Trả lời phóng viên báo TN&MT, ông Lê Văn Khôi, Chủ tịch UBND thành phố Sông Công cho biết: Năm 2004 khi khu công nghiệp Sông Công I tại phường Bách Quang, thành phố Sông Công được phê duyệt và Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, công ty kinh doanh phát triển hạ tầng KCN tiếp nhận các dự án đầu tư về công nghiệp nặng, đúc gang, thép, chế biến kẽm, chế biến quặng, sản xuất hàng hóa công nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường trở nên cấp bách do phát sinh các vụ việc gây ô nhiễm môi trường từ các nhà máy chế biến quặng, luyện thép.
Để có thể giải quyết tốt công tác bảo vệ môi trường, ngay khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 chính thức có hiệu lực và cho phép UBND cấp huyện được bố trí biên chế công chức quản lý về môi trường, UBND thành phố đã bố trí nhân lực có chuyên môn về môi trường để tiếp nhận và tham mưu cho UBND thành phố xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm về môi trường phát sinh trên địa bàn thành phố, triển khai các công tác bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh và sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên.
Hiện trên địa bàn thành phố công tác quản lý nhà nước về môi trường được thực thi bởi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên thực hiện quản lý việc cấp phép môi trường và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, công ty có quy mô sản xuất lớn do UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép đóng trên địa bàn thành phố Sông Công.
Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên có nhiệm vụ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, công ty trong Khu A, Khu B khu công nghiệp Sông Công I. UBND thành phố Sông Công có nhiệm vụ quản lý việc cấp phép môi trường và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô nhỏ do UBND thành phố cấp phép đóng trên địa bàn thành phố Sông Công. UBND các xã, phường có nhiệm vụ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị gây ô nhiễm môi trường của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Cảnh sát môi trường tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ điều tra, đấu tranh với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định về môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nêu trên còn có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong việc đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các cơ quan báo chí, tổ chức đoàn thể và người dân, nên nhiều năm qua các ý kiến, kiến nghị của người dân phản ánh việc các công ty, xí nghiệp và cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đều được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định, qua đó đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân và xử lý các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm môi trường.
Chủ tịch UBND TP. Sông Công cho rằng, việc tăng tốc độ đô thị hóa, xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế gây khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường của địa phương, cụ thể như: Việc tăng mật độ dân số dẫn đến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, khu chăn nuôi trước đây nằm cách xa khu dân cư nay trở thành nằm trong khu dân cư, từ đó gây ra những ảnh hưởng về môi trường đối với người dân xung quanh. Việc quy hoạch và triển khai thực hiện xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Sông Công I, khu A khu công nghiệp Sông Công I còn có bất cập dẫn đến tình trạng người dân sống gần khu công nghiệp (ở khu B, khu công nghiệp Sông Công I), chưa có hành lang cây xanh cách ly khu công nghiệp với khu dân cư xung quanh (Cả khu A và Khu B, khu công nghiệp Sông Công I), tình trạng trên đã dẫn đến phát sinh các kiến nghị về môi trường.
Ngoài các tồn tại nên trên thì một trong những khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố là về nhân lực. Hiện thành phố mới chỉ có 01 biên chế và 01 tăng cường với chuyên môn làm công tác bảo vệ môi trường nên việc chủ động tổ chức kiểm tra môi trường đột xuất của các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn thành phố gặp khó khăn. Khó khăn nữa là về kinh phí để triển khai các đề tài, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường của thành phố, xây dựng các công trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, khu đô thị. Kinh phí giải phóng mặt bằng giải quyết trồng cây xanh cách lý chưa thực hiện được.
Với đặc thù là thành phố trực thuộc tỉnh nên quan điểm chỉ đạo của thành phố trong công tác bảo vệ môi trường là hàng năm đều ra văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm luật bảo vệ môi trường. Đồng thời tập trung vào việc tiếp nhận và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân phản ánh các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, qua đó kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi gây ô nhiễm môi trường để đảm bảo sức khỏe và đời sống của nhân dân. Để làm được điều này UBND thành phố đã công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các kiến nghị về môi trường, số điện thoại của các lãnh đạo thành phố và phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố. Nhiều vụ việc, ý kiến phản ánh được tiếp nhận và giải quyết chỉ sau một vài giờ, có những vụ việc được phản ánh ngoài giờ hành chính, vào buổi tối, ban đêm cũng đều được lãnh đạo thành phố tiếp nhận và chỉ đạo cơ quan chuyên môn giải quyết ngay và xử lý hành chính kịp thời đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra UBND thành phố cũng chủ trương tăng cường công tác cấp phép về môi trường cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền, chủ động lập kế hoạch để tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường quan đó ngăn ngừa các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thông qua việc phát động hưởng ứng các ngày lễ môi trường hàng năm như Ngày Nước thế giới; Ngày Khí Tượng thế giới; Ngày Môi trường thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...bằng các hình thức phát động công văn, treo băn rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các tuyến đường, khu đông dân cư, khu, cụm công nghiệp và phát động công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.
Do sự phân cấp theo quy định của Luật bảo vệ môi trường nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố có sự tham gia quản lý môi trường của nhiều cơ quan quản lý. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, UBND thành phố luôn chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên, Cảnh sát môi trường tỉnh Thái Nguyên trong các cuộc kiểm tra định kỳ, đột xuất về môi trường đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Với những quan điểm chỉ đạo cụ thể, đi thẳng vào giải quyết từng vụ việc phát sinh trong lĩnh vực môi trường một cách kịp thời, triệt để của UBND thành nên các cơ sở doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố đều ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
TP. Sông công đề ra 8 giải pháp gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường bền vững: Ban hành các văn bản kịp thời, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, cơ quan tăng cường công tác bảo vệ môi trường; Tiếp tục tăng cường việc tiếp nhận và xử lý kịp thời, dứt điểm các kiến nghị gây ô nhiễm môi trường của nhân dân; Tăng cường công tác kiểm tra công tác bảo vệ môi trường định kỳ, đột xuất đối với các doanh nghiệp, công ty cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp và người dân bằng nhiều hình thức; Phối hợp tốt với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh và cảnh sát môi trường tỉnh Thái Nguyên trong các cuộc thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, giải quyết các kiến nghị về môi trường của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; Xử lý kịp thời và kiên quyết với các đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường...