Sống chậm ở vùng cao
(TN&MT) - Mỗi mùa xuân đến, người ta lại tính đếm thật nhiều cho những chuyến đi. Nhưng là đi như là ở lại. Đi để sống chậm, tìm thấy sự an yên trong lòng mình, lắng nghe tiếng động cựa của mùa xuân. Những chuyến vùng cao cho cảm giác ấy.
Lạc vào xứ sở hoa mận
Không ồn ào, nhưng cũng chẳng quá trầm lắng, huyện Bắc Hà (Lào Cai) là nơi được nhiều người tìm đến để trải nghiệm không khí xuân. Xuân nơi đây được trang hoàng bởi hoa mận, một “đặc sản” mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Với người thích “phượt” như tôi, năm nào cũng có chuyến du xuân về Bắc Hà, từ đây có thể kết nối đến các chợ trong khu vực huyện Si Ma Cai. Cũng bởi tôi yêu màu trắng đến diệu kỳ của hoa mận, yêu những đêm xòe người bản địa hết lòng tổ chức thiết đãi khách, yêu thứ rượu mềm môi mà vẫn tỉnh táo, yêu cả những ánh mắt e ấp của các thiếu nữ chuẩn bị váy áo xúng xính du xuân.
Loại mận ở Bắc Hà là mận Tam hoa, đã được trồng ở đây từ hơn 30 năm trước. Vào mùa hè, mận đã đóng góp một phần đáng kể vào thu nhập của người dân địa phương. Mùa xuân đến, muôn hoa đua nở và cùng với hoa cải, hoa mai, hoa đào, hoa mận giúp mảnh đất này trở nên rực rỡ hiếm có.
Điều đáng nói, hoa mận có thể dưỡng tinh thần rất tốt. Hoa và người giúp mỗi khách đến đây có thể sống chậm lại, đắm mình với thiên nhiên. Vựa hoa mận tập trung ở các xã Bản Phố, Na Hối, Tả Chải, Lầu Thí Ngài, Nậm Mòn… với hơn 1000ha. Dưới những tán hoa mận đó là những nếp nhà sàn êm đềm, chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của bà con dân tộc H,Mông, Tày, Nùng… Và hơn nữa, những lời hát, những điệu múa xòe mùa xuân đủ níu lòng mỗi ai đến thăm, cũng tạo nên không khí xuân ấm áp, làm cho hoa thêm rộ nở. Nơi phát tích và cũng là nơi làm cho các điệu xòe Bắc Hà vang xa là xã Tả Chải.
Xưa, xòe ở đây chủ yếu phục vụ thổ ty, dòng dõi Hoàng A Tưởng, các thống lý thân cận. Đúng đêm 30 Tết, khi tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới vang lên thì cũng là lúc hội xòe bắt đầu. Xòe Tả Chải ngoài bản sắc tự nhiên, lại được kết hợp với điệu valse của thực dân Pháp (Trong thời gian giúp xây dựng dinh Hoàng A Tưởng 1914 đến năm 1921) khiến cho điệu múa này càng tăng thêm tính sôi động, vui tươi. Ngày nay xòe trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con. Khi có hội, có lễ (lễ lồng tồng, lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới…), hay dịp Tết, người Tả Chải lại tổ chức múa xòe.
Xòe để cây lúa thành bông, cây ngô ra bắp, trai gái thành đôi; xòe để quên đi những mệt nhọc của cuộc sống bộn bề hằng ngày. Ngày mồng năm Tết, hội xòe được tổ chức tại địa phương cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Đây là dịp mà những hội xòe được tổ chức sôi động nhất, kéo dài nhất và thu hút nhiều thanh niên nam nữ nhất. Cái nhìn của trai gái ngộ nghĩnh, vẻ đẹp của trai gái hoang hoảng và bình dị như cây rừng, tình yêu của họ cũng thanh khiết, và men rượu, men tình yêu cứ mềm môi, chảy mãi, ngọt mãi trong suốt mùa xuân ấm.
Đi để nghĩ về những điều tuyệt diệu
Ở vùng cực Bắc của Tổ quốc, làng văn hóa Lô Lô Chải, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cũng thật đặc biệt. Đặc biệt hơn nữa là vẻ đẹp nên thơ vào mùa xuân. Đến đây, du khách sẽ thật sự trải nghiệm cuộc sống chậm với những người dân mộc mạc, những hàng rào đá, mái ngói âm dương, những câu chuyện ở trập trùng đá núi như nối dài từ mặt đất lên đến trời xanh.
Nhưng trước khi đến đây, du khách phải trải qua cung đường khá dài. Bây giờ đường đi đã vô cùng tiện lợi, nhưng ngày xưa thì, đúng là “hành xác”. Và khi đã trải qua hành trình gần 170km từ thành phố Hà Giang đến Lô Lô Chải, ở bất kỳ thời điểm nào, sẽ được những ánh mắt biết nói chào đón. Xưa hay nay vẫn vậy.
Khoảng hai chục năm nay, người Lô Lô Chải dần tiếp cận với hoạt động phát triển du lịch, biết xây dựng, sửa sang những nhà trình tường thành homestay xinh xắn, tiện nghi để đón khách. Những câu chuyện bên bếp lửa, bên các điệu múa lời ca sẽ giúp hành trình của du khách thêm ý nghĩa. Nhiều chủ homestay trang hoàng nhà cửa, nấu ăn rất giỏi. Đặc biệt, họ hiểu về vùng đất của núi đá, hiểu những “cụ nhà” hàng trăm năm tuổi sẵn sàng “hầu” khách bằng những câu chuyện thú vị. Điều tuyệt vời ở đây là sự bình yên, tĩnh lặng đến mê man. Ban ngày, du khách đi dạo, đi ngắm những dãy núi trong chờn vờn sương mây, lắng nghe tiếng thở của những con suối.
Mùa xuân, nhiều thanh niên nam nữ cũng sẽ chọn xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) hay Mai Châu (Hòa Bình) để trải nghiệm. Họ không đến đó để chọn ăn uống, mà khám phá lòng mình, khám phá mùa xuân và lắng nghe xuân nói. Đó là những nơi mà cuộc sống đang trôi đi chầm chậm. Họ thả mình ở đó, chụp hình, lựa chọn những chiếc ảnh rực rỡ nhất để trang hoàng trang facebook cá nhân của mình. Đặc biệt, thung lũng Mai Châu có khung cảnh thật thơ mộng và tuyệt đẹp, nơi đây gắn với bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Đứng trên cao, phóng tầm mắt ra xa, khách sẽ cảm nhận được một không gian khoáng đạt, và nhớ đến câu thơ: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Bây giờ ở mỗi tỉnh vùng cao đều có những điểm để bất cứ ai cũng có thể lựa chọn, là nơi săn mây, săn hoa, sống chậm dịp xuân về. Đón xuân vùng cao là cách lựa chọn của không ít bạn trẻ thời công nghệ, khi mà nhiều người không còn ham thích giam mình một chỗ để tụ tập, ăn uống. Họ sẽ lên lịch cho các chuyến “xê dịch”, xa cuộc sống ồn ào, gấp gáp ít ngày và nghe cuộc sống, nghe thiên nhiên và nghĩ nhiều hơn về giá trị của cuộc sống.