Vừa hoạt động trái phép vừa chiếm dụng đất công
Phản ánh đến đường dây nóng của Báo Tài nguyên và Môi trường, nhiều người dân trên địa bàn phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây - Hà Nội) cho biết hàng chục năm nay, nhiều bãi tập kết cát, VLXD hoạt động không phép nhưng không bị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý triệt để.
Cũng theo người dân, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe quá khổ, quá tải chở VLXD di chuyển qua tuyến đường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường do cát, đá, sỏi vương vãi trên đường, phá hủy tuyến đường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Được biết, khu vực đất ven sông Hồng phường Phú Thịnh thuộc tổ dân phố Hồng Hậu và tổ dân phố Yên Thịnh. Hiện tại khu vực bãi Hồng Hậu, Yên Thịnh – phường Phú Thịnh có 8 hộ gia đình hoạt động trung chuyển, kinh doanh VLXD tại 9 điểm; 1 hộ làm bãi đóng tàu. Tổng diện tích các hộ đang sử dụng khoảng 4,7 ha đất công, đất công ích để hoạt động. Cụ thể, bà Vũ Thị Xuân làm bãi chứa cát, đá; sử dụng băng chuyền, máy xúc để trung chuyển VLXD trên diện tích 7.309m2. Ông Nguyễn Văn Hải làm bãi chứa cát, sỏi; sử dụng băng chuyền, máy xúc để trung chuyển VLXD trên diện tích 12.672m2. Ông Phạm Văn Hưng làm bãi chứa cát, sỏi; sử dụng băng chuyền, máy xúc để trung chuyển VLXD tại 2 bãi trên diện tích 4.425m2 và 6.090m2. Ông Lê Xuân Hiền làm bãi chứa cát; sử dụng băng chuyền, máy xúc để trung chuyển VLXD trên diện tích 1.771m2. Ông Lê Gio Linh làm bãi chứa cát, sỏi; sử dụng băng chuyền, máy xúc để trung chuyển VLXD trên diện tích 5.450m2. Ông Nguyễn Văn Thành làm bãi chứa cát, sỏi; sử dụng băng chuyền, máy xúc để trung chuyển VLXD trên diện tích 6.491m2. Ông Lê Thế Cường làm bãi chứa cát; sử dụng băng chuyền, máy xúc để trung chuyển VLXD trên diện tích 2.475m2. Ông Trần Đình Thành làm bãi chứa cát, đá trên diện tích 3.025m2.
Có mặt tại bãi chứa cát; sử dụng băng chuyền, máy xúc để trung chuyển VLXD của ông Lê Thế Cường, PV quan sát thấy, hàng chục “núi cát” cao sừng sững án ngữ trong bãi và khối lượng rất lớn. Theo bà Lê Thị Hồng Vân, người nhà của ông Lê Thế Cường, bãi chứa cát của gia đình hình thành được 40 năm nay, hoạt động theo kiểu “cha truyền con nối”.
Khi PV hỏi về nguồn gốc cát và nguồn gốc đất bãi chứa, bà Lê Thị Hồng Vân cho biết: “Cát họ bán cho chúng tôi trên sông nên lúc có hóa đơn, lúc không có vì mình mua rong. Khi nào phường thu tiền thuế sử dụng đất thì mình trả, chứ hiện tại chúng tôi không phải nộp tiền thuê đất, được sử dụng miễn phí từ khi hết hợp đồng (năm 2013)”. Những lời bà Vân nói cho thấy việc ông Lê Thế Cường có dấu hiệu trốn thuế trong kinh doanh và chiếm dụng đất công để phục vụ mục đích kinh doanh siêu lợi nhuận.
Theo ông Kế, cán bộ Địa chính phường Phú Thịnh, không riêng bãi chứa cát của ông Lê Thế Cường, tất cả các bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn phường Phú Thịnh đều đã chấm dứt hợp đồng thuê đất tại khu vực bãi sông Hồng từ năm 2013 và được yêu cầu phải di chuyển toàn bộ số nguyên vật liệu ra khỏi khu vực bảo vệ đê kè, trả lại nguyên hiện trạng đất nông nghiệp. Thế nhưng, không hiểu lý do vì sao, các điểm tập kết, trung chuyển VLXD trên vẫn ngang nhiên hoạt động ngày đêm mà không bị chính quyền địa phương xử lý triệt để. Điều đáng nói, chỉ không lâu nữa là đến mùa mưa bão, nhưng các bãi tập kết ven sông này vẫn hoạt động triền miên, rầm rộ, vi phạm nghiêm trọng về hành lang thoát lũ.
Tương tự như ông Lê Thế Cường, ông Phạm Văn Hưng và ông Lê Xuân Hiền cũng đang ngang nhiên chiếm dụng đất công “miễn phí” để tập kết, kinh doanh VLXD. Nếu như tại bãi của ông Hưng, hàng loạt máy xúc, máy ủi đang “ăn” cát, sỏi đổ lên xe vận chuyển đi bán ở nơi khác thì tại bãi của ông Hiền, các xe tải đang thay nhau ra vào để vận chuyển cát.
Mặc dù các vị chủ bãi trên đều “than phiền” về việc cát, sỏi bán chậm nhưng theo quan sát của PV, tại các bãi chứa này, máy xúc, máy ủi và xe tải vận chuyển cát vẫn hoạt động tấp nập.
Chính quyền có thực sự vào cuộc?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Thịnh cho biết: “Trong năm 2017, UBND phường cùng cán bộ Hạt Quản lý đê Sơn Tây – Phúc Thọ, Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều đối với các hộ vi phạm tại khu vực bãi sông Hồng. Toàn bộ hoạt động kinh doanh, tập kết, trung chuyển, xếp dỡ hàng hóa khu bãi sông Hồng địa bàn phường Phú Thịnh đều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực: đê điều, sử dụng đất, giao thông đường thủy, môi trường…”. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu bà Nguyễn Thị Thu Hà cung cấp các biên bản xử phạt này thì bà Hà không thể cung cấp.
Khi PV đặt câu hỏi, UBND phường có lực lượng cưỡng chế các bến bãi nhưng tại sao không cưỡng chế, vị Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh trả lời: “Bạn thử “cân” lực lượng của phường với lực lượng ở bến bãi đi, xem cưỡng chế kiểu gì? Câu trả lời của vị Chủ tịch thể hiện sự bất lực, thờ ơ của chính quyền địa phương phường Phú Thịnh?
Rõ ràng, UBND phường có thể dùng biện pháp mạnh để yêu cầu các bến bãi dừng hoạt động, giải tỏa VLXD, tuy nhiên, vị Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh luôn giữ quan điểm: “Hiện tại các bến bãi vi phạm đang vượt quá thẩm quyền xử lý của UBND phường”. Phải chăng bà Nguyễn Thị Thu Hà đang thoái thác trách nhiệm lên UBND thị xã Sơn Tây và các cơ quan chức năng khác?
Để làm rõ thông tin người dân phản ánh, PV đã đặt lịch làm việc tại UBND thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, đến nay, đã gần 20 ngày liên hệ, PV vẫn không nhận được phản hồi từ UBND thị xã Sơn Tây dưới bất kỳ hình thức nào. Đề nghị, UBND thị xã Sơn Tây nhanh chóng vào cuộc để trả lại cuộc sống yên bình cho người dân phường Phú Thịnh.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.