Sơn La “Xanh hóa” môi trường sau khai thác khoáng sản

Nguyễn Nga (thực hiện)| 14/04/2022 06:48

(TN&MT) - Là địa phương được đánh giá có tiềm năng khoáng sản ở vị trí thứ 3 vùng Tây Bắc, những năm qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là công tác cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn nguyên sau khai thác.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La.

PV: Xin ông đánh giá sơ bộ về thực trạng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La? Những đóng góp của hoạt động khoáng sản vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

Ông Nguyễn Tiến Dương:

Theo sổ mỏ điểm quặng năm 2005 do Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bàn giao về kết quả điều tra địa chất khoáng sản, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 78 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 4 nhóm khoáng sản rắn và một số nguồn nước nóng - nước khoáng. Trong đó, nhiên liệu khoáng gồm có than; kim loại gồm sắt, đồng, nikel, chì kẽm, nhôm; khoáng chất công nghiệp gồm Phosphorit, talc; khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nước nóng - nước khoáng. Đến nay, toàn tỉnh có 38 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, gồm 4 giấy phép do Bộ TN&MT cấp, 34 giấy phép do UBND tỉnh cấp.

a1-2-.jpg
Ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La

Ngoài cung cấp khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hằng năm, các doanh nghiệp khoáng sản còn đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí BVMT, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số tiền thu nộp ngân sách từ hoạt động khoáng sản hơn 279 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khoáng sản còn đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, ủng hộ các hoạt động xã hội tại địa phương có hoạt động khoáng sản.

PV: Thời gian qua, công tác BVMT trong hoạt động khoáng sản đã được tỉnh Sơn La triển khai như thế nào, nhất là công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường sau khi Giấy phép khai thác hết hiệu lực, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dương:

Thực hiện quản lý Nhà nước lĩnh vực khoáng sản, Sở TN&MT đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp tăng cường thực hiện các quy định pháp luật về khoáng sản, BVMT, thực hiện nghiêm trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt.

Các đơn vị hoạt động khoáng sản đã có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản, BVMT; thực hiện các biện pháp, giải pháp BVMT theo đúng Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; chấp hành nghiêm việc nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Tổng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của các đơn vị trong năm 2021 là hơn 1,9 tỷ đồng.

Với các Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, theo quy định, chủ dự án phải thực hiện đóng cửa mỏ. Sở TN&MT đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị về trình tự, hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ. Giai đoạn 2016 - 2019, UBND tỉnh đã ban hành 31 quyết định đóng cửa mỏ. Từ năm 2020 tới nay, có 8 giấy phép hết hiệu lực, hiện 3 mỏ đang làm thủ tục đóng cửa gồm: Mỏ đá Sen To, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu; mỏ đá bản He, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai; mỏ đá Văn Cơi, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên. Với 5 điểm mỏ còn lại, Sở TN&MT đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đóng cửa mỏ.

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh? Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện?

Ông Nguyễn Tiến Dương:

Theo quy định của Luật Khoáng sản, công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường là trách nhiệm của các chủ Giấy phép khi Giấy phép khai thác hết hiệu lực. Song, thực tiễn cho thấy, còn tình trạng chủ Giấy phép chưa tập trung lập Đề án đóng cửa mỏ, Sở TN&MT phải đôn đốc nhiều lần. Hoặc có trường hợp chủ Giấy phép không có khả năng thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã phải lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện Đề án đóng cửa mỏ từ số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân được phép khai thác. Trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ, năm 2017, Sở TN&MT đã kiểm tra, xử lý vi phạm 1 đơn vị, với mức phạt 120 triệu đồng.

a2.jpeg

Sơn La nỗ lực bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

PV: Để đảm bảo thực hiện tốt hoàn nguyên môi trường sau khai thác, Sở TN&MT đã và đang triển khai các giải pháp nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dương:

Năm 2022, Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, rà soát đối với các mỏ khoáng sản có Giấy phép khai thác hết hiệu lực. Yêu cầu các chủ Giấy phép hết thời hạn khai thác và không đủ điều kiện gia hạn phải lập Đề án đóng cửa mỏ, đưa mỏ về trạng thái an toàn trước khi bàn giao cho địa phương quản lý. Trường hợp chủ Giấy phép không thực hiện, tham mưu UBND tỉnh xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP.

Rà soát, đôn đốc các khu vực chuẩn bị kết thúc khai thác phải lên được lộ trình, kế hoạch hoàn nguyên môi trường và có sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng. Các khu vực tiếp tục khai thác phải cam kết thực hiện theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân với hoạt động khoáng sản. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về khoáng sản; phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; cam kết về tăng cường vai trò trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về quản lý tài nguyên và BVMT; cam kết về quản lý tài nguyên, BVMT giữa chủ các giấy phép khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La “Xanh hóa” môi trường sau khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO