xúc với chúng tôi. Theo ông Trương Văn Tỏ (Tổ trưởng Tổ tự quản số 3, xã Ea R’Bin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), gia đình ông từ Bắc vào đây sinh sống hơn 30 năm, ngày trước con sông này hiền hoà và nơi mang lại nhiều nguồn lợi cho bà con mưu sinh. “Sông Cha trước đây chỉ rộng khoảng 20-30m nay nhiều đoạn phình to. Có đoạn nước lở vào bờ hàng trăm mét, sụt sâu tạo ghềnh thác khiến dòng chảy xiết ghê gớm”, ông Tỏ lo lắng nói. 

Ông Trương Văn Tỏ (Tổ trưởng Tổ tự quản số 3, xã Ea R’Bin, huyện Lắk) bên ngồi nhà hai tầng bị đổ xuống sông

Như để chứng minh cho sự bất an đó, ông Tỏ dẫn chúng tôi vượt hơn 10km đường sông băng qua nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp nhiều diện tích cây trồng để đến ngôi nhà hai tầng của gia đình ông mới bị vùi lấp xuống sông. Đang bàng hoàng vì những vết nứt lớn dọc hai bên bờ sông Mẹ thì chúng tôi giật mình vì khung cảnh hiện ra trước mắt là một ngồi nhà được xây dựng khá kiên cố nhưng đang nằm “lơ lửng” một nữa trên bờ còn nữa kia mấp mé dưới sông.

Dọc hai bên bờ sông xuất hiện hàng chục bãi tập kết cát 

Theo ông Tỏ, ngồi nhà này là cả tâm huyết của gia đình tích góp nhiều năm hy vọng có nơi tá túc ổn định vì trước đó đã ba lần phải dời nhà vì sông lở. “Nhà tôi trước đây nằm cách bờ sông hơn 30m, nhưng mỗi năm nước lại "ăn vào" 2-5m rồi nuốt luôn cả nhà. Cái nhà tạm này mới dựng lên để chứa máy móc, nông sản, còn gia đình không ai dám ở lại nữa vì chưa biết sông lại lở khi nào", ông Tỏ lo lắng nói. 

Ông Khương Phú Huynh (xã Ea R’Bin, huyện Lắk) chỉ ra phần đất đang nằm giữa sông (gạch đen) ngày trước nhà ông ở đoạn đó

Nằm cách nhà ông Tỏ chưa đầy 100m, gia đình ông Khương Phú Huynh (50 tuổi, hàng xóm ông Tỏ) cũng rơi vào cảnh không nhà cửa, vợ chồng phải đi tá túc nhà bà con. "Mỗi năm sông lấn vô một ít, tôi đã dời nhà lên mấy lần. Đến lần thứ 4, tôi dời cách bờ hơn 30m, làm nhà kiên cố nhưng cũng bị sạt lở, toàn bộ tài sản trôi xuống sông. Hơn 2,8ha đất của gia đình nay còn đúng 7 sào", ông Huynh xót xa nói.

Bờ sông bị sạt mất chân, cây trồng đứng lơ lửng

“Cát tặc” lộng hành ngày đêm

Theo những người dân sống dọc hai bên bờ sông, tình trạng khai thác cát tràn lan diễn ra khá rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Có những thời điểm một khúc sông chưa đầy 200m mà có tới 5-7 tàu nối đuôi nhau hút cát giữa dòng rồi có nhiều chỗ cắm cả vòi rồng vào bờ để hút.

“Ngày hay đêm thì các tàu lớn bé đều nổ ầm ầm hút rồi thay nhau chở về các bãi chứ có sợ ai, hôm nay chắc nghe thông tin anh em báo chí vào rồi nó (tàu cát - PV) mới rút đó. Chúng tôi ở đây thấp cổ bé họng, đơn thư đủ các kiểu rồi, nhưng hút vẫn cứ hút còn đất lở, nhà mất dân chịu thôi”, một người dân buồn bã nói. 

Những chiếc tàu không số "hăng say" cắm vòi rồng xuống lồng sông để hút cát

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Trương Văn Tỏ cho biết, dọc khúc sông này có khoảng 30 hộ dân đang canh tác, nhưng hiện hàng chục hecta đất đã bị sạt xuống sông. "Khai thác cát tràn lan, không kiểm soát được. 15 - 20 tàu cát quần cả ngày lẫn đêm, họng hút cát thi nhau chọc xuống sông, vòi vắt vào bờ. Không ngăn chặn thì những tay hút cát ngày một giàu, dân thì mất đất, mất nhà không biết đến bao giờ", ông Tỏ bức xúc nói.

Nhiều đoạn của bờ sông nứt toác từng mảng 

Theo chân một số người dân đi xuồng máy ngược dòng sông Cha về hướng hạ du, không khó đề nhìn thấy những mảng đất đang vở ra xen lẫn những cây trồng như bắp, cà phê… của người dân đang đứng cheo leo như “đèn treo trước gió” chỉ cần một tác động nhẹ là sẵn sàng đổ ụp xuống đáy sông. Nằm sát với bờ sông xuất hiện hàng chục bãi tập kết cát chất cao cả chục mét. Cát được các tàu "ngoạm" dưới lòng sông rồi phun lên bờ. Sông lở đến đâu, bãi cát cao đến đó.

Bờ sông đang ngày một bị sạt lở nghiêm trọng

Tại chân cầu Buôn Tua Srah (giữa xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông và xã Nam Kar, huyện Lắk, Đắk Lắk), hai trụ đế móng đã "trơ xương", mặt nền hổng sâu xuống 2-3m. Trong khi cách chân cầu khoảng 500m theo đường sông có 3-4 bãi cát, hàng chục tàu hì hục hút cát suốt ngày đêm. 

"Các vựa cát khoan một hố sâu giữa sông rồi hút lên tàu. Theo dòng nước, cát ở thượng lưu cứ thế chảy về những "cái phễu" này nên các tàu hút rất dễ dàng. Lòng sông vì thế bị bào mòn rất nhanh, hai bên bờ sạt lở liên tục", anh Hà Văn Hùng (thôn 3, xã Nam Ka) nói.

Hệ thống đế móng chân cầu nhô lên rất cao so với thời điểm mới thi công

Theo ông Trần Văn Khánh - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3) cho biết, khi phát hiện hai đế móng trụ cầu bị xói lõm, hổng chân do nạn khai thác cát phía hạ lưu cầu, Công ty đã có văn bản gửi ngành chức năng xem xét, giải quyết để đảm bảo an toàn cho cây cầu nối hai tỉnh.  "Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, phối hợp cắm mốc để hỗ trợ, bồi thường đợt thứ 7 cho người dân. Tuy nhiên, Công ty cũng đề nghị phải làm rõ xem nguyên nhân thực sự khiến sạt lở, không thể mãi trăm dâu đổ đầu tằm", ông Khánh nói.

Tình trạng sạt lở bờ sông chạy dài cả chục km

Nếu vi phạm sẽ tước giấy phép

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, các năm qua địa phương rất quan tâm để việc bảo vệ dòng sông. Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã cắm biển báo ở 19 khu vực bị sạt lở nghiêm trọng và nghiêm cấm khai thác cát ở các khu vực này.

"Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, có thể tước giấy phép khai thác cát không đúng giấy phép, bãi tập kết không đúng quy định. Việc phát hiện, xử lý đã được giao cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng cũng cần có "tai mắt" của người dân", ông  Lê Trọng Yên nói.

Về giải pháp ngăn chặn sạt lở, ông Lê Trọng Yên cho biết, tỉnh Đắk Nông cũng đã tổ chức hội thảo, lên phương án sẽ làm kè mềm. Tuy nhiên, các phương án vẫn đang được bàn bạc, trao đổi để phát huy hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Sông Mẹ, sông Cha" lại “oằn mình” trước nạn cát tặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO